Sập hầm thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo: ‘Ở trong có lạnh không anh Nam ơi ?’

(TNO) Anh Quân hỏi xong rồi tự trả lời: 'Mọi người bảo ở trong lạnh lắm. Nước ngập đến ngang ngực rồi'. Giọng anh Quân - một công nhân tham gia cứu hộ vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo ở xã Lát, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) - như lạc đi giữa bộn bề âm thanh cứu hộ.

(TNO) Anh Quân hỏi xong rồi tự trả lời: "Mọi người bảo ở trong lạnh lắm. Nước ngập đến ngang ngực rồi". Giọng anh Quân - một công nhân tham gia cứu hộ vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo ở xã Lát, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) - như lạc đi giữa bộn bề âm thanh cứu hộ.

Công tác cứu hộ diễn ra trong đêm. Trong ảnh là khu vực mũi khoan tiếp tế thức ăn và rút nước ở bên kia hầm ra

Hơn 23 giờ đêm 17.12, PV Thanh Niên Online đã tiếp cận khu vực cứu nạn nằm cách miệng hầm hơn 500 mét. Lúc này tại hiện trường, khoảng hơn 60 người đến từ trung tâm cấp cứu mỏ thuộc Tập đoàn Than - Khoáng sản và Công ty cổ phần Sông Đà 5 đang cật lực giành lại sự sống của 12 người công nhân mắc kẹt ở phía bên kia đường hầm.

Rất nhiều máy móc chuyên dụng được đưa vào. Lúc này công tác cứu nạn tập trung vào việc bơm thức ăn và khoan thủng khối đất đá để dẫn nước ra. Ông Trần Văn Huyên - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sông Đà 5 - cho biết đây là hai công việc quan trọng nhất trong lúc này.

Ông Trần Văn Huyên - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sông Đà 5 - chỉ đạo cứu hộ tại hiện trường


“Nếu không rút kịp nước ở hầm bên kia, khi nước dâng cao, anh em sẽ bị lạnh và có nguy cơ chết đuối. Nếu rút được nước và cung cấp thức ăn đầy đủ, anh em có thể chịu đựng được trong vòng 2-3 ngày để lực lượng cứu hộ cứu ra”, ông Huyên nói.

Ông Đặng Hồng Chiến - một công nhân tham gia cứu hộ từ ngày đầu tiên - cho biết hai ngày qua ông cùng với anh em túc trực ở hầm với hy vọng phép lạ sẽ hiện ra.

“Anh em có người rất mệt nhưng ai cũng muốn ở lại. Từng làm việc, ăn ngủ, gắn bó với nhau biết bao công trình nên không ai nỡ lòng nào nghỉ khi anh em đang mắc nạn”, ông Chiến nói.

Cảm động nhất là cảnh một công nhân nói vọng vào ống thép đường kính khoảng 3-4 cm dẫn sang bên kia hầm: “Anh Nam (công nhân đang mắc kẹt trong hầm - PV) ơi, có nghe rõ không? Ở trong đó có lạnh không anh Nam? Bắt đầu bơm nhé. Anh thả ống xuống đi”. “Anh em bên đó nghe rõ lắm. Anh em vẫn khỏe nhưng nước đang rút nhẹ lắm, nước dâng tới ngực rồi. Họ nói lạnh lắm”, giọng người này thất thần và đầy lo lắng khi thông báo cho chỉ huy cứu hộ hiện trường.

Gần 24 giờ, công nhân bê can cháo vào. Ngay lập tức, đội cứu hộ đút ống nhựa vào can để bơm cháo tiếp tế thức ăn cho những người mắc nạn. Giọng một anh công nhân: “Anh thử xem coi đã vừa ăn chưa, có đủ lỏng để bơm vào không? Nãy giờ em lọc hai lần rồi. Tội nghiệp anh em trong đó quá”. Các công nhân cho biết đó là cháo gà do anh em tự nấu và đây là lần bơm cháo thứ tư từ sáng đến giờ. Mỗi lần là một can nhựa 10 lít.

Tiếp cháo cho các nạn nhân


Ở gần đó, một số công nhân đang cố gắng nhích mũi khoan đâm sâu vào khối đất đá. Tuy nhiên, do gặp đá nên mũi khoan vào khá chậm, cứ nhích từng tí một. Tuy vậy để động viên tinh thần người gặp nạn bên kia hầm, giọng một công nhân hét vào ống sắt: “Đang khoan nhé, anh em cứ yên tâm. Nước ngập đến đâu rồi, đã đến ngực chưa?”.

Ông Trần Văn Huyên cho biết sự cố này không nguy hiểm so với sự cố sập hầm lò than. Hiện bên kia hầm, không gian để cho người bị nạn hoạt động vẫn còn khá lớn và cũng không có khí độc như ở sập hầm than. Tuy nhiên, nguy hiểm nhất của sự cố này chính là nước đang càng ngày càng dâng cao ảnh hưởng đến tính mạng của người bị nạn.

“Thông tin nhận được thì bên đó anh em vẫn còn không gian bắc ván ở trên cao để tránh nước. Chỉ có khi nào phải trao đổi thông tin hay tiếp tế lương thực thì anh em mới phải dầm nước”, ông Huyên nói

Ông Huyên cho biết đến chiều 17.12 đội cứu hộ chuyên nghiệp của Tập đoàn Than - Khoáng sản đã đưa ra phương án đào một đường hầm phụ men theo bên phải hầm chính để nhanh chóng tiếp cận với người bị nạn. Dự kiến đường hầm phụ dài khoảng 26-28 mét. Với tốc độ đào trong vòng 1-1,5 giờ mới được 1 mét thì phải 30 giờ mới đến được người bị nạn.

Nhiều công nhân phải ăn tạm mì tôm khô, bánh mì trong khi cứu hộ

“Cái khó nhất là ở đây quá xa trung tâm, đường đi lại khó khăn nên việc vận chuyển thiết bị chuyên dụng không phải dễ. Tuy nhiên, lãnh đạo các bộ và tỉnh Lâm Đồng lệnh bằng mọi giá phải cứu sống tất cả các anh em mắc nạn. Nếu không chúng tôi sẽ có tội. Giờ phải làm sao để anh em bên đó không xuống tinh thần. Bằng mọi giá phải cứu họ”, ông Huyên nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.