Sẽ xử lý nghiêm việc dùng súng tự chế

21/05/2010 00:49 GMT+7

Trao đổi với PV Thanh Niên, lãnh đạo Viện KSND tối cao, Bộ Công an đều cho rằng tình trạng tàng trữ, sử dụng vũ khí tự chế đang rất nóng ở nhiều địa phương và cần sớm có quy định cụ thể để xử lý nghiêm...

Thiếu quy định xử lý

Thượng tá Vũ Tiến Sơn, Phó trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC14) Công an TP Hải Phòng, cho biết một trong những vụ án đầu tiên Công an Hải Phòng phát hiện thủ phạm sử dụng súng bắn đạn hoa cải là vụ sát thủ Lê Xuân Trường bắn chết anh Bùi Văn Mười để cướp xe máy hồi tháng 11.2006. Ngay khi đó, Công an Hải Phòng đã thông báo tới toàn bộ các lực lượng trên địa bàn và đưa ra cảnh báo về một loại vũ khí nguy hiểm. Sau đó, tại Hải Phòng, súng bắn đạn hoa cải trở thành “đồ chơi chết người” được cả nhóm đại ca giang hồ lẫn côn đồ mới lớn ưa thích. Thế nhưng, thượng tá Sơn cho biết: “Khi chúng tôi phát hiện những kẻ giắt súng bắn đạn hoa cải, súng ám sát trong người cũng chỉ có thể tịch thu, xử phạt hành chính mà không thể truy cứu trách nhiệm hình sự, bởi đó không phải súng quân dụng. Mới đây, chỉ duy nhất có một vụ đối tượng sử dụng một khẩu súng còn nguyên tem, nhãn mác của Đức sản xuất, chúng tôi đưa giám định và được cơ quan giám định của quân đội trả lời đó là súng ám sát mà tình báo Đức thường sử dụng. Với kết quả giám định đó, chúng tôi mới có thể khởi tố bị can về tội tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng. Chúng tôi tịch thu hàng trăm súng bắn đạn hoa cải, súng ám sát tự chế, súng mua trôi nổi, súng thể thao cưa nòng... vũ khí nguy hiểm đó không quy vào vũ khí quân dụng nên không thể xử lý hính sự. Chỉ khi nào chúng dùng súng gây án, bắn chết người hoặc bị thương thì mới xử lý hình sự về tội giết người hoặc cố ý gây thương tích”.

Thiếu tướng Nguyễn Kim Tuyến, Tổng cục phó Tổng cục Cảnh sát về phòng chống tội phạm, Bộ Công an, nhìn nhận trong thời gian qua, công an các tỉnh đã khám phá rất nhanh các vụ án hoặc các đối tượng có liên quan đến súng bắn đạn hoa cải, súng ám sát... nhưng trong các văn bản luật và văn bản dưới luật hiện hành không có quy định nào về những loại này nên khi xử lý gặp nhiều vướng mắc.

Ông Nguyễn Danh Hưng, Kiểm sát viên cao cấp, Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án hình sự về trật tự xã hội (Vụ 1A), Viện KSND tối cao, cho biết các cơ quan của Viện đã không ít lần nhận được công văn xin ý kiến thỉnh thị của các địa phương về việc xử lý các đối tượng có liên quan đến súng tự chế. Theo ông Hưng, trong trường hợp các đối tượng sử dụng súng AK để giết người thì ngoài tội giết người, đối tượng còn bị thêm tội tàng trữ sử dụng vũ khí quân dụng trái phép. Tuy nhiên, theo các quy định pháp luật, các loại súng bắn đạn hoa cải, súng ám sát... hoặc các loại súng tự chế dù có thể gây sát thương tương đối lớn như vũ khí nhưng không thể xử lý theo tội danh độc lập, như tội tàng trữ, sử dụng vũ khí quân dụng trái phép, bởi các loại này không nằm trong danh mục vũ khí quân dụng. Còn trong trường hợp các đối tượng cầm các loại súng bắn đạn hoa cải hay súng ám sát đi trên đường mà chưa hoặc không gây án thì chỉ xử lý được về mặt hành chính. Phải chờ đến lần tái phạm của đối tượng này, cơ quan chức năng mới có thể xử lý theo tội “mua bán và tàng trữ trái phép vũ khí thô sơ” chứ không thể xử lý được tội “mua bán và tàng trữ vũ khí quân dụng”.

