Sống ở rừng Cần Giờ - Kỳ 3: Đàn cò về rừng đêm trăng nghe câu vọng cổ...

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
19/03/2020 11:13 GMT+7

Khi nằm ngủ ở cái chòi dựng lại ba lần do sóng tàu đánh sập, trăng rừng Cần Giờ sáng cả đàn cò về muộn, tôi nghe văng vẳng những câu vọng cổ Chợ Mới từ phía bên kia sông...

Cần Giờ là một cửa ngõ của TP.HCM. Khu vực sông Soài Rạp và sông Lòng Tàu lúc nào cũng đông đảo tàu, bè. Nhưng khó ai hình dung được những cư dân giữ rừng lại ngán nhứt là... sóng tàu vì chúng làm chìm xuồng, sạt lở bờ, ngã cây…

Lo lắng sóng tàu

Sóng tàu gây sạt lở đất tại rừng Cần Giờ

Ảnh: Phạm Thu Ngân

Sóng tàu là cách mà cư dân rừng Cần Giờ gọi những đợt vỗ sóng dội bờ khi những con tàu tải trọng lớn chạy đè qua con nước.
Anh Nguyễn Hoàng Phiên (39 tuổi, tổ trưởng tổ tự quản phân khu 1, rừng phòng hộ Cần Giờ) chỉ tay ra trước nhà, nơi anh bắt cây cầu nhỏ để đăng đáy,  bảo: “Trước đây nhà có trồng giàn, đất ra tới giữa cây cầu đằng đó lận, mà sóng tàu đánh riết nên sụp riết. Cứ 1 năm sạt chừng 2 m vào bờ, chắc rồi sạt tới bìa nhà...”.
Những cư dân rừng kể tôi nghe câu chuyện hai vợ chồng chèo xuồng chở nước ngọt, trên đường về thì sóng tàu đánh chìm xuồng. Hai người đu theo hai thùng nước. Nhưng sóng tàu đánh lớn, làm người vợ đuối sức rồi bỏ mình. Người chồng được cứu, nhưng rồi sau đó cũng bỏ rừng lên bờ.
Do mối lo sóng tàu, người dân ở rừng Cần Giờ thường xuyên được huấn luyện kỹ năng phòng chống ứng phó, kỹ năng sơ cấp cứu, kỹ năng lái phương tiện thủy.
Ông Huỳnh Đức Hoàn, Trưởng ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ, cho biết việc sạt lở rừng do ảnh hưởng từ vận tải đường biển là... đáng kể.
“TP.HCM cũng rất quan tâm vấn đề này và cũng có những quy định tàu bè khi qua hai sông Soài Rạp hay Lòng Tàu. Năm nào ban cũng báo cáo việc sạt lở rừng và phải trồng bù phần mất đi. Nhưng một giá trị lớn của rừng ngập mặn là nằm ở chỗ bồi tụ, sạt chỗ này thì nó bồi tụ chỗ khác, tức sông bên lở bên bồi”.

Các loại cây ngập mặn như đước, chà là, bần, mắm... bị ngã đổ không chỉ do gió giông quật mà còn do sóng tàu gây sạt lở đất.

Ảnh: Phạm Thu Ngân

Bên cạnh việc sản xuất phụ, các hộ dân phải tuần tra thường xuyên và thường xuyên đối mặt với nỗi lo sóng tàu.
Anh Trần Quốc Tuấn, Trưởng phân khu 1 rừng phòng hộ Cần Giờ, cho biết: “4 - 6 hộ hợp thành một tổ tự quản. Họ đi tuần, phân công nhiệm vụ, rút kinh nghiệm, báo cáo tuần tra có phát hiện được vụ nào vi phạm không, có phát hiện được động vật hoang dã không, hiện trạng các lâm sản trong rừng…”.
Theo anh Tuấn, trung bình mỗi hộ đi rừng của mình chừng 20 - 30 lượt một tháng. Nếu kết hợp với tổ và phân khu có khoảng 4 - 6 lượt chốt đêm, từ 6 - 8 lượt tuần tra bảo vệ rừng.

