Sớm cắt giảm những chứng chỉ mang tính hình thức

12/06/2021 04:30 GMT+7

Nhiều bạn đọc bày tỏ sự vui mừng trước thông tin Chính phủ yêu cầu cắt giảm những chứng chỉ mang tính hình thức, và mong điều này sớm được thực hiện.

Như Thanh Niên đã đưa tin, Văn phòng Chính phủ ngày 10.6 đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đối với đề nghị của Bộ Nội vụ về cắt giảm các chứng chỉ bồi dưỡng đối với công chức, viên chức.
Theo đó, Phó thủ tướng yêu cầu bảo đảm nguyên tắc là việc bỏ các chứng chỉ phải gắn với nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức một cách thực chất, nhất là trình độ ngoại ngữ; phù hợp với vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý, tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức. Đồng thời, Bộ Nội vụ khẩn trương hoàn chỉnh và trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 101/2017/NĐ-CP trong tháng 6.2021.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu các bộ quản lý ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành khẩn trương rà soát, bảo đảm cắt giảm những chứng chỉ bồi dưỡng mang tính hình thức, không phù hợp. Bên cạnh đó, rà soát, sửa đổi các chương trình bồi dưỡng đối với công chức, viên chức chuyên ngành được giao quản lý, tránh trùng lặp, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng.

Bi hài chuyện hình thức

“Bi hài nhất là có viên chức sử dụng máy tính hằng ngày, tính toán Excel, làm Word như cơm bữa, cũng đã có chứng chỉ tin học văn phòng, nhưng vẫn phải đi học lớp tin học ứng dụng (mà thực chất không cao hơn trình độ đang có) để cho đủ chuẩn”, bạn đọc (BĐ) Hanh phản ánh.
BĐ Trâm kể: “Sao giống chuyện ở cơ quan tôi vậy? Có nhiều sếp (không phải nhân viên nghe) xài laptop xử lý công việc hằng ngày mà cũng phải đi học tin học ứng dụng, vì chưa có... chứng chỉ, không “đủ chuẩn”. Mất hết 2 buổi, cả học và thi, học phí thì cơ quan đóng. Gần như cả cơ quan đi học, cả sếp cả nhân viên. Quá là hình thức, tôi nghĩ nên bỏ ngay chứng chỉ hình thức này”.
BĐ Quân chia sẻ: “Hình thức, hình thức đến mức một cán bộ nhân sự phê vào hồ sơ xin việc của một cử nhân ngành công nghệ thông tin là "thiếu chứng chỉ tin học"! Chuyện như đùa nhưng có thật 100%”.

Hoàn toàn ủng hộ Chính phủ

Nhiều BĐ hoàn toàn ủng hộ yêu cầu của Chính phủ về việc cắt giảm những chứng chỉ mang tính hình thức. BĐ Nhan Nguyen Vu bày tỏ: “Hoan hô yêu cầu của Chính phủ. Nhiều chứng chỉ này chỉ làm mất thời gian, tốn tiền và mất công lưu trữ”. BĐ Trường Trần Nguyễn Khoa chia sẻ: “Các bác đã thấy cái sự vô lý và lãng phí đó, xin hoan hô. Học 5 năm đại học ra đi làm phải nhờ ông sở này, trung tâm nọ cấp cái giấy chứng chỉ mang tính hình thức này nọ, thiệt ức chế lắm luôn!”.
Trong khi đó, nói về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên, BĐ Tiến Nguyễn Hùng cho biết: “Tôi đã có ý kiến từ thời mới kêu gọi học, nhưng sức ép quá lớn làm giáo viên tốn mỗi người 2,5 triệu đồng để học, quá hình thức”. BĐ Do Minh bức xúc: “Những giáo viên đã học chứng chỉ hạng 2, 3 thì sao? Lãng phí tiền bạc, công sức quá lớn cho những chuyện này”.
Còn BĐ ta***@gmail.com thắc mắc: “Chứng chỉ chủ nhiệm dự án, chứng chỉ kỹ sư định giá, chứng chỉ kỹ sư thiết kế hạng 1, 2, 3, chứng chỉ chủ trì thiết kế... có phải là hình thức không?”.
Nên bỏ bớt những thủ tục rườm rà thì đất nước mới nhanh phát triển. Những chứng chỉ hay giấy phép con không cần thiết thì nên bỏ bớt là vừa, áp dụng thực tế nó hay hơn nhiều. Càng nhiều chứng chỉ, càng nhiều giấy phép con thì sẽ có nguy cơ càng nhiều tiêu cực.
Tùng SG
Mình rất mong muốn lần này bỏ chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp của giáo viên.
Dam Viet Chinh
Bác sĩ được đào tạo 6 năm trời, ra trường được cấp bằng hẳn hoi, vậy mà còn đòi hỏi phải có chứng chỉ hành nghề... Chúng tôi đề nghị nhà nước xem xét bỏ luôn chứng chỉ hành nghề ngành y.
Hùng Nguyễn
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.