Sạt lở bờ biển ngày càng dữ dội

01/05/2017 08:00 GMT+7

Sạt lở bờ sông hiện là câu chuyện 'nóng' ở ĐBSCL, nhưng qua ghi nhận thực tế của PV Thanh Niên , sạt lở bờ biển cũng đang xảy ra rất dữ dội.

Rừng cũng không giữ được
Dẫn chúng tôi đi dọc bờ biển, nơi những cây dương gần 20 năm tuổi bị sóng đánh bật gốc nằm ngổn ngang, chồng chất kéo dài hàng ki lô mét, bà Lê Thị Kim Định (ở ấp Nhà Mát, xã Trường Long Hòa, TX.Duyên Hải, Trà Vinh) lo lắng: “Triều cường ngày càng bất thường, năm nay tới tháng 3 mà sóng vẫn dữ dội quá. Rừng cũng không giữ được, người dân không biết phải làm thế nào để ứng phó”.
Nhìn về phía biển gần khu vực Vàm Láng Nước, bà Định bảo cách đây khoảng 4 - 5 năm, đất liền còn nằm tít ngoài xa vài trăm mét. Từ rẫy trồng dưa hấu của gia đình bà, muốn ra đến biển phải đi “mỏi chân” qua giồng cát trồng dương tới bãi bồi rồi mới tới biển. Thế nhưng, đến mùa gió chướng năm rồi (tháng 10.2016 - 3.2017 - PV), biển đã cuốn phăng tất cả. “15 công đất tôi nhận trồng dương từ năm 1997 đến nay đã mất hết, những đợt triều cường cuối cùng vừa rồi sóng còn cạp mất hai luống dưa với khoảng 2.000 m2 đất nhà tôi”, bà Định nói.
Cuốn phăng rừng phòng hộ
Dọc bãi biển từ Vàm Láng Nước (xã Trường Long Hòa) tới khu vực biển ấp Chợ (xã Hiệp Thạnh, TX.Duyên Hải), cách cửa sông Cổ Chiên (một nhánh của sông Tiền) khoảng hơn 10 km, sạt lở càng ghê gớm hơn. Ngoài những khu vực có kè đê biển thì từng vạt rừng phòng hộ đã bị sóng biển xóa sổ. Tại ấp Bào, xã Hiệp Thạnh, một chiếc bảng bê tông “Nghiêm cấm chặt phá rừng” nằm trơ trọi giữa sóng biển, xung quanh không còn cây cối. Cách đó vài trăm mét, những cây cột điện, bờ vuông tôm… cũng đã “dầm mình” dưới sóng biển… “Tất cả khu vực ngập nước này trước đây đều là đất liền, là nhà dân, đường sá, rừng phòng hộ và ao nuôi thủy sản của người dân”, anh Đoàn Thanh Long, một ngư dân làm nghề câu ở xã Trường Long Hòa, cho biết. Gia đình anh Long là một trong những hộ bị ảnh hưởng nặng nề nhất của sạt lở biển. Chỉ tay về chiếc tàu cá đang đánh bắt cách bờ hơn 1 km, anh Long nói cách đây 20 năm, đất của gia đình anh khoảng 2 ha nằm ngay chỗ chiếc tàu giăng lưới. Sau này, khi sóng biển lấn vào, cuốn mất đất mỗi năm, gia đình anh buộc phải chuyển sang ấp Nhà Mát, xã Trường Long Hòa lập nghiệp. Mồ mả ông bà cũng phải chạy lở mấy lần.
Xuôi về hướng cửa sông Cổ Chiên, qua đoạn kè bê tông cũng là cảnh rừng dương đổ ngã ngổn ngang. Ông Phạm Văn Em, ngụ ấp Chợ, xã Hiệp Thạnh nhà ở cạnh rặng cây dương ít ỏi còn sót lại mé biển cho biết: “Mùa gió chướng, chẳng đêm nào người dân ở đây ngủ yên vì sợ sóng đánh lở dương đổ vào nhà”.
Trưởng phòng Kinh tế TX.Duyên Hải Nguyễn Trung Cang cho biết chỉ tính riêng 2 xã Trường Long Hòa và Hiệp Thạnh, hiện có gần 3 km bờ biển xung yếu, mỗi năm sạt lở lại nhanh hơn. “Mùa gió chướng vừa rồi, tính ra đã có hàng chục héc ta đất của TX.Duyên Hải bị sóng biển cuốn mất. Bây giờ, địa phương chỉ còn biết trông chờ vào những dự án kè từ T.Ư”, ông Cang nói.
Sau lở là nguy cơ tan rã