Anh Phiên lội rừng để sản xuất phụ

Ảnh: Phạm Thu Ngân

Còn anh Nguyễn Hoàng Phiên (39 tuổi, tổ trưởng tổ tự quản của phân khu 1) cho hay: “Khi tuần tra, nhóm neo vỏ lãi ở cửa ngỏ khoảng từ 18 giờ đến 5 giờ. Nếu buồn ngủ thì gục ở vỏ lãi. Đi đêm sợ nhất sóng tàu, có lần tôi để cái bình thủy cũng bị sóng đánh bể”.
Chúng tôi đã có dịp trải nghiệm đi vỏ lãi suốt hành trình xuyên rừng, đã đối mặt với cảnh bị sóng tàu đánh vào vỏ lãi đến độ tưởng mình như sắp rơi xuống sông. Lên đến bờ, ướt sũng, vẫn tưởng mình đang dập dìu theo sóng.

Trồng rừng là nghề... gia truyền

Sau khi thăm hộ của anh Phiên, chúng tôi cùng chị Nguyễn Thị Loan (42 tuổi, phân khu 1) ghé nhà của ông Trần Minh Tùng (thuộc phân khu 3), nằm cách đó không xa.
Ông Trần Minh Tùng (50 tuổi) có biệt danh Tùng “ghi-ta” do ông mê đàn những bài vọng cổ. Trong nhà ông treo nhiều tấm bằng khen về việc hoàn thành công tác giữ rừng.
Ông Tùng bảo ông chẳng bao giờ quên được hình ảnh mẹ đi trước còn mình lẽo đẽo theo sau... trồng rừng. Lớn lên, ông cùng mẹ ở lại Cần Giờ giữ rừng, và giờ đây trực tiếp đứng tên nhận khoán đất rừng. Mẹ của ông Tùng là bà Đinh Thị Hồng (71 tuổi), một trong số 10 hộ đầu tiên nhận giao khoán bảo vệ rừng, bây giờ đã về hưu, vào bờ. Ông Tùng chọn ở lại rừng Cần Giờ, nối tiếp nghề giữ rừng của ba mẹ.

Những đứa trẻ được gửi lên bờ cho ông bà chăm học ba mẹ sẽ đưa đón con cái đi học thường ngày.

Ảnh: Phạm Thu Ngân

“Hồi đó trồng rừng khổ lắm, đi xuống những tiểu khu xa, bắt buộc phải ở qua đêm thì mình xé lá đắp lên đất để ngủ. Làm nửa tháng rồi đi chỗ khác. Cực nhưng vui. Một tổ vậy khoảng 70 người, sát cánh cùng nhau. Nhưng hồi đó cá sấu nhiều lắm, nhất là bên Vàm Sát, chỗ nông trường quận 10 cũ. Bây giờ thì tàu bè đi lại nhiều, sấu cũng chẳng còn thấy đâu”, ông Tùng nhớ lại.
Bao nhiêu năm ở rừng, ông Tùng biết từng hốc nhỏ rừng của mình, biết đời mình như trái đước, dễ sống, chỉ cần cắm xuống đất sình là tự mình vươn lên.

Rừng Cần Giờ đóng vai trò như "bức tường xanh" của TP.HCM trong biến đổi khí hậu và hạn chế sự tác động của thiên tai.

Ảnh: Phạm Thu Ngân

Không riêng ông Tùng khắc khoải tuổi thơ nương mình trong những gốc bần, gốc mắm, anh Nguyễn Hoàng Phiên (39 tuổi) hay chị Nguyễn Thị Loan (42 tuổi) cũng từ nhỏ sống trên sông nước, cùng ba mẹ chèo ghe trồng rừng Cần Giờ. Họ nhớ như in những ngày nghe tiếng cá sấu đánh đuôi vào mạn xuồng... 
Rồi dần dà, những thứ đó trở thành máu thịt. Như anh Phiên kể mình nối nghiệp cha là ông Nguyễn Văn Nở từ năm 2012: “Tôi giữ rừng vì theo ba vào rừng từ nhỏ, một phần vì gia đình khó khăn nên tôi thôi học sớm. Ba tôi mới mất năm 2018. Thật ra mình có nhiều sự lựa chọn, nhưng từ nhỏ đã sống nên quen cuộc sống ở rừng. Tôi chưa từng có ý định lên đất liền...”.

