Ra tù, chém bạn gái 20 nhát dao vì ghen tuông

18/04/2016 10:37 GMT+7

Chỉ sau đúng 17 ngày rời trại giam, Đoàn nghi ngờ M. không còn tình cảm với mình nên chặn đường, rút dao đâm 20 nhát vào mặt, vào người bạn gái.

Chỉ sau đúng 17 ngày rời trại giam, Đoàn nghi ngờ M. không còn tình cảm với mình nên chặn đường, rút dao đâm 20 nhát vào mặt, vào người bạn gái.

Bị cáo Nguyễn Văn Đoàn tại phiên tòa sơ thẩm - Ảnh: Hà AnBị cáo Nguyễn Văn Đoàn tại phiên tòa sơ thẩm - Ảnh: Hà An
Nguyễn Văn Đoàn (30 tuổi, quê ở huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang) có tình cảm với M. từ nhiều năm trước, khi M. đang học phổ thông. Ban đầu thấy Đoàn hiền lành nên gia đình M. không ngăn cản, thỉnh thoảng để con gái đi chơi với anh ta. Năm 2013, trong một lần xô xát với người anh con bác ruột, Đoàn đã gây thương tích cho nạn nhân và phải chịu án tù 2 năm về tội “Cố ý gây thương tích”. Thời gian Đoàn thụ án tận Thanh Hóa, M. đôi lần vào thăm người yêu và dặn dò anh ta gắng cải tạo tốt để sớm về với gia đình, xã hội, làm lại từ đầu.
Ngày 8.8.2015, Đoàn ra tù, M. không vui cũng không buồn, song tình cảm của cô có phần phai nhạt. Thấy tình cảm của cô bạn gái 21 tuổi không sâu sắc như trước, Đoàn ghen tuông, tìm cách sát hại M., rồi định tự tử. Đoàn tìm hiểu và nắm rõ quy luật đi làm của M. từ H.Hiệp Hòa (Bắc Giang) sang tỉnh Thái Nguyên sẽ đi qua đoạn đường vắng thuộc H.Sóc Sơn (Hà Nội) để ra tay.
Sáng 25.8.2015 (chỉ 17 ngày sau khi ra tù), Đoàn chạy xe máy theo M. đến khu vực xã Trung Giã, H.Sóc Sơn và ép người yêu đứng lại nói chuyện. Anh ta đòi M. đưa chiếc điện thoại để kiểm tra nhưng cô gái không đồng ý. Tức tối, Đoàn rút dao nhọn mang theo, ngồi đè lên người M. rồi đâm nhiều nhát vào vùng mặt nạn nhân. Lúc đó, người thanh niên đi cùng M. chứng kiến sự việc, liền can ngăn nên cô gái vùng dậy bỏ chạy. Đoàn tiếp tục truy đuổi M., ngay cả khi cô gái chạy vào nhà một người dân lánh nạn, anh ta vẫn tiếp tục đâm nhiều nhát lên người M. Gây án xong, Đoàn tự đâm dao vào bụng mình và bị người dân bắt giữ, giao nộp cho công an H.Sóc Sơn. M. được đưa đi cấp cứu kịp thời nên thoát chết nhưng bị thương tổn 47% sức khoẻ với 20 nhát dao trên người.
Mặc dù Đoàn ra tay tàn ác với mình, song trước tòa, M. vẫn “bênh vực” cho kẻ thủ ác - Ảnh minh họa: Shutterstock
Ngày 17.3, Đoàn bị đưa ra xét xử sơ thẩm tại TAND Hà Nội với tội danh “Giết người”. M. cũng có mặt nhưng sức khoẻ yếu. Cô bước tập tễnh vì chân phải gần như bị liệt sau thời gian dài điều trị các vết thương. Bố mẹ M. đi theo con gái để M. dựa mỗi lúc mệt. Tại phòng xử, bất ngờ M. bắt gặp ánh mắt của Đoàn khi hắn nhìn xuống, rồi mỉm cười, khiến cô hoảng sợ. Người mẹ ngồi bên cạnh M. cầm tay cô, an ủi bình tĩnh. Trước tòa, Đoàn thừa nhận tội ác, song cho rằng không có ý định sát hại người yêu. Gã bảo, nếu không có gì thay đổi, khoảng 2 tháng sau (tính sau thời điểm gây án) sẽ nói với bố mẹ sang nhà hỏi cưới M.
Trước Hội đồng xét xử, M. trình bày có tình cảm thật với bị cáo, nhưng từ ngày ra tù, Đoàn trở nên khác lạ, hay ghen tuông vô cớ, khiến hai bên rạn nứt tình cảm. Mặc dù Đoàn ra tay tàn ác với mình, song trước toà, M. vẫn “bênh vực” cho kẻ thủ ác. Có lúc cô gần như “gỡ tội’ cho hắn, khi khai rằng, “chúng tôi giằng co, Đoàn đâm nhẹ vào người và tôi chỉ biết giơ tay chắn những nhát dao đó”.
Chủ tọa cắt ngang trình bày của M. và cho rằng, việc đâm nhẹ không thể tạo ra những vết thương sâu, trong đó có nhát đâm gần trúng tim. “Bị hại may mắn thoát chết là nằm ngoài mong muốn của bị cáo”, chủ tọa nói. Lúc đó, M. mới bật khóc.
M. tiếp tục trình bày trước tòa, quá trình cô điều trị, bố mẹ bị cáo là người bỏ cả công sức lẫn tiền bạc chung tay với gia đình mình. Vì vậy, M. muốn đề nghị tòa xem xét giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự cho bị cáo. Nghe xong trình bày của M., Đoàn quay sang “hứa” sẽ chăm sóc cô trọn đời nếu sau này ra tù, nhưng M. hoảng hốt đề nghị tòa không muốn được Đoàn chăm nom. Bố M. cũng thể hiện quan điểm rõ ràng: “Sau này Đoàn ra tù, đường ai nấy đi, không còn liên quan”.
Kết thúc phiên sơ thẩm, tòa tuyên phạt Nguyễn Văn Đoàn tù chung thân tội “Giết người”, mức cao hơn đề nghị của cơ quan công tố (từ 12 - 14 năm).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.