Rừng hóa đá bên núi Chư A Thai

22/06/2019 05:30 GMT+7

Do hoạt động địa chất, dưới chân núi Chư A Thai (H.Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) hàng trăm triệu năm trước, những cánh rừng nguyên sinh bị vùi xuống bùn đất rồi hóa thành đá.

Đến nay, sau khi được phát hiện, loại khoáng sản này đang bị người dân khai thác đến cùng kiệt.

Ra vườn thấy gỗ hóa thạch

Gỗ hóa thạch ở Chư A Thai có niên đại từ 120 - 125 triệu năm trước. Trước đây, Chư A Thai là một rừng nguyên sinh. Trong quá trình hoạt động địa chất, cả cánh rừng bị nhấn chìm trong bùn đất. Sau đó những phần hữu cơ của gỗ bị phân hủy. Lúc này những khoáng chất, silic bắt đầu chảy vào thay thế phần hữu cơ trong thân cây. Sau hàng trăm triệu năm gỗ hóa thạch được hình thành.
Giáo sư Trịnh Dánh (nguyên Giám đốc Viện Bảo tàng địa chất)
Cách TP.Pleiku hơn 70 km về hướng đông nam, xã Chư A Thai (H.Phú Thiện) nằm nép mình bên núi Chư A Thai lởm chởm đá. Đây là nơi duy nhất ở Gia Lai tìm thấy gỗ hóa thạch.
Gỗ hóa thạch hay còn gọi là gỗ hóa đá, gỗ đá. Chúng là những cây gỗ tự nhiên từ hàng trăm triệu năm trước bị chôn vùi trong bùn đất. Sau đó, những khoáng chất trong lòng đất đã tôi luyện chúng thành đá. Trải qua hàng triệu năm với các hoạt động địa chất, lớp vỏ trái đất bị phong hóa, bào mòn khiến những cây gỗ hóa thạch bắt đầu trồi lên mặt đất và được con người tìm thấy.
Theo những người chơi đá giới thiệu, chúng tôi tìm về làng Dlâm (xã Chư A Thai), nơi có nhiều người đi đào gỗ hóa thạch nhất. Nhiều năm trước, khi người dân làng Dlâm làm nương, họ phát hiện ra những cục đá có hình dạng như thân gỗ, có màu xanh như ngọc, nên đào mang về nhà trưng cho đẹp. Lời đồn về khu rừng hóa đá, hóa ngọc cứ thế được truyền tai nhau xa mãi. Biết tin, nhiều dân chơi đá liền tìm tới. Họ mua lại những cục đá, hòn ngọc như vậy với giá cao để về làm cảnh.
Có những cây đá được bán với giá vài trăm triệu, có gốc được hét giá lên đến cả tỉ đồng tùy theo màu sắc và các thớ vân gỗ. Cũng từ đây, những ngôi làng ngay dưới chân núi Chư A Thai bắt đầu một nghề mới, nghề săn gỗ đá.
Ông Nguyễn Tiến Thành (51 tuổi, ngụ làng Dlâm) cho biết nghề đào gỗ hóa thạch của người dân ở đây rộ lên từ hơn 20 năm trước. Ngày ấy người dân chỉ cần ra vườn là thấy những tảng đá giống thân cây. Có người đào móng xây nhà cũng tìm thấy gỗ đá. Khi biết thứ đá này có giá trị, nhiều thương lái kéo đến thu mua rầm rộ.
Cây gỗ hóa thạch được anh Sơn rao giá 250 triệu đồng Ảnh: Đức Nhật
“Hồi đấy họ mua theo từng thân gỗ lớn. Giá cao nhất là gỗ hóa ngọc. Những thân cây càng lớn, vân càng đẹp thì càng có giá trị. Những loại nhỏ thì thương lái mua xô, mỗi ký như vậy có giá dao động từ 3.000 - 5.000 đồng. Có người chỉ bán một thân cây với giá cả tỉ bạc rồi đổi đời. Cũng có người bán cả ruộng vườn để đi tìm gỗ đá, sau khi đổi đời họ liền rời đi nơi khác. Người dân địa phương và các tỉnh lân cận nghe tiếng cũng tìm về đào bới, lùng sục. Đến giờ, ở cái núi Chư A Thai này gỗ hóa thạch đã hiếm lắm rồi. May lắm thì còn những khúc gỗ nằm sâu dưới lòng đất”, ông Thành nhìn lên ngọn núi lở lói, tâm sự.

