Sáp nhập huyện xã: Khó khăn lớn nhất là giải quyết cán bộ dôi dư

31/05/2019 06:38 GMT+7

Việc thu gọn đầu mối, sắp xếp huyện, xã cũng được rất nhiều đại biểu quan tâm tại phiên thảo luận của QH về tình hình kinh tế - xã hội ngày 30.5, bởi cả nước sẽ phải sáp nhập 16 huyện và 631 xã trong năm nay.

ĐB Trần Tất Thế (Hà Nam) cho rằng chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính, cải cách bộ máy, tiết kiệm ngân sách để đầu tư phát triển là một chủ trương đúng đắn, mang tính đột phá theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 6, vì trong hơn 30 năm trở lại đây, cả nước đã tăng từ 431 huyện lên 713 huyện; từ 9.657 lên 11.162 xã, mỗi năm tăng khoảng 50 xã.
Theo ĐB, đại đa số nhân dân đều đồng tình với chủ trương này, nhưng sau sáp nhập cũng đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập như quy mô, tổ chức Đảng và dân số tăng, nhưng chế độ phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách vẫn giữ nguyên như trước. Bên cạnh đó, quy mô dân số tăng khiến các thiết chế văn hóa cũ không còn phù hợp, việc tổ chức sinh hoạt cộng đồng gặp nhiều khó khăn.
ĐB Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) cũng cho biết tỉnh này đã sáp nhập hàng nghìn thôn, xóm; giảm được hàng nghìn cán bộ, tiết kiệm cho ngân sách một năm trên 40 tỉ đồng, nhưng “thực sự trong giai đoạn này cũng có áp lực” trong việc phải sắp xếp một số lượng lớn huyện, xã.
Ngoài phát biểu trên hội trường, bên lề Quốc hội và trong thảo luận tổ, một số ĐB cũng đã nêu những khó khăn hiện nay trong quá trình sắp xếp, đặc biệt là việc thiếu các hướng dẫn về công tác cán bộ.
Giải trình một số ý kiến ĐB, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết cơ bản các văn bản hướng dẫn sắp xếp đơn vị hành chính đều đã có, từ Nghị quyết T.Ư 6, Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 653 của Ủy ban TVQH và Nghị quyết 32 của Chính phủ. Dù xác định sắp xếp lại các đơn vị hành chính trên cho phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước; làm cho bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; tinh giản biên chế và thực hiện chính sách tiền lương mới vào năm 2021; nhưng Bộ trưởng Tân cũng nhấn mạnh là việc sắp xếp được thực hiện rất thận trọng, chỗ nào thuận lợi làm trước, chứ không sắp xếp bằng mọi giá.
Theo Bộ trưởng Tân, ngoài những huyện, xã không đủ 50% cả 2 tiêu chí về diện tích, một số tỉnh còn sắp xếp thêm, như Hòa Bình thêm 24 xã; Hà Tĩnh, Thanh Hóa thêm 10 xã thuộc diện khuyến khích. Theo đề án đang được các tỉnh xây dựng, Cao Bằng sẽ giảm được 2/13 huyện, 4/199 xã; Hòa Bình giảm 1 huyện, 59 xã; Hà Tĩnh giảm 47 xã; Thanh Hóa giảm 76 xã. Tuy nhiên, theo phản ánh của các địa phương, khó khăn lớn nhất hiện nay là giải quyết cán bộ dôi dư. “Cả Nghị quyết 653 và Nghị quyết 32 đều đã đưa ra một số giải pháp sắp xếp cán bộ, nhưng những giải pháp này chưa thực sự hấp dẫn. Thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các cơ quan thuộc Chính phủ ban hành một số chính sách theo nhu cầu thực tiễn của địa phương”, ông Tân nói.
Về việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết Chính phủ sẽ thảo luận và cho ý kiến trong buổi họp thường kỳ Chính phủ tháng 5 diễn ra vào chiều nay (31.5). Hiện đã có 4 tỉnh thí điểm sắp xếp cơ quan chuyên môn cấp tỉnh là Bạc Liêu, Bắc Ninh, Hà Giang, Lào Cai và giảm được 5 cơ quan; 15 tỉnh thí điểm giảm cơ quan chuyên môn cấp huyện và đã giảm được 185 phòng, ban.

Sớm sửa biểu giá điện hợp lý hơn

Tại phiên thảo luận ngày 30.5, Ủy viên Bộ Chính trị - Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã dành khoảng 10 phút giải trình thêm một số vấn đề ĐB quan tâm. Theo ông Huệ, tổng chi phí đầu vào của ngành điện năm 2019 tăng thêm khoảng 20.032 tỉ đồng nên để đảm bảo bù đắp chi phí tăng thêm và lợi nhuận tối thiểu cho Tập đoàn điện lực VN (EVN) là 3%, đơn vị này và Bộ Công thương đã đề xuất 3 phương án tăng giá là 7,31%; 8,36% và 9,26%. Thường trực Chính phủ đã xem xét rất kỹ và chọn phương án 8,36%.
Về thời điểm điều chỉnh giá điện ngày 20.3, Phó thủ tướng cho rằng thường quy luật CPI sẽ tăng mạnh trong tháng 1 và 2, sau đó giảm trong tháng 3. Thực tế trong 10 lần điều chỉnh tăng giá điện thì đã có 4 lần trong tháng 3. “Nếu không tăng giá điện vào tháng 3 mà lùi lại thời điểm khác như tháng 7, thì tỷ lệ phải cao hơn để bù đắp được khoản 20.000 tỉ đồng”, ông nói.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ, cũng nhấn mạnh Chính phủ đang yêu cầu tiếp tục hoàn thiện văn bản pháp lý, mở rộng phạm vi thị trường bán buôn điện, rà soát nghiên cứu xây dựng mô hình bán lẻ điện cạnh tranh phù hợp với điều kiện VN. Việc này sẽ thí điểm vào năm 2021.
Về biểu giá điện, trên cơ sở ý kiến đề xuất của chuyên gia, người dân, doanh nghiệp, Phó thủ tướng cho biết Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương và EVN sớm trình Chính phủ sửa biểu giá hợp lý hơn. Việc sửa vừa bảo vệ người thu nhập thấp, vừa phù hợp với nhu cầu dùng điện ngày càng tăng cao, đặc biệt tính đến số người dân dùng trên 200 kWh/tháng đang tăng lên.
Về việc thanh tra việc tăng giá điện, Phó thủ tướng cho biết Thanh tra Chính phủ sẽ sớm công kết quả thanh tra và xử lý nghiêm sai phạm của EVN nếu có. Một thông tin được Phó thủ tướng nêu ra là Chính phủ đang chỉ đạo Kiểm toán Nhà nước nghiên cứu đưa vào kế hoạch kiểm toán năm 2019 nội dung chuyên đề về giá điện của EVN.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.