Siết biên giới ngăn Covid-19

12/04/2021 07:31 GMT+7

Các lực lượng chức năng, đặc biệt là bộ đội biên phòng nhiều địa phương trong cả nước, tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát, siết chặt biên giới để ngăn chặn nguồn lây nhiễm Covid-19 từ nhập cảnh trái phép.

Trước tình hình tại các tỉnh Campuchia giáp biên giới Việt Nam ghi nhận nhiều trường hợp lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng (BĐBP) đã có chỉ đạo lực lượng biên phòng các tỉnh tiếp tục siết chặt biên giới, ngăn chặn triệt để người nhập cảnh trái phép thẩm thấu vào nội địa qua đường mòn, lối mở và dự báo tình hình dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp.

Sáng 12.4: Phát hiện 3 ca mắc Covid-19 ở Hà Nội và Thái Nguyên

Rất cần sự hỗ trợ của người dân biên giới

Tại Đồng Tháp, nơi có hơn 50 km đường biên giới giáp với tỉnh Prây Veng (Campuchia), người Việt từ Campuchia về nước “chạy dịch” khá căng thẳng. Chỉ hơn 10 ngày trở lại đây, ngành chức năng tỉnh Đồng Tháp đã phát hiện, xử lý hơn 500 trường hợp xuất, nhập cảnh trái phép.
Lực lượng biên phòng Kiên Giang tuyên truyền cho ngư dân về phòng chống xuất nhập cảnh trái phép trên biển ẢNH: XUÂN LAM

Lực lượng biên phòng Kiên Giang tuyên truyền cho ngư dân về phòng chống xuất nhập cảnh trái phép trên biển

ẢNH: XUÂN LAM

Thống kê cho thấy các trường hợp nhiễm Covid-19 gần đây tại Đồng Tháp đều là người nhập cảnh từ Campuchia trở về nước. Mới nhất là trường hợp của nữ bệnh nhân 2670 nhập cảnh từ Campuchia về cửa khẩu quốc tế Thường Phước (H.Hồng Ngự) vào trưa 6.4, được đưa đi cách ly tập trung ngay theo quy định, sau đó mẫu xét nghiệm của bệnh nhân này dương tính với Covid-19 được Bộ Y tế công bố vào tối 9.4.
Trao đổi với PV Thanh Niên ngày 11.4, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết Đồng Tháp có 8 xã biên giới giáp với Campuchia, đây là tuyến biên giới có nhiều rủi ro lây lan dịch bệnh từ phía Campuchia. Nhờ có sự canh phòng cẩn mật của các lực lượng chức năng tỉnh nên đã hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng nhập cảnh trái phép.

Người dân giáp biên giới Campuchia qua khu vực Đồn biên phòng Mộc Rá (Đồng Tháp) được kiểm soát chặt chẽ

ẢNH: TRẦN NGỌC

Tuy nhiên, để phòng chống dịch hiệu quả, cần phải có sự hỗ trợ của người dân biên giới. Khi thấy người lạ mặt đến địa phương thì gọi báo ngay cho lực lượng chức năng, đó là thông tin rất quý giá.
“Vừa qua, 2 trường hợp nhập cảnh trái phép được người dân thông tin cho lực lượng chức năng tiếp cận, cách ly, sau đó xét nghiệm dương tính Covid-19 đã ngăn được mầm bệnh lây lan ra cộng đồng. Tỉnh cũng đã tặng bằng khen cho 2 người dân cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng phát hiện, cách ly 2 trường hợp này”, ông Bửu thông tin thêm.

