Sài Gòn 'gánh' rác lậu: Khẩn trương làm rõ, xử lý nghiêm

12/05/2017 09:00 GMT+7

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM, khẳng định sẽ kiên quyết xử lý nghiêm đến nơi, đến chốn nếu phát hiện cán bộ, nhân viên sai phạm liên quan đến việc 'bảo kê' đổ rác chui.

Hôm qua 11.5, ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn UBND TP.HCM, cho biết ngay sau khi Thanh Niên đăng loạt bài Sài Gòn “gánh” rác lậu, UBND TP.HCM đã giao Sở TN-MT chủ trì kiểm tra, báo cáo UBND TP để xử lý nghiêm.

tin liên quan

Sài Gòn 'gánh' rác… lậu
Hằng ngày, TP.HCM phải gồng mình 'gánh' thêm hàng trăm tấn rác của các nhóm đầu nậu, thu gom rác ở tỉnh tuồn về Sài Gòn đổ chui.
Tiếp xúc PV Thanh Niên chiều qua, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM, khẳng định: “Sở luôn cầu thị, tiếp thu để chấn chỉnh, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm đến nơi, đến chốn nếu phát hiện cán bộ, nhân viên sai phạm liên quan đến việc “bảo kê” đổ rác chui này”.


Kiểm tra thông tin rác từ H.Đức Hòa nhập lậu qua TP.HCM
Chiều 11.5, một lãnh đạo Sở TN-MT tỉnh Long An cho biết, sau loạt điều tra Sài Gòn “gánh” rác lậu, phản ánh việc rác thải ở TT.Hậu Nghĩa và xã Đức Hòa Hạ (H.Đức Hòa, Long An) được các xe tải thu gom chở về TP.HCM đổ chui, Ban Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Long An đã chỉ đạo phòng chuyên môn chủ động phối hợp Phòng TN-MT H.Đức Hòa tiến hành kiểm tra, làm rõ thông tin, từ đó có hướng xử lý nghiêm các sai phạm.
Khôi Nguyên