Tương tự như ở Trà Vinh, tại tỉnh Bến Tre, người dân ven biển, nhất là khu vực gần cửa sông Cửu Long (sông Ba Lai, Hàm Luông, Cửa Đại) cũng liên tục đối mặt với sạt lở nghiêm trọng làm mất đất sản xuất, rừng phòng hộ. Cuộc sống người dân bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở 3 huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú. Qua 2 đợt triều cường xảy ra gần đây, ông Bùi Văn Cầm (sống tại cồn Nhàn, xã Bảo Thuận, H.Ba Tri) lo âu: “Chưa năm nào sạt lở lại diễn ra nghiêm trọng và trên diện rộng như hiện nay. Nếu như trước đây, mỗi năm biển chỉ xâm thực từ 10 - 15 m thì hiện tại sạt lở tăng gấp đôi, có đoạn lở sâu vào cả 100 m”.
Cồn Nhàn có 75 hộ với 376 nhân khẩu, mấy năm nay sạt lở đã khiến diện tích của cồn thu hẹp từ 120 ha hiện chỉ còn lại khoảng 75 ha. Còn theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre, khoảng 5 năm trở lại đây, sạt lở bờ biển khiến tỉnh này mất khoảng 120 ha đất, 54 ha rừng phòng hộ.
Đánh giá thực trạng trên, thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia sinh thái độc lập về Mê Kông, cho rằng cùng với việc rừng ngập mặn bị mất đi, không còn chắn sóng hữu hiệu, bờ biển bị sạt lở với tốc độ đáng báo động. Lý giải về nguyên nhân của sạt lở biển gia tăng, ông Thiện nói: “Phù sa sông Cửu Long xuôi ra biển tạo thành một vùng nước đục khoảng 20 - 30 km tính từ bờ ra. Lớp nước đục đó chính là chiếc áo giáp của đồng bằng. Nước đục nặng hơn nước trong, khi sóng biển gặp lớp phù sa này sẽ giảm bớt sức mạnh đánh vào bờ. Tuy nhiên, khi mất phù sa, chiếc áo giáp bị mỏng, sạt lở sẽ gia tăng, quá trình bồi đắp yếu đi thì một quá trình tan rã bắt đầu”.
Cùng quan điểm trên, TS Dương Văn Ni (Khoa Môi trường - Tài nguyên thiên nhiên, Đại học Cần Thơ), cho rằng vùng biển cửa sông Cửu Long vốn đã hình thành nên những thềm cát. Thềm cát này như lớp kè dưới chân của ĐBSCL. “Mùa lũ, cát sẽ theo dòng chảy đưa ra cửa sông tích tụ. Hết mùa lũ, tới mùa gió chướng thềm cát sẽ được sóng biển tái phân phối dọc theo đồng bằng. Tuy nhiên, hiện nay lớp cát trên ngày một ít đi vừa do tự nhiên, vừa do con người như thủy điện chặn lại, khai thác cát quá mức. Hệ quả là khi lượng cát bù đắp ít hơn lượng cát bị lấy đi thì sóng biển sẽ gây xói lở vào bờ”, ông Ni nói.
Cũng theo các nhà khoa học ở ĐBSCL, mất đi phù sa, cát chính là thách thức lớn nhất của ĐBSCL. Những vùng đất bồi biến mất hay tình trạng sạt lở bờ biển gia tăng hiện nay chính là biểu hiện rõ nhất của sự tan rã.
Báo cáo của Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên cho biết trong khoảng 2003 - 2012, vùng bờ biển bùn từ Bạc Liêu trở xuống qua Kiên Giang nhiều nơi bị sạt lở với tốc độ hơn 50 m/năm, đặc biệt là đoạn 180 km phía biển Đông. Hơn 50% chiều dài của bờ biển 700 km của ĐBSCL đã bị sạt lở trong khoảng thời gian này. Biển Tây sóng ít dữ dội nhưng khoảng 60% bờ biển phía tây cũng đã bị sạt lở. Tính trung bình trong khoảng thời gian này, bờ biển ở ĐBSCL mất khoảng 5 km2 đất mỗi năm do sạt lở. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.