Bộ đội biên phòng Tây Ninh làm nhiệm vụ tại khu vực cửa khẩu quốc tế Mộc Bài

ẢNH: GIANG PHƯƠNG

Trong 3 tháng đầu năm 2021, BĐBP Tây Ninh đã phát hiện, bắt giữ 133 vụ/561 đối tượng xuất nhập cảnh trái phép, trong đó có 117 vụ/183 đối tượng nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Trả lời Thanh Niên ngày 11.4, một lãnh đạo BĐBP tỉnh Tây Ninh cho biết trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 bùng phát ở nước bạn Campuchia, Bộ Chỉ huy BĐBP Tây Ninh đã chỉ đạo các đồn biên phòng trên tuyến biên giới dồn lực tuần tra kiểm soát, duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới. Hiện toàn tuyến biên giới Tây Ninh dài 240 km được tổ chức 129 chốt cố định và 32 tổ công tác lưu động tuần tra, kiểm soát xuất nhập cảnh trái phép và phòng chống dịch Covid-19.
Trong khi đó tại Bình Phước (có chiều dài đường biên giới hơn 260 km tiếp giáp với 3 tỉnh của Campuchia là Kratie, Mondulkiri và Tabong Khmum), lực lượng BĐBP Bình Phước và các lực lượng chức năng cũng đang duy trì, quản lý 62 chốt phòng, chống dịch tại khu vực giáp biên thuộc 4 cửa khẩu và 1 lối mở trên địa bàn. Ngoài lực lượng trực tiếp cắm chốt trên các tuyến biên giới, lực lượng chức năng tại các xã, thị trấn cũng thực hiện triệt để việc “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để tránh nguồn dịch lây lan trong cộng đồng.
Kon Tum và Gia Lai là 2 tỉnh Tây nguyên có chung đường biên giới với Campuchia. BĐBP 2 tỉnh này cũng đã tăng cường lực lượng cho các đồn biên phòng đứng chân trên tuyến biên giới, tiếp tục đẩy mạnh việc phòng chống dịch bệnh. “Hiện chúng tôi duy trì 24 tổ chốt cố định, 10 tổ chốt lưu động và phối hợp với các lực lượng khác như công an, dân quân các địa bàn cũng như chính quyền, đoàn thể các địa phương. Đến nay, mọi việc đều đang được kiểm soát chặt chẽ”, đại tá Trần Tiến Hải, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Gia Lai, cho biết vào chiều 11.4.

Lo “vỡ trận” vì quá tải tại các khu cách ly

Trong những ngày qua, công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 xâm nhập từ biên giới Campuchia đang được lãnh đạo tỉnh An Giang triển khai quyết liệt. Theo UBND tỉnh An Giang, địa bàn An Giang tiếp tục đối mặt với làn sóng người chạy né dịch từ Campuchia về Việt Nam và tình trạng người Trung Quốc từ nơi khác về An Giang để tìm cách qua Campuchia làm việc. Các lực lượng chức năng của tỉnh phải căng mình thực hiện nhiệm vụ “kép”, vừa phòng chống xuất nhập cảnh trái phép, vừa phòng chống tội phạm nơi biên giới. Từ ngày 18.3 - 7.4, các huyện biên giới của An Giang đã tiếp nhận và thực hiện cách ly tập trung 5.155 người.
Đứng trước nguy cơ các khu cách ly, điều trị bệnh của tỉnh An Giang có thể “vỡ trận” vì quá tải, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, yêu cầu các đơn vị liên quan lập kế hoạch xây dựng bệnh viện dã chiến tại H.Châu Thành để sẵn sàng phục vụ cách ly và điều trị bệnh nhân. Đồng thời đề nghị các đơn vị, địa phương trong tỉnh tiếp tục đề cao cảnh giác, tuyệt đối không được chủ quan lơ là, coi thường trong phòng chống dịch Covid-19; kiên quyết không để dịch bùng phát và lây lan trong cộng đồng.

Người Trung Quốc móc nối đưa người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam

Trao đổi với Thanh Niên, trung tá Nguyễn Xuân Thanh, Phó chủ nhiệm Chính trị BĐBP tỉnh Lạng Sơn, cho biết toàn tuyến biên giới Lạng Sơn đang duy trì 156 chốt, lán kiểm soát người xuất nhập cảnh phòng dịch Covid-19. Qua công tác trinh sát, nắm địa bàn, lực lượng biên phòng đã phát hiện 8 vụ, bắt giữ 16 đối tượng có hành vi tổ chức đưa đón người xuất nhập cảnh trái phép; phát hiện 8 vụ với 42 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Cuối tháng 3 vừa qua, Đồn biên phòng Chi Ma đã phát hiện thêm một vụ tổ chức cho người Trung Quốc nhập cảnh trái phép, bắt giữ 7 người Trung Quốc và 1 người Việt Nam.

