Sẽ súc, xả toàn bộ đường ống dẫn nước

09/09/2005 23:54 GMT+7

* Phải thay ngay những đường ống cũ hoen rỉ! Chiều 9/9, phòng họp của Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO) chật cứng người đến nghe ý kiến của nhà khoa học chuyên ngành cấp nước nói về biện pháp xử lý tình trạng nước máy thành phố bị đục, vàng.

Trước khi các nhà khoa học phát biểu, ông Võ Quang Châu, Phó tổng giám đốc SAWACO khẳng định "nước sinh hoạt hiện nay bị đục, vàng về mặt cảm quan không chấp nhận được, chứ không phải là nước bẩn". Ông Võ Quang Châu cũng cho biết nguyên nhân do đường ống bị đóng cặn lâu ngày, tập trung chủ yếu ở khu vực các quận Tân Bình, Tân Phú, Q.11. Riêng khu vực Tân Bình - Tân Phú có khoảng 170 km đường ống cũ, đã được lắp đặt cách nay hàng chục năm và cũng đã từng ấy năm cặn lắng trong đường ống do áp lực nước lúc đó quá yếu. Trước đây những khu vực này chủ yếu sử dụng nguồn nước ngầm của Nhà máy Nước Tân Bình và các giếng nước ngầm có hàm lượng sắt và mangan cao. Các chất này trong điều kiện áp lực nước yếu, dòng chảy nhỏ sẽ kết tủa gây lắng cặn.

Ông Võ Dũng gọi chất mangan trong nước là "kẻ thù" và cho biết sẽ quyết định đóng cửa tất cả các giếng nước ngầm có hàm lượng mangan cao hơn 0,1 mg/lít, đưa vào dự phòng hoặc phục vụ cho công tác PCCC. Tiến sĩ Lê Long cũng cho rằng cần phải loại bỏ tất cả các giếng khoan và các nguồn nước ngầm nghi ngờ có hàm lượng sắt và mangan cao.

Điều mà nhiều người quan tâm là hàm lượng sắt và mangan tại các khu vực nước đục, nước vàng có vượt mức cho phép của ngành y tế hay không? Theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế, hàm lượng mangan và sắt trong nước máy không được vượt quá 0,5 mg/lít. Ông Bùi Thanh Giang, Trưởng phòng Kỹ thuật và công nghệ của SAWACO cho biết, trong số 200 mẫu nước được lấy về kiểm tra, có những mẫu nước bị nhiễm mangan và sắt rất cao (từ 0,8-0,9 mg/lít đối với mangan và 1 mg/lít đối với sắt). Riêng về hàm lượng mangan trong các mẫu nước, có 18 - 19 mẫu cao hơn yêu cầu. Chất lượng nước như thế nào? Bà Hoàng Thị Ngọc Ngân (Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM) cho biết: "Thời gian qua, chúng tôi có đề nghị người dân khi nào phát hiện nước đục, vàng thì gọi điện báo chúng tôi đến để lấy mẫu nước về xét nghiệm. Để khách quan, chúng tôi đã đưa các mẫu nước đến 3 cơ quan để xét nghiệm và kết quả đều đạt tiêu chuẩn quy định. Rõ ràng là ai cũng thấy nước bị cặn, người dân ai cũng phàn nàn, nhưng khi xét nghiệm thì đều đạt tiêu chuẩn hết".


Bên trong một đoạn ống nước bị cặn bám (ảnh: M.V)
Ông Võ Dũng, Tổng giám đốc SAWACO thừa nhận khuyết điểm là trong thời gian qua đã quá thụ động trong việc xử lý tình trạng nước đục. Cách giải quyết trước đây là chỉ đợi người dân gọi điện đến báo thì mới xử lý, và cũng chỉ mới xử lý "cái ngọn", chứ chưa giải quyết đến tận "cái gốc" là súc xả đường ống. Giải pháp hiện đang được thực hiện là súc xả toàn bộ mạng lưới đường ống từ mạng cấp 1, cấp 2, cấp 3 đến mạng ống nhánh trong các khu dân cư. Hầu hết các nhà khoa học đều đồng ý với giải pháp này. Tiến sĩ Lê Long (Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật  TP.HCM) cho rằng quan trọng là cách súc xả. Ông cho rằng nếu xả nước qua trụ nước cứu hỏa là không đúng mà phải tạo dòng chảy có vận tốc cao gấp đôi vận tốc dòng chảy bình thường trong đường ống thì mới có thể làm bong tróc các lớp cặn bám bên trong đường ống. Tiến sĩ Ngô Hoàng Văn (Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật TP.HCM) thì đề nghị SAWACO cần thiết phải có robot để kiểm tra tình trạng lắng cặn trong đường ống.

Tại cuộc họp, SAWACO đã chiếu đi chiếu lại hình ảnh một đoạn ống nước được cắt ra từ tuyến ống nước cũ. Bà Hoàng Thị Ngọc Ngân đã phải thốt lên: "Nhìn thấy bên trong loang loang lổ lổ, tôi uống nước thấy sợ quá! Đề nghị nên thay những đường ống như thế!".

Mai Vọng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.