Rừng Kon Plông tập trung nhiều động vật quý hiếm, nguy cấp

24/07/2020 18:08 GMT+7

Tại Kon Plông có khoảng 500 cá thể loài Chà Vá chân xám, 100 cá thể loài Vượn đen má vàng Trung bộ cùng nhiều loài động vật quý hiếm và các loài chim đặc hữu của Việt Nam.

Ngày 24.7, Tổ chức Bảo tồn động thực vật quốc tế (FFI) phối hợp cùng Sở NN-PTNT tỉnh Kon Tum, tổ chức Hội thảo “Bảo tồn đa dạng sinh học gắn liền với phát triển sinh kế bền vững”.
 
Loài chà vá chân xám được phát hiện tại rừng Kon Plông.
Ảnh: FFI
Hội thảo có sự tham gia của đại diện Vụ Quản lý rừng đặc dụng và phòng hộ, Viện điều tra quy hoạch rừng, các Trung tâm, Viện nghiên cứu, đại diện các khu bảo tồn, Vườn quốc gia trong khu vực Tây Nguyên, các tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn.
Tại hội thảo, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum thông tin, Kon Plông là huyện vùng cao của tỉnh Kon Tum với hơn 85% dân số là đồng bào các dân tộc thiểu số, nằm trong nhóm các huyện nghèo của cả nước. Vùng rừng tại huyện Kon Plông có độ che phủ vào khoảng 83% diện tích tự nhiên, xếp vào nhóm những khu vực có độ che phủ rừng tự nhiên cao nhất trên toàn quốc.
Theo Tổ chức FFI, rừng Kon Plông có giá trị đa dạng sinh học vô cùng lớn với nhiều loài động vật quý hiếm bao gồm: quần thể khoảng 500 cá thể loài chà vá chân xám hiện được xếp hạng cực kỳ nguy cấp trong danh lục đỏ thế giới (IUCN); ít nhất 100 cá thể loài vượn đen má vàng Trung bộ cùng nhiều loài động vật quý hiếm, nguy cấp khác như và cầy vằn, cu li nhỏ, gấu ngựa, rái, cùng các loài chim đặc hữu của Việt Nam và khu vực như khướu kon ka kinh...
Nhiều loài động vật quý hiếm, nguy cấp tại rừng Kon Plông cần được bảo tồn.
Ảnh: FFI
Theo đánh giá của FFI, vùng rừng Kon Plông xứng đáng được xem là một trong những khu rừng có giá trị bảo tồn lớn nhất của Việt Nam.

Phá rừng làm ảnh hưởng đến các loài động vật hoang dã

Tuy nhiên, sinh cảnh sống của các loài động vật hoang dã tại Kon Plông ngày càng bị phân mảnh, suy giảm chất lượng do tình trạng khai thác gỗ trái phép, phá rừng làm nương rẫy và các hoạt động xây dựng khác vẫn còn tiếp diễn. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng săn bắt và buôn bán động vật hoang dã, trở thành mối đe dọa lớn nhất cho đa dạng sinh học ở Kon Plông.
Hội nghị đặt ra vấn đề, cần bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển sinh kế bền vững là hướng đi tất yếu để người dân nơi đây có cuộc sống ổn định. Phát triển đời sống mà vẫn giữ được khu rừng nguyên sinh quý giá còn lại của Việt Nam, chỉ khi cuộc sống người dân địa phương được đảm bảo và bền vững.
Tại hội nghị, ông Josh Kempinski, Giám đốc quốc gia, FFI tại Việt Nam cho biết sinh cảnh sống của các loài động vật hoang dã tại Kon Plông ngày càng bị phân mảnh, suy giảm chất lượng do tình trạng khai thác gỗ trái phép, phá rừng làm nương rẫy và các hoạt động xây dựng khác vẫn còn tiếp diễn. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng săn bắt và buôn bán động vật hoang dã, trở thành mối đe dọa lớn nhất cho đa dạng sinh học ở Kon Plông.
Ông Josh Kempinski, Giám đốc quốc gia, FFI tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo.
Ảnh: ĐỨC NHẬT

Cũng theo ông Josh Kempinski, việc bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển sinh kế bền vững là hướng đi tất yếu để người dân nơi đây có cuộc sống ổn định, phát triển mà vẫn giữ được khu rừng nguyên sinh quý giá còn lại của Việt Nam. Chỉ khi cuộc sống người dân địa phương được đảm bảo và bền vững, các hoạt động bảo tồn mới đạt được hiệu quả cao nhất, đem lại nguồn lợi cho người dân cũng như đa dạng sinh học nói chung. Ngoài ra, việc thành lập rừng đặc dụng để bảo tồn các loài nguy cấp, quý hiếm và đa dạng sinh học ở Kon Plông là rất cần thiết. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.