San sẻ cơ cực với đồng bào vùng lũ

17/10/2020 06:02 GMT+7

Đến để san sẻ nỗi cơ cực với vùng lũ miền Trung là động lực để đoàn công tác xã hội Báo Thanh Niên và Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) vượt hàng ngàn cây số trong mưa gió, cùng Tỉnh đoàn Thừa Thiên-Huế gửi trao những món quà cho đồng bào đang kiên gan chống chọi với lũ lụt.

Lội nước đi nhận quà
“Nghe thôn thông báo 2 giờ tới nhận mà tui đi sớm trước cả tiếng”, bà Nguyễn Thị Lành (thôn Trung Thanh, xã Phong Chương, H.Phong Điền, Thừa Thiên-Huế) nói. Nhìn ánh mắt bà khấp khởi vui, chúng tôi hiểu thêm sự chịu đựng của bà con, bởi trong chưa đầy 1 tháng, người dân xứ Huế phải hứng chịu bão lũ triền miên, khiến bao nhiêu tài sản, của cải cũng bay theo bão hoặc ngâm trong lũ suốt tháng qua. Và chưa kể đợt lụt thứ 3 đang lăm le, vì mực nước đã bắt đầu dâng lên lại từ trưa 15.10.

Bà Nguyễn Thị Huệ (H.Phú Vang) chống gậy lội nước đi nhận quà cứu trợ

ẢNH: VŨ PHƯƠNG THẢO

Phong Chương là xã vùng thấp trũng, rốn lũ không chỉ của H.Phong Điền mà còn của tỉnh Thừa Thiên-Huế. 200 suất quà được chúng tôi trao vội dưới mưa, bởi hội trường chính của xã được trưng dụng chất đồ đạc, dự trữ lương thực cho bà con để phòng mưa lũ.
Trước đó, ở nhiều vùng đoàn công tác đi qua, bà con giấu mình rét mướt trong chiếc áo tơi ướt sũng, khiến chúng tôi không khỏi ngậm ngùi. “Mưa lũ thế này, một miếng khi đói bằng một gói khi no. Toàn bộ 1.800 hộ dân ngập trong nước lụt từ 0,3 - 2 m. Trước đó, cơn bão đã khiến 644 hộ tốc mái, hoa màu tan nát. Thiệt hại không biết bao nhiêu tài sản, thì đây là món quà rất giá trị”, ông Nguyễn Văn Trai, Chủ tịch xã Phú Mậu (H.Phú Vang), trải lòng. Nói rồi ông đỡ hai anh em tật nguyền Nguyễn Văn Bờm, ngụ ở xã Phú Mậu, đội mưa gió trên đầu, gắng lội nước đến nhận quà.

Áp thấp nhiệt đới vào vùng biển Đà Nẵng - Quảng Ngãi, khắp nơi mưa lớn

Mưa đổ trên đầu, nước ngập dưới chân

Đó là tình cảnh của rất nhiều người dân Thừa Thiên-Huế những ngày qua. Ông Trần Thế Hùng, trưởng thôn Nam Phù - Nho Long, xã Quảng Phú (H.Quảng Điền) ngậm ngùi kể rằng thôn của ông 100% nhà ngập trong nước lũ, bao nhiêu đồ đạc bị cuốn trôi theo nước hoặc hư hại, vùi trong bùn lầy. Trước đó 2 tuần, người dân vừa hứng chịu cơn giận dữ của thiên tai với cơn bão số 5. Có đến 50% nhà trong thôn đều bị tốc một phần hoặc toàn bộ mái. Chưa kịp gom góp gầy dựng lại để mua ít tấm tôn vá víu thì mưa lũ ập đến. Người dân chỉ biết than trời, mua tạm vài tấm bạt hoặc mấy tấm ni lông giăng vội trên mái nhà loang lổ. Mưa như trút nước, những tấm ni lông mỏng manh rách toạc, nước xối xả dội xuống đầu. Dưới chân, dòng nước bạc của cơn lũ bắt đầu ngập, dần dần lên đến ngang tủ thờ. Người dân chỉ biết ngửa mặt mà kêu trời không thấu. “Đây là vùng trũng bên sông Bồ, lại sát đê Quảng Phú, nước đợt rồi đã chảy tràn đê. Dân ai cũng nơm nớp lo đê vỡ”, ông Hùng kể.

