Sở GTVT Khánh Hòa nói gì về 2 phương án đề xuất di dời ga Nha Trang?

Nguyễn Chung
Nguyễn Chung
01/02/2020 10:05 GMT+7

Sở GTVT Khánh Hòa nói gì về 2 phương án đề xuất di dời, cải tạo đường sắt khu vực ga Nha Trang, với ý tưởng sử dụng đất khu vực ga bố trí chung cư 30 tầng, công trình hỗn hợp 35 tầng...?

Ngày 31.1, Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa cho biết cơ quan này vừa có văn bản gửi UBND tỉnh liên quan đến các phương án đề xuất di dời ga Nha Trang của Công ty TNHH Tập đoàn Thương mại Tuấn Dung (gọi tắt là Công ty Tuấn Dung, trụ sở tại Hà Nội). 

Đề xuất 2 phương án 

Theo Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa, Công ty Tuấn Dung đề xuất 2 phương án cải tạo đường sắt khu vực ga Nha Trang. 

Phương án 1, cải tạo ga Nha Trang thành ga khách, xây dựng mới cầu quay đầu máy để bỏ đường vòng. Xây dựng ga Vĩnh Trung mới (xã Vĩnh Trung, ngoại thành Nha Trang) là ga hàng hóa; xây dựng đường vòng trạm tại khu vực nút giao thông Ngọc Hội để tránh tàu hàng đi vào trung tâm thành phố.

Ý tưởng phương án quy hoạch sử dụng đất khu vực ga Nha Trang, diện tích khoảng 36.450 m2, bố trí gồm: chung cư cao 30 tầng, công trình hỗn hợp 35 tầng, nhà ở thương mại, cây xanh công viên, đường giao thông nội bộ. 

Ga Nha Trang tọa lạc trên đường Thái Nguyên (P.Phước Tân, TP.Nha Trang). Công trình xây dựng năm 1935, đến nay vẫn giữ được nét kiến trúc thời Pháp

Ảnh: Nguyễn Chung

Phương án 2, cải tạo ga Nha Trang thành bảo tàng du lịch. Dỡ bỏ ga Nha Trang và đường bóng đèn hiện tại, cải tuyến đường sắt chính tuyến từ Km1312+500 đến Km1318+300, đường sắt không vào trung tâm thành phố Nha Trang. Xây dựng ga Vĩnh Trung mới, là ga kỹ thuật hỗn hợp khách hàng có khu chỉnh thiết bị đầu máy toa xe.

Ý tưởng phương án quy hoạch sử dụng đất khu vực ga Nha Trang với diện tích khoảng hơn 114.287 m2, bố trí gồm: bảo tàng ga, chung cư cao 30 tầng, công trình hỗn hợp 35 tầng, nhà ở xã hội, nhà liên kế, nhà ở kết hợp thương mại, cây xanh công viên, đường giao thông nội bộ. 

Khu tập trung đầu máy toa xe trong ga Nha Trang

Ảnh: Nguyễn Chung

Sở GTVT Nha Trang cho rằng, theo quy hoạch chi tiết hiện đại hóa tuyến đường sắt bắc - nam được Bộ GTVT phê duyệt năm 2015, trong đó có cải tạo đường sắt khu vực ga Nha Trang để bỏ đường vòng, ga Nha Trang thành ga cụt, xây dựng ga hàng hóa Vĩnh Trung.
Bên cạnh đó, theo điều chỉnh quy hoạch chung Nha Trang đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2012, ga Nha Trang sẽ trở thành ga hành khách, xây dựng ga hàng hóa ngoài trung tâm thành phố. Do đó, việc đề xuất như phương án 1 là phù hợp với quy hoạch chung thành phố. 

Người dân mua vé tàu tại ga Nha Trang

Ảnh: Nguyễn Chung

Về phương án 2, theo Sở GTVT là chưa phù hợp với quy hoạch đường sắt đã được Bộ GTVT phê duyệt. Theo điều chỉnh quy hoạch chung của Nha Trang cũng chưa được định hướng dời toàn bộ ga ra khỏi khu vực trung tâm thành phố. Tuy nhiên, việc định hướng quy hoạch ga tại Vĩnh Trung là cơ bản phù hợp với quy hoạch sử dụng đất trong quy hoạch chung. 