“Chúng ta cần bổ sung một điều luật trong Bộ luật Hình sự về sản xuất, tàng trữ sử dụng vũ khí nguy hiểm. Có như vậy mới đủ sức răn đe và xử lý triệt để tình trạng súng bắn đạn hoa cải, súng ám sát, các loại vũ khí vật liệu nổ tự chế đang khá phổ biến ở nhiều tỉnh thành hiện nay”, đại tá Đỗ Hữu Ca, Phó giám đốc Công an TP Hải Phòng, đề nghị.

Sẽ có pháp lệnh để quản lý

Theo ông Nguyễn Danh Hưng, dù các quy định pháp luật còn thiếu nhưng không vì thế mà các cơ quan chức năng bó tay. Đã không ít lần các cơ quan tố tụng, Viện KSND tối cao, TAND tối cao, Bộ Công an họp bàn về phương hướng xử lý và đi đến thống nhất: tình trạng tàng trữ, sử dụng hoặc sản xuất súng tự chế cần phải được điều chỉnh bằng các quy định pháp luật, có thể bằng các thông tư hướng dẫn, văn bản dưới luật, thậm chí sửa đổi cả Bộ luật Hình sự theo hướng bổ sung các tội danh mới có liên quan đến súng tự chế.

Trả lời PV Thanh Niên hôm qua, thượng tướng Lê Thế Tiệm, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết Bộ đang tham mưu Chính phủ soạn thảo Pháp lệnh về tăng cường quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Theo đó, các loại súng ám sát dạng bút, súng bắn đạn hoa cải hoặc các loại vũ khí tự chế khác... sẽ được đưa vào danh mục quản lý và xử lý nghiêm. Đến nay, Bộ đã cơ bản hoàn chỉnh dự thảo và đang chuẩn bị trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. “Bộ sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất về mặt pháp lý để các địa phương xử lý triệt để các đối tượng lợi dụng các loại vũ khí tự chế gây ảnh hưởng phức tạp đến an ninh trật tự”, thượng tướng Tiệm khẳng định.

Cũng theo ông Tiệm, thời gian qua không riêng ở Hải Phòng, Quảng Ninh mà nhiều địa phương khác tình trạng sử dụng vũ khí tự chế có diễn biến rất phức tạp. Bộ Công an đã có các chỉ đạo chuyên đề cho các địa phương tổ chức truy quét loại đối tượng này.

Trong lúc chờ các văn bản pháp luật điều chỉnh, ông Nguyễn Danh Hưng cho rằng các địa phương có thể vận dụng linh hoạt các quy định pháp luật hiện hành để xử lý. Theo đó, đối với vụ chế tạo súng ám sát vừa phát hiện tại Hải Phòng mới đây thì các cơ quan tố tụng có thể áp dụng theo tội chế tạo vũ khí quân dụng theo điều 230 BLHS. Tuy nhiên, để buộc tội thì cần phải có sự giám định của cơ quan chuyên môn khẳng định loại vũ khí này có thể gây sát thương hoặc có những đặc điểm như vũ khí quân dụng. “Nếu khó khăn gì thì các địa phương có thể xin ý kiến thỉnh thị Viện KSND tối cao và sẽ được hướng dẫn để xử lý”, ông Hưng lưu ý.

Độ tuổi phạm tội ngày càng trẻ

Theo đại tá Nhâm Ngọc Tám, Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh, lực lượng cảnh sát tại Quảng Ninh đã có những tổng kết sơ bộ về các đối tượng phạm tội hình sự trong thời gian gần đây. Theo đó, về nhân thân, đối tượng phạm tội hình sự ngày càng “trẻ hóa”, lý lịch “sạch” hơn (chưa có tiền án, tiền sự), dễ gắn kết tạo thành các nhóm để hoạt động phạm tội (hình thành nhóm trong thời gian rất ngắn mà không cần có sự ràng buộc nhiều về nhân thân, lai lịch hay lợi ích kinh tế); hành động cũng mang tính bột phát, tức thời với những động cơ, mục đích hết sức đơn giản và khi đã thực hiện xong hành vi phạm tội đa số không nhận thức được hành vi của mình sẽ phải gánh chịu hậu quả pháp lý như thế nào. Đại tá Đỗ Hữu Ca, Phó giám đốc Công an TP Hải Phòng cũng cho rằng tội phạm thanh thiếu niên đang ngày càng gia tăng. Tội phạm có tuổi đời trẻ, tội phạm học đường là những thách thức mà công an đang và sẽ phải đối mặt nhiều trong thời gian tới...

Thái Sơn - Thanh Phong - Đông Bắc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.