Bảo kê hiện ra
Liên quan đến việc bảo kê rác lậu, ông Bùi Thế Kiệt, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV dịch vụ công ích Q.12 (TP.HCM), cho biết: Ngay sau khi Báo Thanh Niên đăng bài, công ty đã triển khai cuộc họp khẩn giữa các phòng, ban chuyên môn liên quan, đồng thời yêu cầu các nhân viên ở bô rác P.Hiệp Thành viết tường trình và trích xuất camera để làm rõ trách nhiệm của từng người để có hướng xử lý, chấn chỉnh.
Theo ông Kiệt, công ty đã phổ biến đến toàn thể nhân viên nội quy không nhận rác công nghiệp, chất thải nguy hại và rác ngoại tỉnh. Riêng việc ông Đ. tự xưng là cán bộ của công ty có giao dịch để xe tải chở rác ở tỉnh đưa vào đổ ở bô rác P.Hiệp Thành, công ty sẽ nhờ cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, nhằm loại bỏ những cá nhân làm ảnh hưởng đến hình ảnh của công ty.
“Rất cảm ơn Thanh Niên đã có bài phản ánh thực trạng này. Phải nói rằng bài viết có cộng hưởng rất lớn đối với các công ty dịch vụ công ích ở TP.HCM, và tình trạng bảo kê qua đó đang hiện ra từ từ. Rất mong Báo Thanh Niên tiếp tục phối hợp cùng cơ quan chức năng vào cuộc làm cho ra ngô, ra khoai”, ông Kiệt nói.
Bên cạnh đó, ông Kiệt cũng cho rằng việc kiểm soát, giám sát rác cũng gặp nhiều khó khăn khi các xe vận chuyển rác đều mang biển số TP.HCM và địa bàn lại giáp ranh với các tỉnh lân cận. Trong khi đó, đa phần rác ở bô thường được các đường dây rác dân lập thu gom về. Lực lượng thu gom rác dân lập này do các phường quản lý, dù công ty cũng có danh sách xe của rác dân lập thông thường hằng ngày tới đổ. “Qua vụ việc báo nêu, Ban giám đốc công ty sẽ sắp xếp lại việc giám sát, kiểm tra chặt chẽ nguồn gốc của rác thải ngoại tỉnh tuồn vào TP.HCM”, ông Kiệt nói.
Thanh tra làm rõ
Nói đến quyền hạn của lực lượng giám sát thuộc Ban Quản lý các khu liên hợp xử lý chất thải (Sở TN-MT TP.HCM), ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết: “Trong ban này có đội giám sát rác, đội này thực hiện giám sát các nhà máy xử lý rác trên địa bàn thành phố; việc thu gom, vận chuyển của 10 quận mà TP.HCM chưa phân cấp (đã được phân cấp từ 1.5.2017) và giám sát việc vận chuyển rác theo các tuyến liên quận. Trường hợp Báo Thanh Niên đề cập, Sở đề nghị Báo cung cấp thông tin, chứng cứ để giao cho Thanh tra của Sở xác minh làm rõ và kịp thời cung cấp kết quả cho báo chí”. Về vấn đề giám sát ở các trạm trung chuyển rác (TTCR), ông Thắng nhận định: “Tôi cho rằng TTCR quản lý được những xe chở rác lạ vào đổ tại TTCR. Bởi vì đường dây rác dân lập, công lập do địa phương quản lý, TTCR theo dõi khi tiếp nhận vận chuyển rác đến, việc rác tăng đột biến rất dễ phát hiện ra. Người quản lý TTCR trả lời không biết xe rác từ nơi khác đến “đổ chui” là không chấp nhận được”.
Về lâu dài, ông Thắng cho biết một trong những giải pháp là phân cấp cho 24 quận, huyện quản lý và tổ chức thực hiện công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn quận, huyện. Tổ chức thu gom, vận chuyển rác, bao gồm: thu gom từ điểm hẹn về TTCR; từ TTCR vận chuyển về khu xử lý tập trung theo quy định của Sở TN-MT TP.HCM. Quận, huyện tự vận hành TTCR trên địa bàn, ký hợp đồng đặt hàng hoặc đấu thầu lựa chọn đơn vị thực hiện cung ứng dịch vụ nêu trên theo đúng quy định. Quận, huyện phải có trách nhiệm giám sát và nghiệm thu thanh toán khối lượng thu gom, vận chuyển rác nhằm tránh trường hợp tuồn rác từ tỉnh khác về TP.HCM đổ chui như báo phản ánh.
Đề nghị công an vào cuộc điều tra
Ông Cao Thanh Bình, Phó trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM, nói: “Rác lậu từ các tỉnh tuồn về đổ chui ở TP.HCM rõ ràng là chuyện sai phạm rồi, không thể chấp nhận được. Tôi cho rằng đây là vụ việc gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng không chỉ về môi trường mà còn thất thoát ngân sách thành phố. Với tư cách là đại biểu HĐND, tôi sẽ làm việc với lãnh đạo Sở TN-MT để giám sát vấn đề này”.
Theo ông Bình, những thông tin phản ánh trên Thanh Niên cho thấy trong vụ việc này có dấu hiệu tiêu cực, lợi ích nhóm, bảo kê... Do đó, cơ quan công an cần vào cuộc điều tra, xử lý triệt để trách nhiệm các đơn vị, cá nhân có liên quan, bởi nếu như không có sự móc ngoặc thì không thể nào rác lậu tuồn vào địa bàn TP.HCM dễ dàng như vậy được. Ông Bình khẳng định, quy định hiện nay TP.HCM chỉ chi ngân sách xử lý lượng rác phát sinh trên địa bàn TP với bình quân mỗi ngày khoảng 7.000 tấn, mức giá xử lý tại bãi xử lý rác tập trung mỗi tấn khoảng 400.000 đồng. Rác lậu ở các nơi khác tuồn về đổ chui ở các TTCR ở TP.HCM, rồi từ đây được phù phép, gắn mác “chính chủ” đưa vào bãi rác xử lý tập trung mỗi ngày hàng trăm tấn thì số tiền ngân sách của TP.HCM thất thoát rất lớn.
Đình Phú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.