Xới tung cả ngọn núi

“Khi mùa mưa đến, những lớp đất mặt trên núi bị cuốn trôi, dấu vết gỗ hóa thạch bắt đầu lộ ra, người dân liền rủ nhau lên núi. Họ đi từng nhóm, cơm đùm gạo bới, dựng lán ở cả tháng trên núi. Khi nào đào được những cây gỗ lớn họ mới gọi xe lên kéo về”, ông Nguyễn Văn Chỉnh (71 tuổi, ngụ làng Dlâm) nhớ lại khung cảnh của hàng chục năm trước.
Theo ông Chỉnh, cái nghề tìm gỗ hóa thạch này cũng “hên xui” thôi. Có khi cả tuần đào tìm không thấy nhưng nếu gặp may thì mỗi hố cũng kiếm được vài tạ đá. Còn như tìm được những khối còn nguyên dạng cây hoặc gốc rễ thì trúng đậm. Những năm ấy, thấy người dân thi nhau đi đào đá, ông Chỉnh cũng vài lần vác xà beng lên núi tìm vận may. Nhưng sau nhiều ngày đào bới chẳng kiếm được khúc gỗ nào ông đành trở về tay trắng.
Một thân cây nguyên vẹn hóa thạch được bày bán với giá 300 triệu đồng
Ông Chỉnh bảo rằng cách đây 5 năm, có người đàn ông tên Dũng không biết từ đâu đến lùng đá. Lúc phát hiện cây đá lớn, ông này phải thuê người lên núi đào cả tháng mới xong. Đến khi đem đá về nghe đâu bán được gần tỉ bạc. Thỉnh thoảng có vài nhóm cũng kiếm được những khối đá lớn có giá trị đến vài trăm triệu đồng, rồi xây nhà mua xe.
“Giới đi săn đá thường mang theo cuốc và xà beng, khi phát hiện những mảnh vụn của hóa thạch to bằng ngón tay, họ cứ lần theo dấu vết đó để tìm đào. Họ đào lở cả núi. Đôi khi họ đào những hố sâu đến 20 m. 4 năm trước có người lên núi tìm đá. Lúc đào sâu vào bất ngờ khối đá đổ sập chôn luôn cả người trên núi. Có những nhóm đào được những khối đá lớn, khi mang về thì bị chính quyền địa phương đến lập biên bản, thu giữ tang vật, vậy là thành công cốc. Sau này, giới săn đá thường lén lút lên núi chứ không rầm rộ như trước nữa” ông Chỉnh kể.
Sau hơn 20 năm bị khai thác ồ ạt, đến nay gỗ hóa thạch ở núi Chư A Thai gần như cạn kiệt. Nhưng cách đó vài ki lô mét trên quốc lộ 25, nhan nhản những cửa hàng bán gỗ hóa thạch. Những khối gỗ hóa thạch nhỏ từ 1 - 3 kg có giá từ 500.000 đến vài triệu đồng. Những khối trung bình nặng vài tạ có giá đến vài trăm triệu đồng. Cũng có những cây đá lớn, hóa ngọc được hét với giá cả tỉ đồng.
Anh Sơn, chủ tiệm chuyên buôn bán, chế tác gỗ hóa thạch ở xã Chư A Thai, cho hay hiện tiệm của anh thu mua tất cả các loại gỗ hóa thạch rồi chế tác và bán lại với giá cao. Trong tiệm của anh còn lưu giữ một gốc cây hóa thạch đường kính 0,6 m, cao 1,5 m. Cây đá này được anh Sơn rao bán với giá 250 triệu đồng.

Rừng triệu năm chảy máu

Ông Phùng Chung Toàn, Chủ tịch UBND xã Chư A Thai, nhớ lại: Khoảng những năm 1998, khi người dân phát hiện ra gỗ hóa thạch cũng là lúc nghề săn đá phát triển. Lúc bấy giờ ông Toàn mới học cấp ba. Những buổi đi học về ngang qua núi Chư A Thai, ông Toàn bắt gặp cảnh hàng chục người mang lỉnh kỉnh vật dụng, nhu yếu phẩm lên núi tìm đá.
“Lúc bấy giờ trung tâm huyện thì ở xa không quản lý được việc người dân khai thác đá. Và có thể cũng chưa có một nghiên cứu nào liên quan đến gỗ hóa thạch nên những khoáng sản quý hiếm này cứ bị người dân lên đào đem về bán. Rộ nhất là những năm 2005 - 2006. Bây giờ gỗ hóa thạch lộ thiên gần như không còn nữa”, ông Toàn nói và cho biết vì đây là khoáng sản quý hiếm cần được bảo vệ, nên địa phương đang duy trì lệnh nghiêm cấm, đồng thời cho cán bộ liên tục tuần tra các khu vực gần chân núi Chư A Thai.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền, nghiêm cấm và xử lý nhiều trường hợp khai thác gỗ hóa thạch. Tuy nhiên, trong hơn 20 năm qua nguồn tài nguyên này đã bị khai thác đến cạn kiệt. Ngoài ra, ông Toàn cũng cảnh báo, vì gỗ hóa thạch ở Chư A Thai đã có tiếng nên có nhiều người đem gỗ hóa thạch ở nơi khác trà trộn để bán được giá cao.
Giáo sư Trịnh Dánh, nguyên Giám đốc Viện Bảo tàng địa chất, cho biết: “Chúng tôi đã kiến nghị rất nhiều lần về việc bảo vệ gỗ hóa thạch. Khi còn chưa nghỉ hưu, tôi có làm đề án bảo vệ các di sản địa chất, trong đó có gỗ hóa thạch của Chư A Thai. Tôi đã kiến nghị các ngành chức năng cần phải bảo vệ, giữ nguyên trạng núi Chư A Thai để làm bảo tàng thiên nhiên. Số gỗ hóa thạch từ xưa đã nằm như thế nào thì bây giờ phải giữ nguyên như thế. Sau này có thể biến ngọn núi này thành công viên phục vụ du lịch, tham quan. Thế nhưng nguồn gỗ hóa thạch trên núi Chư A Thai bây giờ đã bị khai thác đến cùng kiệt”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.