Sáu cựu quan chức đường sắt nhận 11 tỉ đồng: 'Có sự cấu kết từ trên xuống'

27/10/2015 10:46 GMT+7

(TNO) Sáng nay 27.10, TAND TP Hà Nội bước sang ngày xét xử thứ 2 vụ nguyên 6 quan chức ngành đường sắt nhận 11 tỉ đồng từ JTC.

(TNO) Sáng nay 27.10, TAND TP Hà Nội bước sang ngày xét xử thứ 2 vụ nguyên 6 quan chức ngành đường sắt nhận 11 tỉ đồng từ JTC.

xet-xu-hoi-loBị cáo Phạm Hải Bằng và đồng phạm tại Tòa - Ảnh: Hà An
Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, tại văn bản của Thanh tra Bộ Giao thông vận tải cho thấy, tiến độ thực hiện dự án xây dựng đường sắt đô thị tuyến số 1 (giai đoạn 1) chậm, chưa hoàn thành nhưng phía chủ đầu tư vẫn thanh toán cho nhà thầu (Công ty tư vấn giao thông Nhật Bản - JTC).
Cũng theo đại diện Viện kiểm sát nhân dân, kiểm tra hồ sơ thanh toán chỉ có chấm công, nhưng bị cáo Trần Quốc Đông (nguyên Giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt - RPMU) đã ký 12 hoá đơn, bị cáo Nguyễn Văn Hiếu ký 7 hoá đơn giải ngân cho nhà thầu JTC. Như vậy, RPMU, trong đó cá nhân bị cáo Đông, bị cáo Hiếu, chưa tuân thủ quy định, có đầy đủ yếu tố cấu thành hành vi trái công vụ.
Việc làm của các bị cáo gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước, thể hiện ở việc số lượng thanh toán chưa tương xứng với sản phẩm hoàn thành, tính đến ngày 31.6.2014, chậm gần 33 tháng hoàn thành sản phẩm.
Xác minh từ phía Nhật Bản, JTC đã chi ra gần 100 triệu Yên (JPY) đối với các dự án, trong đó có Việt Nam. Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đã làm việc với Đại sứ quán Nhật Bản cho thấy hành vi trên ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ hai nước. Vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải xác định đây là sự việc nghiêm trọng nên cần xử lý nghiêm.
Trong khi đó, Quốc hội và nhân dân Nhật Bản rất quan tâm đến sự việc. “Chính Phủ nhật Bản đã chính thức đình chỉ vốn ODA đến khi Việt Nam làm rõ vi phạm”, đại diện Viện kiểm sát cho hay.
Nhằm gây dựng lại lòng tin, mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xử lý vấn đề trên để đảm bảo mối quan hệ, chính sách vốn ODA tại Việt Nam. Đến nay, Chính phủ Nhật Bản đã có được niềm tin để tiếp tục quan hệ đầu tư với Việt Nam.
Phản bác lại quan điểm của các luật sư cho rằng khoản hỗ trợ của JTC là có trong hợp đồng ký kết giữa nhà thầu này với RPMU, Viện kiểm sát cho rằng, trong toàn bộ hợp đồng không có nội dung nào cho thấy JTC phải chi vào các khoản lễ, tết, nghỉ mát… Ngay việc JTC giao tiền như trên là vi phạm pháp luật tại nước sở tại.
Đối với luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Văn Lục, bị cáo Nguyễn Văn Hiếu, Viện kiểm sát thấy có căn cứ từ lời khai của bị cáo Lục, trước khi ký hợp đồng giữa JTC và RPMU. Cụ thể, bị cáo Phạm Hải Bằng đã thông báo có khoản hỗ trợ của nhà thầu. Việc nhận tiền là trái công vụ.
Trong đó, bị cáo Phạm Quang Duy nhận 3 triệu Yên Nhật tương đương 600 triệu đồng là trái công vụ. Sau khi chuyển công tác, Lục vẫn nhận 100 triệu đồng từ khoản hỗ trợ. “Thực tế không có khoản tiền nào để các cá nhân nhận được tiền ngoài nguồn JTC hỗ trợ. Có đủ căn cứ để xác định Lục có hành vi trái công vụ”, Viện kiểm sát khẳng định.
Bị cáo Nguyễn Văn Hiếu được xác định đã ký hợp đồng tăng giá trị so với thời điểm ký ban đầu. Bị cáo đã ký giải ngân cho nhà thầu JTC. Trong thời gian làm giám đốc RPMU, bị cáo Hiếu biết về việc bị cáo Bằng nhận số tiền và được hưởng lợi 30 triệu đồng. Như vậy hành vi của bị cáo là trái công vụ.
Đại diện Viện kiểm sát cho rằng: "Trong vụ án có sự cấu kết, thống nhất từ trên xuống dưới. Bị cáo Bằng, Duy và bị cáo Nguyễn Nam Thái thực hiện quyết liệt, tích cực. Trước, trong và sau đều báo cáo với các bị cáo Lục, Đông, Hiếu. Những bị cáo này có chức danh, con dấu, thay mặt Nhà nước ký giải ngân từ nguồn tiền Nhà nước. Các bị cáo đã thực hiện hành vi một cách vô cảm".
Đại diện Viện kiểm sát nhấn mạnh: "Vụ án thể hiện hành vi vụ lợi rõ ràng. Các bị cáo đã khiến nhà thầu hỗ trợ khoản ngoài hợp đồng, sau đó sử dụng cá nhân".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.