Sau loạt bài "Cô dâu Việt ở Đài Loan": Cần suy nghĩ kỹ trước khi kết hôn

19/12/2011 00:53 GMT+7

PV Báo Thanh Niên đã phỏng vấn ông Lâm Văn Chức - Phó chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc, TP.HCM chung quanh câu chuyện cô dâu Việt ở Đài Loan.

PV Báo Thanh Niên đã phỏng vấn ông Lâm Văn Chức - Phó chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc, TP.HCM chung quanh câu chuyện cô dâu Việt ở Đài Loan.

Văn phòng đánh giá gì về tình hình cô dâu Việt ở Đài Loan hiện nay?

Theo số liệu của Cục Di dân, Bộ Nội chính Đài Loan, tính tới cuối tháng 10.2011, tổng số cô dâu Việt Nam ở Đài Loan đã lên tới 85.990 người, chiếm 18,82% cô dâu nước ngoài ở Đài Loan. Bộ Nội chính đã có đường dây nóng  0800088885 để tư vấn miễn phí kịp thời cho các cô dâu với nhiều thứ tiếng: Trung Quốc, Việt, Thái, Anh, Campuchia... cung cấp mọi thông tin tư vấn nhiều mặt như thích nghi cuộc sống, văn hóa giáo dục, an toàn bản thân, giáo dục con cái, quy định pháp luật về việc định cư... Thời gian phục vụ tiếng Việt cho đường dây này là từ 9 giờ sáng tới 17 giờ chiều, từ thứ hai tới thứ sáu. Chúng tôi cho rằng trường hợp như cô Kim Thanh bị chồng bạo hành mà Báo Thanh Niên đề cập mới đây là một trường hợp cá biệt. Rất nhiều cô dâu Việt đã gầy dựng được mái ấm tại xứ Đài...

 
Lâm Văn ChứcẢnh: N.L.C

Trong trường hợp bị bạo hành, cô dâu nước ngoài cần làm gì để cứu mình?

Trong trường hợp cô dâu nước ngoài bị ngược đãi về tinh thần và vật chất, cần thông báo ngay cho Trung tâm phục vụ cho các gia đình có cô dâu là người nước ngoài thuộc chính quyền thành phố hoặc huyện, xã nơi mình đang sống. Hiện toàn Đài Bắc có tới 33 trung tâm như vậy. Các trung tâm này sẽ có trách nhiệm liên hệ với Trung tâm phòng chống bạo hành gia đình và xâm phạm tình dục tại các địa phương; sẽ cùng cảnh sát địa phương tới gia đình cô dâu để điều tra và sắp xếp chỗ ở an toàn cho cô dâu (nếu thấy cần thiết), đồng thời cũng cung cấp các dịch vụ khác như ổn định tâm lý, tư vấn pháp luật... cho cô dâu bị hại. Cô dâu nước ngoài cũng có thể trực tiếp gọi tới số đường dây nóng toàn Đài Loan về bạo hành gia đình 113. Đường dây này có dịch vụ nói tiếng Việt. Ngoài ra, ở 23 huyện thị Đài Loan, Cục Di dân và xuất nhập cảnh Bộ Nội chính cũng có tới 25 trạm phục vụ, hỗ trợ các cô dâu nước ngoài.

Tuy báo chí VN từng đăng tải nhiều lần về các vụ việc cô dâu Việt bị bạo hành ở Đài Loan, song vẫn không ít cô gái VN tiếp tục lao vào các trung tâm môi giới hôn nhân với người Đài Loan. Vậy văn phòng có lời khuyên gì với họ, và làm sao để ngăn chặn được những cuộc hôn nhân mua bán này?

Để ngăn chặn các cuộc hôn nhân mua bán, từ đầu năm 2005, văn phòng đã cố gắng thực hiện những buổi phỏng vấn tách biệt giữa các cô dâu Việt với chồng, từ đó gạt bỏ các hồ sơ hôn nhân nghi vấn. Từ việc làm này, số lượng 3.563 đôi đăng ký kết hôn giữa cô dâu Việt với chồng xứ Đài trong năm 2005 đã sụt giảm xuống chỉ còn 1.869 đôi trong năm 2010.

Đối với loại hôn nhân fastfood (tức là sau khi nam, nữ mới gặp nhau 1 lần đã quyết định lấy nhau), văn phòng luôn tha thiết kêu gọi các cô dâu Việt phải suy nghĩ thật kỹ trước khi quyết định. Hãy suy nghĩ xem mình có đủ khả năng ứng phó với mọi thử thách sắp tới như thích nghi cuộc sống, xung đột văn hóa - ngôn ngữ, những mâu thuẫn từ các thành viên gia đình chồng...

Nguyễn Lệ Chi
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.