Khó lường tình hình Covid-19 ở Campuchia

Bộ Y tế Campuchia hôm qua thông báo đã ghi nhận thêm 157 ca nhiễm Covid-19, giảm đáng kể so với 477 ca của ngày trước đó, nhưng vẫn còn ở mức 3 con số, theo tờ Khmer Times. Trong số ca nhiễm mới, có 141 ca ở Phnom Penh và 1 ca ở Kandal, tỉnh biên giới giáp với Việt Nam.
Tính đến ngày 11.4, tổng số ca nhiễm Covid-19 ở Campuchia là 4.238, trong đó có 3.705 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 29 ca tử vong. Tình hình Covid-19 ở Phnom Penh vẫn phức tạp, dù chính quyền thủ đô đã ban hành lệnh giới nghiêm từ 8 giờ tối đến 5 giờ sáng từ ngày 1.4. Phnom Penh tối 10.4 cũng quyết định phong tỏa thêm 3 ngôi làng, gồm Trea 4, Damnak Thom 2 và Damnak Thom 3, từ ngày 11 - 24.4.
Cùng ngày, Thủ tướng Hun Sen kêu gọi người dân tổ chức đón Tết cổ truyền từ ngày 14 - 16.4 tại nhà và ban hành quy định bắt buộc tiêm vắc xin Covid-19 đối với tất cả cán bộ và thành viên của lực lượng vũ trang, theo Khmer Times.
Văn Khoa 
Cũng theo trung tá Thanh, phương thức chủ yếu trong các vụ đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam đều có sự thông đồng, tiếp tay của đối tượng trong nước. Các đối tượng này thường liên lạc với nhau qua Zalo, Wechat, Facebook tìm người thông thạo địa hình để lên kế hoạch đưa người Trung Quốc vào Việt Nam. “Chỉ vì mục đích kiếm tiền nên nhiều người dân vẫn bắt tay, làm đầu mối tổ chức đón, đưa người Trung Quốc vào Việt Nam”, trung tá Thanh nói.
Trung tá Nguyễn Xuân Thanh cũng cho hay ngoài tuyên truyền, vận động người dân biên giới không tham gia tiếp tay, hỗ trợ người Trung Quốc nhập cảnh trái phép thì BĐBP Lạng Sơn cũng kiên quyết xử lý nghiêm, khởi tố hình sự nhiều đối tượng tham gia tiếp tay nhập cảnh trái phép để tạo sức răn đe.
Theo thông tin từ Bộ Tư lệnh BĐBP, trên toàn tuyến biên giới, lực lượng biên phòng vẫn đang duy trì 1.613 tổ chốt với 7.548 cán bộ chiến sĩ và 2.484 người của các lực lượng khác tham gia chống dịch. Đáng lưu ý tại khu vực biên giới Tây Nam, dịch Covid-19 từ Campuchia hết sức phức tạp. Đặc biệt ở những khu vực chưa thực hiện phân giới cắm mốc tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, lực lượng biên phòng không thể lập chốt kiểm soát thì phải lập các tổ tuần tra cơ động và duy trì hoạt động 24/24 giờ để kiểm soát người nhập cảnh trái phép.
Trao đổi với Thanh Niên, một cán bộ Cục Chính trị Bộ Tư lệnh BĐBP cho biết thống kê đã có 2.800 lượt cán bộ, chiến sĩ được điều động tăng cường lên các tuyến biên giới chống dịch. Trong đó, địa bàn tuyến biên giới Tây Nam đang là tuyến trọng điểm vừa được bổ sung, thay thế khoảng 280 cán bộ, chiến sĩ với mục tiêu là “khóa chặt” khu vực biên giới, không để “lọt” người nhập cảnh trái phép từ các vùng có dịch Covid-19 về nước không qua khai báo, tuân thủ cách ly.

Cảnh giác xâm nhập trái phép trên biển

Thời gian gần đây, các đối tượng nhập cảnh trái phép lợi dụng địa hình phức tạp trên biển để sử dụng xuồng máy, tàu cá nhập cảnh trái phép vào Kiên Giang. Trước tình hình đó, Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên duy trì lực lượng tuần tra 24/24 trên vùng biển tiếp giáp với Campuchia. Đại úy Trương Hồng Lướt, Đội trưởng Đội vũ trang Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, cho biết: “Chúng tôi tuyên truyền cho bà con trực tiếp đánh bắt trên biển, giúp bà con phân biệt, nhận biết được phương tiện nào là phương tiện nước ngoài và phương tiện nào có dấu hiệu nghi vấn, qua đó giúp cho bà con kịp thời phát hiện, báo cho Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên để kịp thời chặn bắt, xử lý”.
Theo Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Kiên Giang, lực lượng biên phòng tỉnh này liên tục tuần tra trên biển và trên đảo. Các lực lượng cảnh sát biển, hải quân cũng đang phối hợp thực hiện quyết liệt các giải pháp góp phần ngăn chặn nhập cảnh trái phép qua đường biển.
Xuân Lam 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.