Sở cũng cho rằng, đối với phương án quy hoạch sử dụng đất khu vực ga Nha Trang, sau khi cải tạo ga Nha Trang, đây là phương án ý tưởng, chưa được thể hiện trong quy hoạch chung của thành phố. Vì vậy, việc thực hiện phương án này phải được điều chỉnh quy hoạch bổ sung và phải được cụ thể hóa theo quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 mới triển khai được dự án.

Đề nghị nghiên cứu kỹ về quỹ đất ga Nha Trang 

Những năm gần đây, tình trạng ùn tắc giao thông trong khu vực trung tâm Nha Trang ngày càng nghiêm trọng. Trong đó, mỗi khi tàu ra vào ga, gác chắn trên đường Lê Hồng Phong hạ xuống thì khu vực này và quanh nút giao thông Mã Vòng sẽ ùn tắc kéo dài. 

Khu vực đường Lê Hồng Phong, nút giao thông Mã Vòng thường xuyên ùn tắc kéo dài khi "chờ tàu"

Ảnh: Nguyễn Chung

Theo Công ty CP Đường sắt Phú Khánh, hàng ngày ga Nha Trang tiếp nhận khoảng 48 đoàn tàu ra vào ga, vào giờ cao điểm buổi sáng và chiều có 8 - 10 đoàn tàu ra vào ga.
Sở GTVT cho biết để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, sở thống nhất đề xuất định hướng di dời ga Nha Trang và các công trình liên quan ra khỏi trung tâm thành phố là cần thiết.
Tuy nhiên, việc thực hiện theo phương án 2 cần phải bổ sung vào quy hoạch GTVT tỉnh, được tích hợp trong quy hoạch tỉnh hiện nay đang triển khai lập; thực hiện điều chỉnh bổ sung quy hoạch chung thành phố đến năm 2025; phải cụ thể hóa theo quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết 1/500 mới triển khai được dự án. Đồng thời, phải xây dựng lộ trình di dời cụ thể, lưu ý việc di dời chỉ được thực hiện khi đường sắt tốc độ cao được xây dựng và đi vào khai thác. 

Ga Nha Trang là một di tích lịch sử

Ảnh: Nguyễn Chung

Ông Nguyễn Văn Dần, Giám đốc Sở GTVT cho biết: "Dự án đề xuất thực hiện đầu tư theo hình thức BT, vì thế đề nghị doanh nghiệp nghiên cứu kỹ về quỹ đất ga Nha Trang (tài sản do Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam quản lý) là tài sản công cần phải thực hiện theo quy định hiện hành và các quy định về đầu tư theo hình thức BT để bảo đảm tuân thủ theo quy định của pháp luật". 
Kiến trúc sư Nguyễn Văn Lộc, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng Khánh Hòa:
"Việc di dời ga Nha Trang là cần thiết, vì ga nằm ngay khu vực trung tâm nên cũng phát sinh những bất cập. Tuy nhiên, về sử dụng đất khu vực ga, quan điểm của tôi không ủng hộ xây dựng chung cư, nhà cao tầng tại đây. Nha Trang cần có những khu vực mang tính chất cộng đồng nhiều hơn. Đây mới chỉ là ý tưởng của một công ty. Khi tỉnh tổ chức họp, lấy ý kiến, Hội Kiến trúc sư tỉnh cũng sẽ có những đóng góp phản biện cụ thể". 
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa:
"Chủ trương di dời ga nha Trang đã có từ lâu, từ các nhiệm kỳ trước và cũng đã báo cáo Thủ tướng. Việc xây dựng phải phù hợp với quy hoạch mà Thủ tướng phê duyệt. Quan điểm của tỉnh là ga Nha Trang là một di tích lịch sử nên phải giữ lại kiến trúc nhà ga hiện tại. Còn quy hoạch sử dụng khu đất thuộc ga Nha Trang thì sau này Bộ GTVT sẽ báo cáo Thủ tướng trên cơ sở thống nhất với tỉnh". 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.