Rừng cao su bí ẩn

Trương Quang Nam
Trương Quang Nam
12/02/2019 09:51 GMT+7

Ít ai biết, nơi thâm sơn cùng cốc giữa dãy Trường Sơn, bốn bề là núi đá vôi sừng sững thuộc bản Nà Lâm, xã Trường Xuân, H.Quảng Ninh, Quảng Bình lại có một rừng cao su ngút ngàn lên đến 200 ha.

Bỏ phố thị vào rừng sâu

Ở rừng và lăn lộn nhiều quá đến nỗi giờ bà Dần hao hao giống phụ nữ đồng bào hơn là một người Kinh. Niềm tin để bà Dần bám trụ đó là trồng rừng như làm phúc, tạo nhân tạo quả
 
Có thể nói, gần 10 năm mai danh ẩn tích, đến nay vợ chồng ông bà Nguyễn Văn Hồng và Ngô Thị Bích Dần mới bắt đầu hé lộ về rừng cao su của mình. Và phải mất đúng 1 năm trời với nhiều lần ngỏ lời, tôi mới được ông Hồng đồng ý cho tiếp cận rừng cao su ấy. Đến lúc trà dư tửu hậu, ông mới cười nhẹ nhàng bảo, không phải không muốn cho tôi lên mà vì đường đi quá khó khăn và cũng muốn đợi đến lúc cây lớn.
Đường khó đi đến nỗi, ông hẹn tôi buổi chiều xuất phát thì buổi sáng ông phải cho xe đi dò đường trước; khi xe tiền trạm trở ra an toàn xe chúng tôi mới lên đường. Từ đường Hồ Chí Minh vào đến nơi khoảng 19 km thì có đến một nửa trèo đèo lội suối trơn trượt. Con xe bán tải thường xuyên phải gài cầu 2 để bò. Nhưng như vậy là đã ngon lành so với thời điểm cách đây gần 10 năm. Lúc đó còn không có đường, đoạn đầu từ đường Hồ Chí Minh nối vào chưa được rải nhựa, đoạn cuối chỉ là lối mòn đất đá trơn trượt đèo dốc. Vì thế, trước vợ chồng ông Hồng đã có 5 đơn vị vào khảo sát để trồng nhưng rồi ai cũng rút lui bởi trở ngại đường sá. Đến khi ông Hồng vào, mọi chuyện xoay chiều bởi ở ông có sự chịu đựng, kiên trì và còn là tâm huyết mở mang, xây dựng quê hương Quảng Ninh của ông.
Ông Nguyễn Văn Hồng đã nở nụ cười tươi sau nhiều năm gầy dựng
Không có đường thì ông mở đường, ông huy động máy móc và nhân lực của công ty xây dựng của mình tập trung mở gần 10 cây số đường với kinh phí hơn 10 tỉ đồng. Vì thế bà con dân tộc Vân Kiều trong vùng thường gọi là đường ông Hồng. Từ khi có đường ông Hồng, việc đi lại học hành của người dân bản xa nhất xã được thuận lợi vô cùng.
Lúc đầu, bà Dần không hay biết việc chồng chọn đầu tư cây cao su ở Nà Lâm; bà chỉ nghe nói công ty làm đường trên đó. Sau năm lần bảy lượt thắc mắc, bà quyết tâm lên công trường thăm anh em. Khi đó mới vỡ lẽ ông làm đường để trồng cao su. Và chuyến đi đó thực sự nhớ đời đối với bà Dần; giờ nghĩ lại bà còn rùng mình. Bà bảo cho bao tiền cũng không dám liều như thế nữa. Chuyện là trên đường phải vượt qua 6 con suối, thương anh em, bà nán lại nấu cơm cho mọi người. Xong xuôi trời vừa chập tối, bà một mình đi bộ trở ngược ra thì gặp mưa rừng, nước về xối xả. Vượt được 2 con suối đầu, càng đi ra nước càng to, quay vào lại cũng không được nên bà nín thở tiếp tục lội qua suối thứ 3 khi nước ngang ngực. Đến các con suối tiếp theo thì phải bơi trong đêm tối, rồi bị cuốn trôi, may nhờ biết bơi và nghị lực phi thường mà bà thoát ra được bên ngoài.
Điều kỳ lạ ở chỗ, không hiểu trời xui đất khiến thế nào mà sau đó bà tiếp tục lao vào rừng bám trụ. Từ chỗ kinh tế ổn định, cuộc sống thảnh thơi nơi phố thị, ông bà bỏ vào rừng sâu khiến ai nấy ngạc nhiên. Đằng đẵng 10 năm trời không kể hết những gian truân mà vợ chồng ông bà trải qua. Thời gian đầu, gần như ngày nào bà Dần cũng phải theo xe ben ngược xuôi Đồng Hới - Nà Lâm để mua sắm vận chuyển lương thảo và vật liệu xây dựng lên làm đường, làm nhà. Xe phải đeo xích vào lốp mới chạy được, trên xe lúc nào cũng có cuốc xẻng để gặp lầy là bà và lái xe xuống gạt đường. Đến khi bắt tay làm đất trồng cao su cũng gặp muôn vàn khó khăn bởi trời mưa dầm dề, chi phí đưa được một thứ vào rừng cao gấp mấy lần giá trị thứ đó. Lúc ươm cây, nhân công lên đến 50 người, may mắn ai cũng hết lòng với ông bà.
Mỗi ngày trôi qua đối với bà Dần như một thước phim đặc tả quay chậm. Giữa rừng thăm thẳm, có những cái tết cổ truyền bà phải ở lại một mình. Bà chia sẻ: “Mỗi năm có ba ngày tết, anh em công nhân ai cũng có nhà cửa vợ con, mình phải tâm lý cho anh em về ăn tết cùng gia đình. Thế là tôi trực một mình nhưng cũng không dám nói với chồng con, bởi nói ra lại lo lắng lên tìm cách đưa tôi về. Khi nói với anh em thì mạnh miệng nhưng đêm hôm một mình nơi rừng sâu đúng là sợ rợn người. Anh Hồng bị cao huyết áp nên việc ở lại trong rừng gần như là điều không thể, lỡ có chuyện gì thì không tài nào trở tay kịp”.
Ở rừng và lăn lộn nhiều quá đến nỗi giờ bà Dần hao hao giống phụ nữ đồng bào hơn là một người Kinh. Niềm tin để bà Dần bám trụ đó là trồng rừng như làm phúc, tạo nhân tạo quả. Ngoài công sức thì ông bà đổ vào rừng số vốn không hề nhỏ, lên đến hàng chục tỉ đồng. Đặc thù của cây cao su là dài hơi, không cầm cự nổi ắt hụt hơi, phá sản. Trên diện tích đó cũng không thể trồng hay nuôi gì thêm theo phương châm lấy ngắn nuôi dài vì chi phí sản xuất quá lớn, làm là lỗ. Vậy nên không ít thời điểm ông bà rơi vào cảnh túng thiếu.

