Sàm sỡ bé gái trong thang máy: Viện KSND tối cao yêu cầu xử lý nghiêm

05/04/2019 05:11 GMT+7

Theo Viện KSND tối cao, cơ quan chức năng cần khẩn trương tiến hành xác minh, phối hợp chặt chẽ, xử lý nghiêm minh , đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bất kể người đó là cán bộ đương chức hay đã nghỉ hưu.

Cụ thể, liên quan vụ nguyên Phó viện trưởng Viện KSND (VKS) TP.Đà Nẵng Nguyễn Hữu Linh (61 tuổi, quê Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng; về hưu năm 2018) có hành vi sàm sỡ một bé gái trong thang máy, lãnh đạo VKS tối cao hôm qua cho biết đã chỉ đạo Viện trưởng VKS TP.HCM phối hợp chặt chẽ với CQĐT và các cơ quan có thẩm quyền của TP xác minh, làm rõ sự việc và xử lý nghiêm minh, không bỏ lọt tội phạm; đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng có biện pháp hiệu quả để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cháu bé.
“Các cơ quan chức năng cần khẩn trương tiến hành xác minh, phối hợp chặt chẽ, xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bất kể người đó là cán bộ đương chức hay đã nghỉ hưu”, VKS tối cao nêu quan điểm.

Cơ quan tố tụng TP.HCM thụ lý tin tố giác tội phạm

Chiều 4.4, một lãnh đạo VKS TP.HCM cho biết VKS Q.4 và Công an Q.4 đã thụ lý tin báo tố giác tội phạm, đồng thời đang điều tra, làm rõ clip sàm sỡ bé gái trong thang máy, xảy ra tại chung cư Galaxy 9, đường Nguyễn Khoái (P.1, Q.4, TP.HCM). Ngày 3.4, ông Linh cũng đã làm việc với cán bộ điều tra Công an Q.4 và VKS Q.4.
“Sự việc đã rõ, bây giờ cần thời gian cho cơ quan tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ theo thủ tục, quy định pháp luật. Người bị điều tra từng là người trong ngành tư pháp và quan điểm của VKS tối cao lẫn VKS các cấp là xử lý tội phạm nghiêm, đặc biệt đối với loại tội phạm dâm ô, hiếp dâm”, vị lãnh đạo VKS TP.HCM nói. Cũng theo vị này, về thẩm quyền VKS TP.HCM sẽ tham gia theo dõi, chỉ đạo xử lý nghiêm; còn thẩm quyền trực tiếp giải quyết sự việc là VKS Q.4.

Tổ chức cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm xâm hại trẻ em

Khi em bé chuẩn bị ra cửa thang máy, ông này còn kẹp cổ lôi lại tiếp tục sàm sỡ
Cùng ngày 4.4, Bộ Công an cho biết đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu công an các đơn vị, địa phương tăng cường hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý, giảm tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em.
Đáng chú ý, Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu công an các đơn vị, địa phương tiếp nhận kịp thời tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố liên quan bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; khẩn trương xác minh, điều tra, truy tìm, bảo vệ nạn nhân. Tổ chức các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; phối hợp VKS và TAND các cấp truy tố, xét xử nghiêm minh một số vụ án trọng điểm để răn đe, phòng ngừa chung. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần xử lý nghiêm minh hành vi bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em.
Bộ Công an cũng giao Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp các ngành liên quan tăng cường nắm tình hình, quản lý các trang mạng xã hội có nội dung tuyên truyền, kích động, cổ súy bạo lực, dâm ô, đồi trụy, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật; chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn hành vi lợi dụng không gian mạng xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; thu thập, phân tích dữ liệu, chứng cứ phục vụ điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan bạo lực, xâm hại trẻ em…

Về mặt hình thức, đã cấu thành tội dâm ô

Vụ việc ông Nguyễn Hữu Linh, người từng làm việc trong ngành tư pháp, sàm sỡ bé gái đã khiến dư luận rất bức xúc và yêu cầu không để “chìm xuồng”.
Trao đổi với PV Thanh Niên ngày 4.4, trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó chánh án TAND tối cao, cho rằng trong vụ việc này, về mặt hình thức, đã cấu thành tội dâm ô. Tuy nhiên, theo ông Độ, thực tế quy định pháp luật về hành vi dâm ô với người dưới 16 tuổi là rất rõ ràng nhưng việc thực thi các quy định pháp luật này gặp nhiều khó khăn bởi nhiều yếu tố, như: thu thập bằng chứng, chứng minh hành vi phạm tội. “Người này có bị truy cứu hay không còn phụ thuộc vào vấn đề chứng minh của cơ quan tố tụng trong việc ông ta có hành vi hôn, sờ mó vào bộ phận nhạy cảm của cháu bé”, ông Độ nói.
Chia sẻ bên hành lang Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách chiều 4.4, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cũng cho hay các hành vi xâm hại được quy định rõ trong bộ luật Hình sự, nhưng để xác định được hành vi xâm hại thì cần phải có CQĐT. “Chứng cứ (đối với các hành vi xâm hại - PV) là vấn đề rất khó khăn. Có những chứng cứ cấu thành hình thức nhưng cũng có những chứng cứ cấu thành vật chất. Đặc biệt là việc xâm hại, trong nhiều trường hợp, luật quy định chứng cứ cấu thành vật chất, xâm hại cụ thể. Điều này cần được bàn thảo”, ông Vương nói và đề nghị những quy định chưa rõ, chưa cụ thể cần phải sửa hoặc nếu không sửa cũng phải có hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trên cơ sở đề nghị của cơ quan bảo vệ pháp luật.
Ông Nguyễn Bá Sơn, Ủy viên Ủy ban Tư pháp Quốc hội, cho rằng các quy định trong bộ luật Hình sự không phải sai nhưng trong quá trình vận dụng, các cơ quan thực thi đã áp dụng khác nhau. “Các cơ quan tiến hành tố tụng phải có trách nhiệm phản ánh, kiến nghị để có văn bản hướng dẫn chung mà đầu mối tập trung phải là TAND tối cao”, ông Sơn nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.