Sẽ công khai hoạt động của tập đoàn như công khai lên sàn chứng khoán

15/06/2012 13:13 GMT+7

* Quý 3 sẽ ban hành văn bản quản lý tổng công ty, tập đoàn, DNNN

(TNO) Sáng nay (15.6), Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thay mặt Chính phủ (CP) trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu quốc hội (ĐBQH). Trong đó, trách nhiệm của Chính phủ, bộ, ngành trong việc quản lý các tổng công ty, tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước (DNNN), tránh thất thoát vốn, tài sản nhà nước đã được Phó thủ tướng nhìn nhận.

Đề nghị công khai hoạt động của DNNN

Theo ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng), nền kinh tế nước ta luôn biến động với lạm phát, tham nhũng, lãng phí. ĐB này chất vấn trách nhiệm của CP về tình trạng trên.

ĐB Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên-Huế), cụ thể thêm: Vào cuối năm 2010, trả lời trước QH, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư nói vô can trong vụ Vinashin. Hôm qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng nói không biết về Vinalines. Vậy các bộ có trách nhiệm gì trong quản lý nhà nước đối với tập đoàn, DNNN?

 ĐB Đồng Hữu Mạo kiến nghị làm rõ trách nhiệm trong quản lý Nhà nước đối với tập đoàn, DNNN
ĐB Đồng Hữu Mạo kiến nghị làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành trong quản lý nhà nước đối với tập đoàn, DNNN - Ảnh: Ngọc Thắng

Trả lời trước QH, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, theo quy định của pháp luật thì các bộ quản lý, bộ chuyên ngành đều có trách nhiệm trong sai phạm, thất thoát tài sản nhà nước. Thế nên, bất cứ thất thoát nào về tài sản của nhà nước, của nhân dân thì bộ và CP đều có trách nhiệm và sẽ nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm.

“Đối với những đổ bể của các tập đoàn, tổng công ty, DNNN, tất cả đều liên quan rõ đến trách nhiệm của CP và các bộ, ngành quản lý chuyên môn. Chúng tôi sẽ trình báo cáo một quy trình để quản lý tốt hơn, có hiệu quả hơn các tập đoàn, tổng công ty, DNNN trong thời gian tới”, Phó thủ tướng khẳng định. 

 
Đối với những đổ bể của các tập đoàn, tổng công ty, DNNN, tất cả đều liên quan rõ đến trách nhiệm của CP và các bộ, ngành quản lý chuyên môn. Chúng tôi sẽ trình báo cáo một quy trình để quản lý tốt hơn, có hiệu quả hơn các tập đoàn, tổng công ty, DNNN trong thời gian tới
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
“Từ khi xảy ra vụ Vinashin, ý kiến của nhiều ĐBQH, các chuyên gia, trong đó có tôi, đề nghị cần tăng tính công khai minh bạch trong hoạt động của DNNN, chọn một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước công bố thông tin. Vậy sao đến nay CP vẫn không làm mà phải chờ đến thanh tra thì mới biết sai phạm ở các đơn vị này?”, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) chất vấn thêm.

Bên cạnh đó, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) yêu cầu CP cần phải nêu rõ hướng xử lý với các tập đoàn, tổng công ty, DNNN thua lỗ và công khai cho người dân biết.

Về vấn đề này, Phó thủ tướng khẳng định quan điểm tất cả tập đoàn phải công khai, minh bạch, công bố thông tin để có sự giám sát tốt hơn, để phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, Phó thủ tướng cũng giải thích: “Việc chậm trễ (công khai thông tin) trong thời gian vừa qua là do cần điều kiện chuẩn bị một số thông tin”.

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định chậm nhất là trong quý 3 năm nay Chính phủ sẽ ban hành văn bản quản lý tổng công ty, tập đoàn, DNNN và “sẽ công khai hoạt động của tập đoàn như công khai lên sàn chứng khoán”.

“Đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất”

Đó là khẳng định của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trước câu hỏi của ĐB Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long), cũng như nhiều ĐB khác, về việc “kinh tế nước ta có vượt qua giai đoạn khó khăn nhất hay chưa?”

“Đánh giá nền kinh tế thì có ba tiêu chí quan trọng là chỉ số phát triển công nghiệp, xuất nhập khẩu và tổng số bán lẻ. Nếu căn cứ như vậy thì chúng ta đã qua giai đoạn khó khăn nhất và bắt đầu có xu hướng phát triển tốt”, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Phó thủ tướng dẫn chứng: những tháng gần đây nền kinh tế tiếp tục có chuyển biến tích cực hơn các tháng trước, tăng trưởng GDP quý 2/2012 ước đạt 4,5%, cao hơn quý 1 cùng năm (4%), tính chung tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm ước đạt 4,31%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,4%; tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tăng 20,3%; lạm phát được kiềm chế với mức tăng giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm ước khoảng 3%, thấp nhất trong ba năm qua.

 
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định kinh tế đất nước đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất - Ảnh: TTXVN

Bên cạnh đó, trong tháng 5.2012, số doanh nghiệp bị giải thể, phá sản cũng giảm 10% so với bình quân 4 tháng đầu năm; số doanh nghiệp thành lập mới nhiều hơn số giải thể.

Hàng tồn kho tháng 3.2012 là 30,9%, đến tháng 5 còn 24,9%.

Chính phủ nhất quán hài hòa giữa kiềm chế lạm phát và giữ tăng trưởng chứ không “hy sinh” bên nào là quan điểm được Phó thủ tướng khẳng định.

Đã có 128 đại biểu QH gửi 158 phiếu chất vấn với 227 câu hỏi đến Thủ tướng và các thành viên Chính phủ. Trong buổi làm việc sáng nay, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng làm rõ thêm một số vấn đề về tái cơ cấu nền kinh tế, quản lý cán bộ, công chức, cải cách thủ tục hành chính.

Kết luận các buổi chất vấn của QH, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá phiên chất vấn đã lựa chọn đúng vấn đề mà cử tri cả nước quan tâm, không khí chất vấn và trả lời chất vấn là thẳng thắn, có trách nhiệm, tinh thần đối thoại chất lượng cao.

Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội nhắc nhở CP tiếp thu các ý kiến đóng góp của QH để thực hiện tốt việc quản lý, điều hành đất nước, giải quyết bức xúc trong nhân dân và có báo cáo với QH ở kỳ họp sau. Trong đó, Chủ tịch QH nhấn mạnh ba nhiệm vụ kinh tế chính là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng hợp lý để tạo đà thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn liền an sinh xã hội, phát triển bền vững.

Nguyên Mi

>> Bộ trưởng Công an kiến nghị áp dụng biện pháp bí mật chống tham nhũng
>> Nóng bỏng vụ Dương Chí Dũng
>> Quyết liệt phòng, chống tham nhũng, lãng phí
>> Đại biểu kiến nghị giảm thuế, Bộ trưởng nói không thể
>> Tránh đầu tư dàn trải, nửa vời vào nông nghiệp
>> Vinalines sai phạm, Bộ không thể nắm được
>> Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và 4 bộ trưởng trả lời chất vấn
>> Tiền nhiều nhưng chất lượng giao thông vẫn kém
>> Tham nhũng từ đất đai khá phổ biến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.