Sáp nhập 3 văn phòng: 1 cổ phục vụ 2 đầu thì không biết ngoái kiểu nào

Lê Hiệp
Lê Hiệp
15/07/2019 17:18 GMT+7

Nhiều ý kiến tại kỳ họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc hợp nhất 3 văn phòng mới thí điểm ở 12 tỉnh, thành trong thời gian ngắn nhưng cũng đã cho thấy có nhiều vấn đề nảy sinh cần xem xét thấu đáo.

Chiều 15.7, báo cáo một số nội dung dự kiến tiếp thu chỉnh lý của dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tổ chức Chính phủ và luật Tổ chức chính quyền địa phương, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, đối với vấn đề hợp nhất 3 văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH), hội đồng nhân dân (HĐND) và ủy ban nhân dân (UBND), Chính phủ đề nghị chưa quy định trong dự thảo do đây là vấn đề đang tiến hành thí điểm, chưa thực hiện việc sơ kết, tổng kết theo chủ trương của cấp có thẩm quyền.
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho biết, hiện đã có 12 địa phương thực hiện thí điểm hợp nhất 3 văn phòng và đề nghị quy định dự thảo luật theo hướng khái quát để dự liệu trước cho việc sắp xếp tổ chức lại 3 văn phòng sau thí điểm.
Thảo luận sau đó, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, qua thí điểm ở 12 địa phương đã thấy có nhiều vấn đề nảy sinh.
Theo ông Hiển, nếu sáp nhập Văn phòng HĐND và Đoàn ĐBQH cùng hệ thống dân cử thì hợp lý, không ai phản đối nhưng ở đây lại sáp nhập cả với văn phòng UBND, mặc dù là cơ quan giúp việc nhưng vẫn làm chuyên môn, dẫn đến nảy sinh nhiều vấn đề.
“Nếu sáp nhập 3 văn phòng thì ông vừa trình vấn đề của UBND vừa trình báo cáo thẩm tra của HĐND, 1 tay cầm 2 cái còi. Người ta nói văn phòng giống như cái cổ, bây giờ 1 cái cổ phục vụ 2 cái đầu thì không biết ngoái kiểu nào. Đây là chuyện cần phải xem xét”, ông Hiển nêu và đề xuất nên thiết kế 2 phương án (sáp nhập 2 văn phòng HĐND và Đoàn ĐBQH và sáp nhập 3 văn phòng theo nghị quyết) để xin ý kiến tại hội nghị T.Ư vào tháng 10 tới.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Than nhiên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Phan Thanh Bình cũng cho rằng, các văn phòng này tuy là cơ quan phục vụ nhưng cũng có nhiệm vụ tham mưu trong khi tham mưu việc triển khai khác tham mưu giám sát. Bên cạnh đó, ông Bình cũng băn khoăn không biết lãnh đạo HĐND, Đoàn ĐBQH và UBND sẽ chỉ đạo văn phòng theo cơ chế nào khi 3 văn phòng hợp nhất thành một. 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị ban soạn thảo thiết kế thành 2 phương án như nêu trên, đồng thời tiến hành đánh giá, tổng kết việc thí điểm sáp nhập 3 văn phòng trong thời gian qua.
“Đây đã là lần thứ 3 tách ra nhập vào rồi, cứ mỗi lần tách ra nhập vào lại phải thay đổi con dấu rồi đủ thứ chuyện”, bà Ngân nói.
Giải trình thêm sau đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, do việc sáp nhập còn đang thí điểm, chưa có tổng kết nên Chính phủ chưa muốn quy định cứng vào luật, còn bản thân ông cũng muốn để 2 văn phòng gồm 1 văn phòng của HĐND và Đoàn ĐBQH và 1 văn phòng của UBND.
“Văn phòng UBND hiện nay là cơ quan tham mưu chứ không phải giúp việc, không phải phục vụ. Tuy nhiên, do nghị quyết của Đảng đã nói rõ là sáp nhập 3 văn phòng HĐND, Đoàn ĐBQH và UBND nên đề nghị đưa 2 phương án để xin ý kiến Bộ Chính trị”, ông Tân nói.
Tại Nghị quyết 18 của T.Ư ngày 25.10.2017 về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của bộ máy chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, trong phần nhiệm vụ, giải pháp nêu rõ: nghiên cứu ban hành quy định để thực hiện hợp nhất văn phòng HĐND, văn phòng đoàn ĐBQH và văn phòng UBND cấp tỉnh thành một văn phòng tham mưu giúp việc chung.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.