Sẵn sàng phương án ứng phó châu chấu sa mạc xâm nhập Việt Nam

03/06/2020 11:19 GMT+7

Dù nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam không cao nhưng Bộ NN-PTNT đã báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ về phương án sẵn sàng ứng phó châu chấu sa mạc đang tàn phá nông nghiệp của nhiều quốc gia châu Phi.

Ngày 3.6, thông tin từ Bộ NN-PTNT cho biết, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình dịch châu chấu sa mạc hoành hành ở châu Phi, Ấn Độ và phương án ứng phó của Việt Nam.
Qua theo dõi của Bộ NN-PTNT, dịch châu chấu sa mạc trên thế giới đang diễn biến rất phức tạp. Đặc biệt ở đông Phi, cụ thể là Kenya, Ethiopia và Somalia đang phải đối mặt với châu chấu, mối đe dọa chưa từng có với an ninh lương thực và sinh kế của người dân. 
Theo Bộ NN-PTNT, nguy cơ châu chấu xâm nhập vào Việt Nam không cao nhưng cơ quan này vẫn chủ động xây dựng các phương án ứng phó, ngăn chặn, bằng cách chỉ đạo Cục Bảo vệ thực vật có giám sát đặc biệt.
Bộ NN-PTNT cũng sẽ làm việc với Bộ Quốc phòng về thiết bị phun thuốc và khả năng phát hiện châu chấu ở độ cao 2.000 m hoặc hơn; làm việc với Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia về nội dung này để sử dụng radar dân sự phát hiện sớm châu chấu sa mạc.

Trước khi tràn vào Việt Nam, 'quân đoàn hủy diệt' châu chấu sa mạc đã tàn phá những đâu?

4 tỉnh có châu chấu tre lưng vàng gây hại

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT cho biết, từ cuối tháng 3 đến nay, châu chấu tre lưng vàng phát sinh và gây hại tại 4 tỉnh: Điện Biên, Cao Bằng, Sơn La, Quảng Ninh. Châu chấu tre lưng vàng xuất hiện trên các cây tre, luồng, vầu... với tổng diện tích 69 ha.
Qua điều tra, mật độ châu chấu phổ biến là 100 - 200 con/m2, có nơi 400 - 600 con/m2 , tại Cao Bằng có nơi mật độ lên tới 1.000 con/m2. Diện tích xuất hiện châu chấu tre lưng vàng trong tháng 5 thấp hơn 176 ha so với cùng kỳ năm trước.
Dự báo trong tháng 6 và tháng 7, châu chấu trưởng thành từ Lào sẽ di trú sang Việt Nam gây hại, Cục Bảo vệ thực vật phối hợp các địa phương vùng miền núi phía Bắc giám sát châu chấu di cư qua biên giới để phòng trừ sớm ngay khi châu chấu xâm nhập cây trồng nông nghiệp.
Các địa phương tiếp tục bám sát tình hình phát sinh châu chấu tre lưng vàng non để chỉ đạo phòng trừ sớm, từ khi mới nở.
Hiện tại, Cục Bảo vệ thực vật triển khai các nghiên cứu ứng dụng một số chế phẩm sinh học như nấm Metarhizium anisopliae, Beauveria bassiana, Nucleo Polyhedrosis virus và nhân nuôi các loài bắt mồi ăn thịt (gà, vịt, chim…) để kiểm soát châu chấu tre lưng vàng tại một số tỉnh miền núi phía Bắc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.