Hoa sẽ nở trên cát

Xe chúng tôi vượt qua hết các con dốc, tiếp tục luồn theo đường mòn rậm rịt cây lá và cỏ dại chỉ thấy 2 rãnh nhỏ chừng 10 phút thì đến nơi. Vườn cao su 200 ha được bao bọc bởi bốn bề núi cao đang vươn lên xanh tốt, khỏe mạnh mở toang ra trước mắt; càng đi sâu vào trong, cao su càng ngút ngàn từng hàng lối đều răm rắp. Quả thật, đi ngoài đường vào Nà Lâm chẳng ai có thể ngờ phía trong lại có vườn cao su “khủng” đến thế. Thung lũng cao su ấy kín gió nên không hề hấn gì qua các trận bão lũ lịch sử khiến hàng ngàn héc ta rừng trồng gãy đổ trên khắp đất Quảng Bình vào các năm 2010, 2013, 2016 và 2017 vừa qua.
Ông Hồng đùa mà thật, trừ mấy quả núi ra còn lại là đất của tôi. Hiện 50 ha đã khai thác được nhưng qua tìm hiểu và được tư vấn, ông bà quyết định để thêm vài tháng nhằm nâng cao sản lượng mủ. Ông bà cũng không khai thác theo cách cạo mủ truyền thống mà áp dụng công nghệ khoan lỗ, bơm khí của Thái Lan nhằm giảm áp lực nhân công và tăng sản lượng, chất lượng mủ.
Dọc đường về, ông Hồng cứ mãi trăn trở về cái nghèo của vùng đất này. Ông bảo, ngày trước chưa có đường, bà con Vân Kiều thiếu thốn đủ bề, không hề biết đến chiếc xe máy là gì, con cái không được học hành; nay đã thay đổi nhiều, tết lễ ông bà cũng tổ chức tất niên mời cả bản nhưng vẫn còn đó muôn vàn đói rét.
Kể về chông gai nhưng nụ cười và ánh mắt lạc quan luôn hiện hữu trên khuôn mặt ông Hồng bà Dần. Có lẽ vì thế, cùng với sự đồng lòng mà ông bà mới làm nên kỳ tích như vậy. Tôi tin, hoa sẽ nở trên cát, ánh sáng sẽ xuất hiện ở cuối cánh rừng; vùng đất ấy rồi sẽ có ngày đổi thay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.