Sao không có... phương án thứ 4?

Kim Lan
Kim Lan
18/08/2020 05:00 GMT+7

Khi 3 phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh tỉnh trưởng Đà Lạt (Lâm Đồng) được lấy ý kiến công khai, bạn đọc Báo Thanh Niên lại muốn hỏi về... phương án thứ 4 - phương án bảo tồn và giữ nguyên trạng.

Như Thanh Niên đã phản ánh, từ ngày 14.8 - 14.9, Sở Xây dựng Lâm Đồng phối hợp với UBND TP.Đà Lạt tổ chức trưng bày, lấy ý kiến 3 phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh tỉnh trưởng thuộc quy hoạch chi tiết khu trung tâm Hòa Bình (TP.Đà Lạt) trước khi thực hiện. Ngay lập tức, nhiều người đã lo lắng về kiến trúc di sản độc đáo của Đà Lạt đang bị xâm hại.

“Cất công” thay đổi vẻ đẹp tự nhiên ?

Soi từng góc ảnh chụp cả 3 phương án kiến trúc được đề nghị, bạn đọc (BĐ) Phuong Nguyen nhận xét rằng dù có cố “hòa lẫn” vào thiên nhiên đến như thế nào thì “nói thật, kiến trúc của các phương án đều có gì đó giả giả. Sao lại cất công thay đổi vẻ đẹp tự nhiên bằng các phương án giả giả đó?”. BĐ Phạm Tiến cũng đặt câu hỏi: “Sao không hỏi người dân Đà Lạt là có nên xây chuỗi khách sạn đồ sộ 10 tầng trên đồi Dinh tỉnh trưởng?” trước khi đưa ra 3 phương án kiến trúc để “chọn 1” theo kiểu “sự đã rồi” mà thiếu đi phần phản biện.
Nêu ý kiến trên Thanh Niên, KTS Ngô Viết Nam Sơn nói thẳng: “Dự án này vẫn nhắm đến lợi ích đầu tư địa ốc mà bỏ qua giá trị di sản”. Nhiều BĐ đã ủng hộ quan điểm này của ông Ngô Viết Nam Sơn. BĐ Len Tien đồng ý rằng “nếu cái gì cũng bảo tồn thì cũng không ổn”, nhưng lưu ý đây “đã là khu bảo tồn thì xin hãy giữ nguyên. Muốn xây ra chỗ khác mà xây”. Với BĐ Khánh Bùi, Đà Lạt đẹp và được nhiều du khách yêu mến là vì “vẫn còn những không gian xưa, không khí trong lành và nhiều mảng xanh của núi đồi”, chứ người ta không đến Đà Lạt “để ngắm những ngôi nhà cao tầng đâu, các ông dự án à”.
Có BĐ nhắc đến triết lý “phố trong rừng” từng là kim chỉ nam trong quy hoạch kiến trúc Đà Lạt “không biết giờ chạy đâu mất”. Nhiều BĐ góp ý với Đà Lạt hãy giữ nguyên mọi thứ, cải tạo đường sá, vệ sinh sạch đẹp “là đủ tuyệt rồi”.

Chỉ giàu nhà đầu tư

KTS Ngô Viết Nam Sơn nhận xét trên Thanh Niên: “Một quy hoạch bảo tồn nghiêm túc không bao giờ cho phép chặt cây và xây nhà cao 10 tầng trên đó. Nếu làm đúng quy hoạch bảo tồn và chỉnh trang nhất định sẽ đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho Đà Lạt rất lớn và người dân Đà Lạt hưởng lợi nhiều hơn, chứ còn như cái này thì sẽ làm giàu cho nhà đầu tư thôi”.
Chia sẻ cùng băn khoăn, BĐ Đình “ủng hộ tuyệt đối ý kiến tâm huyết của KTS Ngô Viết Nam Sơn”, vì chính BĐ Đình cũng đau lòng khi “Đà Lạt bây giờ ngày càng bị bê tông hóa, nhà kính tràn ngập” đồng thời kêu gọi đừng để ai “nhân danh bảo tồn mà đi phá cảnh quan lá phổi trung tâm khu đồi Dinh của Đà Lạt”.
Không ngần ngại, BĐ Vũ Hàn góp ý rằng khi cả thế giới đang cố “giữ gìn các kiến trúc, khu di tích cũ xưa...” thì điều “tốt nhất” cho Đà Lạt lúc này, là “không duyệt bất cứ dự án địa ốc nào vào khu vực có giá trị kiến trúc lịch sử, điều phải hàng chục năm thậm chí hàng trăm năm mới có được”.
Thay vì lấy ý kiến phương án từ 1 đến số n, sao không hỏi bà con có đồng ý xây công trình ở đây không? Khi tôi đến Đà Lạt, điều tôi mong nhất là được hít một hơi không khí se se lẫn chút hương thông, hương tùng, được thấy nhiều người vác gùi bách phố... Nếu cần đi trung tâm thương mại, những chỗ khác đâu có thiếu.  
Man Wander
Chính quyền nên lắng nghe ý kiến người dân và các nhà khoa học. Phải bảo tồn, nếu muốn làm mới thì tìm một chỗ mới, không ảnh hưởng đến kiến trúc, môi trường sống…  
Lê Đức
Cái cổ nếu biết giữ gìn, tôn tạo, không bao giờ lạc hậu. Khách du lịch đến Đà Lạt muốn thăm phố cũ năm xưa chứ không phải đến chiêm ngưỡng nhà cao tầng trên núi đồi.  
Châu Phạm
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.