Ông Tùng thuộc thế hệ thứ hai (thuộc Phân khu 3), kế thừa nghề nghiệp giữ rừng của ba mẹ.

Ảnh: Phạm Thu Ngân

Những người tôi may mắn gặp hôm nay, chính là những chứng nhân cho một Cần Giờ gần như bị hủy diệt vì chiến tranh, đã sống lại. Hiện rừng Cần Giờ có độ che phủ hơn 93%, là nơi trú ẩn của nhiều động, thực vật quý hiếm.

Son sắt vợ chồng

Ông Tùng “ghi-ta” cưới vợ, có 3 người con. Con cái ông Tùng được gửi lên bờ để học hành. Vợ ông, bà Lành, được mệnh danh là “giọng ca vàng” của rừng Sác. Bà Lành vẫn thường tự hào khoe chồng “ca thì ca hay hơn karaoke, đờn thì đờn hay hơn karaoke”.

Ông Tùng - bà Lành được xem là cặp đôi "vọng cổ vàng" của rừng Sác

Ảnh: Phạm Thu Ngân

Như anh Phiên, hồi sắp cưới chị Trang (vợ anh), anh cũng bảo vợ về rừng Cần Giờ sống “thử xem có thích không", vì thiệt tình là anh không muốn lên bờ. Chị Trang gật đầu: “Về đây cũng được, thế là mình về ‘dinh’ với ảnh luôn”. 

Gia đình anh Nguyễn Hoàng Phiên - tổ trưởng tổ tự quản (thuộc Phân khu 1).

Ảnh: Phạm Thu Ngân

Những cư dân Cần Giờ mà tôi gặp, hay có câu hỏi cửa miệng, rằng từ lúc tôi "xuống rừng" có thấy buồn không?. Một câu hỏi tôi vẫn chưa trả lời được cho đến lúc này... Những người tôi gặp, họ bám trụ, một phần vì ba mẹ truyền nghề, một phần vì tình nghĩa vợ chồng gắn kết, đi đâu cũng có nhau, từ nhà ra ngõ cũng không đi riêng rẽ. Còn tôi? Tôi có câu hỏi nào cho mình không?

Hy vọng tương lai

Tôi thầm gọi nhà chị Loan, anh Tuấn, anh Phiên, ông Tùng.. là những cư dân rừng Cần Giờ thế hệ thứ 2. Nhưng ngay cả bản thân họ cũng chưa biết liệu sẽ có thế hệ thứ 3 kế thừa. “Phải kể rằng giao rừng cũng là một chính sách nhằm để xóa nghèo. Các đối tượng được chọn đầu tiên cũng thuộc diện hộ nghèo”, ông Huỳnh Đức Hoàn nói.
 

Cây cóc đỏ nằm trong Danh lục Thực vật Sách đỏ Việt Nam tại rừng Cần Giờ.

Ảnh: Phạm Thu Ngân  

Băn khoăn chuyện này, ông Tùng bảo: “Tui vẫn còn đứa con út đang hướng cho nó theo nghề rừng. Một phần vì lên bờ phải có đủ điều kiện, nhà cửa, tiền bạc. Phần vì cuộc sống giữ rừng tuy có khó khăn thiệt, nhưng ổn định. Nghề này tốt với xã hội mà”.

Ngoài giữ rừng, các hộ dân cũng thực hiện sản xuất phụ để kiếm thêm thu nhập.

Ảnh: Phạm Thu Ngân

Những hộ dân giữ rừng Cần Giờ mà tôi có dịp ghé thăm sống cách nhau chừng một cây số tính theo đường chim bay. Đêm tối, khi tôi nằm ngủ ở cái chòi dựng lại ba lần do sóng tàu đánh sập ở nhà chị Loan, trăng sáng thấy cả đàn cò về rừng trú ẩn, tôi vẫn nghe văng vẳng những câu vọng cổ trong bài Chợ Mới mà vợ chồng ông Tùng hát từ phía bên kia sông...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.