Hội trường được ưu tiên để hàng cứu trợ, bà con phải đứng dưới mưa nhận quà

Ảnh: Vũ Phương Thảo

Cuộc sống khắc nghiệt vậy nên có người vì ráng giữ chút tài sản ít ỏi tích cóp nhiều năm khốn khó mà khi nước dâng không chịu rời đi. Đến khi nước lên cao quá mới bắt đầu kêu cứu. Một mình ông Hùng bơi bè chuối vật lộn dòng nước lũ đi cứu 2 mẹ con không chịu di dời, chút nữa là bị nước cuốn trôi. “Tội nghiệp bà con, cực quá mà ra rứa. Hơn 208 hộ dân trong thôn của tui sống dầm trong mép nước từ 1 m trở lên trong 5 ngày liền không điện, nước, liên lạc”, ông Hùng rưng rưng than thở.
Còn cụ bà Nguyễn Thị Huệ, 80 tuổi (thôn Thùy Lai, xã Phú Thanh, H.Phú Vang) sống neo đơn một mình dặt dẹo chống gậy, đội mưa đi nhận quà. Nhà có hai đứa con gái lấy chồng xa. Ở cái tuổi già đơn chiếc, một mình cụ chống lũ cho căn nhà. May mắn là khi nước vừa lên đến ngang giường, dân quân tự vệ đã kịp thời đưa đi tránh lũ ở trạm y tế gần đó. 5 ngày sau về lại nhà, cụ buồn lắm khi mấy luống rau cải thiện đời sống bị ngập úng trong nước, bởi đó là những gì cụ có.

Cuộc đua với nước lũ

Để đi nhận quà hôm nay, nhiều bà con xã Quảng Vinh (H.Quảng Điền) đã lội nước. Hầu hết các địa phương, nước đã rút từ 3 - 4 ngày qua nhưng cục bộ một số thôn vùng thấp như Lai Trung, Khe Ba, Đông Lâm, Sơn Tùng, Cao Xá…, nước vẫn còn ngang gối sau 8 ngày mưa lũ. Nhưng thiên tai dường như chưa buông tha cho người dân miền Trung khi lại thêm cơn áp thấp nhiệt đới đang đổ vào miền Trung. Vừa phát quà cho bà con, chúng tôi vừa lo, vì lại tiếp những đợt mưa trắng trời.
Nhìn nước đã bắt đầu lên xâm xấp ngoài mặt ruộng, anh Trần Gia Công, Bí thư Tỉnh đoàn Thừa Thiên-Huế, không khỏi sốt ruột lo lắng. Một số địa phương chúng tôi đến, nước đã lên tận thềm UBND xã. Vậy là mọi bước của chương trình đều được tối giản, các vòng xe lao nhanh hơn bình thường, như đua với nước lụt đang dâng chỉ để làm sao bà con được nhận quà nhanh chóng, kịp về nhà dọn lũ. “Có đi tận nơi và chứng kiến tận mắt mới càng thêm hiểu và chia sẻ với người dân miền Trung. Chúng tôi mong chút phần quà bé nhỏ của các thành viên Vinacas có thể giúp bà con sớm ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất”, ông Đặng Hoàng Giang, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Vinacas, xúc động nói.
Nhìn trời đất xám xịt và cảnh bà con tất bật nhận quà cứu trợ, ai cũng rưng rưng trước tấm lòng của đoàn công tác, khi các thành viên của Vinacas đã vượt hàng ngàn cây số để đến Huế, không nghỉ để trao quà tận tay cho 600 hộ dân bị ngập lụt, thiệt hại nặng nề.

Ông Đặng Hoàng Giang, Phó giám đốc thường trực kiêm Tổng thư ký Vinacas phát quà cho bà con

Ảnh: Vũ Phương Tảo

Ngày 16.10, đoàn công tác xã hội của Vinacas và Báo Thanh Niên đã triển khai chương trình cứu trợ miền Trung, bắt đầu tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, với 300 suất quà (mỗi suất 500.000 đồng) cho bà con thuộc 6 xã gồm: Phú Mậu, Phú Thanh (H.Phú Vang), Quảng Vinh, Quảng Phú (H.Quảng Điền), Phong Thu, Phong Chương (H.Phong Điền). Những ngày tới, chương trình sẽ tiếp tục tại các tỉnh, thành Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Tổng số tiền cứu trợ đợt này của Vinacas thông qua Báo Thanh Niên là 1,7 tỉ đồng.

Dầm mưa, “cõng” 3 tấn gạo lên cứu đói bà con vùng cao

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.