Rủi ro phá vỡ các giới hạn nợ công đang rất cao

16/07/2016 09:28 GMT+7

Bộ Tài chính vừa xây dựng Đề án chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công , đảm bảo nền tài chính an toàn, bền vững.

Trong đó, bộ này cảnh báo mọi chỉ số nợ công đều đang tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ các giới hạn an toàn.
Cụ thể, quy mô nợ công đã tăng nhanh qua các năm từ 43% GDP năm 2006 lên 51,7% năm 2010 và 62,2% năm 2015. Nợ công theo đánh giá tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ các giới hạn nợ do các chỉ số đã tiệm cận các giới hạn quy định, trong khi các điều kiện kinh tế - xã hội biến động khó lường, nên rủi ro phá vỡ các giới hạn nợ cao. Ngay cả với điều kiện kinh tế tài chính hiện tại, việc duy trì đảm bảo các chỉ tiêu nợ trong giới hạn cũng là thách thức.
Bộ Tài chính đánh giá, hiệu quả quản lý huy động, sử dụng nợ công chưa cao vừa làm tăng nhu cầu vay nợ, vừa hạn chế khả năng tạo nguồn để trả nợ; đồng thời tiềm ẩn nguy cơ vượt các giới hạn nợ. Bên cạnh đó, nghĩa vụ nợ dự phòng lớn, gây áp lực đối với chi ngân sách nhà nước và khả năng chi trả. Đặc biệt, danh mục nợ nước ngoài với 3 loại tiền chủ đạo: USD, JPY, EUR chiếm tỷ lệ lần lượt là 44%, 32%, 17% có nguy cơ làm tăng chi phí trả nợ khi bị điều chỉnh tỷ giá.
Nguyên nhân nợ công do bội chi quá cao. Giai đoạn 2006 - 2010, bội chi ngân sách bình quân 5,5% GDP, năm 2011 4,4% GDP, đến năm 2012 lại tăng lên 5,4% GDP; năm 2013 đạt ngưỡng cao nhất 6,6% GDP, năm 2014 là 5,3% GDP, nhưng đến năm 2015 lên 6,11% GDP, không hoàn thành mục tiêu Quốc hội giao.
Bội chi cao, cân đối ngân sách khó khăn nên trong điều hành, Chính phủ phải vay đảo nợ, như năm 2013 là 46.980 tỉ đồng, năm 2014 khoảng 77.000 tỉ đồng, năm 2015 là 125.000 tỉ đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.