Rừng ở Lâm Đồng, Gia Lai liên tục bị triệt hạ

26/11/2020 05:56 GMT+7

Các khu rừng ở Lâm Đồng, Gia Lai liên tục bị triệt hạ đặt ra vấn đề về việc quản lý của các cơ quan chức năng.

Lâm Đồng: Khẩn trương điều tra vụ phá rừng bạch tùng hơn trăm tuổi

Ngày 25.11, UBND tỉnh Lâm Đồng có công văn hỏa tốc chỉ đạo Công an tỉnh, H.Lâm Hà, Sở NN-PTNT Lâm Đồng và các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, kịp thời xử lý nghiêm vụ khai thác rừng bạch tùng hơn trăm tuổi tại lô b2, khoảnh 2, tiểu khu 249, xã Đạ Đờn, H.Lâm Hà (Thanh Niên ngày 25.11.2020 đã thông tin).

Phá rừng lấy gỗ bán cho tổ trưởng quản lý bảo vệ rừng

Theo đó, yêu cầu Chủ tịch UBND H.Lâm Hà chỉ đạo Công an, Hạt Kiểm lâm huyện khẩn trương xác minh điều tra vụ phá rừng, hoàn tất hồ sơ để xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm và báo cáo UBND tỉnh trước ngày 20.12. Công an tỉnh chỉ đạo các phòng nghiệp vụ phối hợp, hỗ trợ Công an H.Lâm Hà tích cực điều tra. Nếu phát hiện tổ chức, cá nhân được giao quản lý rừng thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, bao che, để xảy ra vi phạm thì xử lý nghiêm. Tỉnh cũng yêu cầu UBND H.Lâm Hà tổ chức kiểm điểm, làm rõ để xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Chiều cùng ngày, ông Nguyễn Văn Hoàng, Trưởng công an H.Lâm Hà, cho biết đơn vị chờ kết quả định giá của huyện để củng cố hồ sơ, khởi tố vụ án, điều tra truy tìm những kẻ phá rừng. Hiện cơ quan chức năng đã xác định 6 nghi can liên quan vụ phá rừng nghiêm trọng này.

Gia Lai: Giáng hương cổ thụ bị triệt hạ

Ngày 24.11, chúng tôi vào hiện trường vụ triệt hạ trái phép 4 cây gỗ giáng hương cổ thụ và 1 cây bằng lăng. Đây là vùng rừng thuộc tiểu khu 90, ở xã Krong (H.Kbang, Gia Lai) do Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Krông Pa quản lý. Tại hiện trường, những cây giáng hương đường kính trên dưới 1 m đã bị chặt hạ. Một phần gỗ đã bị đưa ra khỏi rừng. Theo cơ quan chức năng, ước tính ban đầu tổng khối lượng gỗ thiệt hại gần 20 m3 và 0,38 ster củi.
Đáng lưu ý, đây là vùng rừng còn tồn tại quần thể giáng hương cổ thụ lớn nhất Gia Lai với trên 300 cây. Hiện giá gỗ hương khoảng 70 triệu đồng/m3 càng khiến lâm tặc thêm manh động, sẵn sàng vào rừng “xẻ thịt” gỗ hương.
Ông Nguyễn Thành Vinh, Phó giám đốc phụ trách Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Krông Pa, nói: “Lợi dụng trời mưa nhiều ngày, lâm tặc đã xâm nhập vào rừng để đốn hạ cây gỗ hương trái phép. Với trách nhiệm là chủ rừng và người đứng đầu, tôi xin chịu trách nhiệm trước pháp luật”.
Liên quan đến vụ phá rừng trên, ngày 25.11, Công an H.Kbang cho biết đã vận động 3 đối tượng cùng ngụ H.Kbang ra đầu thú gồm: Triệu Văn Thực (26 tuổi, ngụ xã Sơ Pai), Chu Thanh Hùng (35 tuổi, ngụ xã Đông) và Đặng Trung Hiếu (28 tuổi, ngụ xã Sơn Lang). Hiện cả 3 đang bị tạm giữ hình sự.
Một vụ triệt hạ rừng khác xảy ra giữa tháng 11 vừa qua ở tiểu khu 273 thuộc lâm phần của Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Ia Grai. Từ thông tin của người dân xã Ia Bă (H.Ia Grai), cơ quan chức năng mới phát hiện vụ phá rừng giáp ranh giữa H.Ia Grai và H.Chư Pah. Tại hiện trường, có 5 cây gỗ đường kính khoảng 40 - 70 cm bị đốn hạ. Trong đó, một số đã bị lâm tặc xẻ tẩu tán gỗ ra ngoài, chỉ còn trơ gốc, số còn lại có dấu cưa còn mới, đã được xẻ thành phách. Ông Nguyễn Trường Hải, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Ia Grai, xác nhận đang cho kiểm tra, đo đạc lại số cây gỗ bị lâm tặc chặt phá.
Trước đó, cuối tháng 10, lâm phần của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Kon Chiêng (H.Mang Yang) cũng bị lâm tặc triệt hạ 37 cây gỗ. Một số đã được vận chuyển trót lọt ra ngoài. Điều khó hiểu là dọc đường vào khu vực rừng bị phá, có 2 chốt bảo vệ rừng nhưng không hiểu sao gỗ lậu vẫn lọt ra ngoài.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND H.Kbang, cho biết: “Qua các vụ phá rừng trên địa bàn, có thể thấy đơn vị chủ rừng đã thiếu tinh thần trách nhiệm. Còn có sự tiếp tay, phối hợp với lâm tặc để vào phá rừng hay không thì hiện tại chưa có bằng chứng, chúng tôi đang chỉ đạo công an điều tra”.
Liên quan đến tình trạng phá rừng ở Lâm Đồng, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chức năng địa phương điều tra, xác minh, làm rõ nội dung báo chí phản ánh; thực hiện nghiêm việc rà soát, xử lý tình trạng chặt phá rừng, khai thác gỗ trái phép theo chỉ đạo của Thủ tướng tại Văn bản số 3974/VPCP-NN ngày 21.5.2020 của Văn phòng Chính phủ. 
Lâm Viên
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.