'Ra ngõ gặp anh hùng', chuyện có đâu xa

22/12/2017 10:25 GMT+7

Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, từng có một câu nói rất quen thuộc cửa miệng của người dân: "Ra ngõ gặp anh hùng". Niềm tự hào ấy gắn liền với lịch sử chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Với tôi, câu nói đó thật đúng tại chính nơi tôi ở!

tin liên quan

Câu chuyện 11 cô gái sông Hương anh hùng
Trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân năm 1968, Tiểu đội 11 cô gái sông Hương (Huế) đã trở thành một biểu tượng của sức mạnh quật khởi, kiên cường.
Đầu con ngõ nhỏ nhà tôi (phố Nguyễn Ngọc Nại, Hà Nội) có đến 2 vị cựu chiến binh (CCB) là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVT). Họ ở cạnh nhà nhau. Các ông cùng cùng sinh năm 1950, cùng nhập ngũ khi họ mới 17 tuổi cùng là thương binh, cùng là đại biểu Quốc hội, có thời gian cùng tham gia lãnh đạo trong Bộ Tư lệnh Quân khu 1 và cùng mang hàm trung tướng. Nay họ cùng sinh hoạt trong chi hội CCB với tôi.
Từ liên lạc viên lên thẳng trung đội trưởng
Trung tướng Anh hùng LLVT Nguyễn Như Hoạt có lẽ là một nhân vật anh hùng rất đặc biệt trong chiến tranh chống Mỹ.
Quê ở Bắc Ninh, tháng 5.1968, ông là chiến sĩ liên lạc thuộc Đại đội 9, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320 và tham gia Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh. Trước tình hình nguy cấp, chỉ huy đơn vị thì không còn, một số đồng chí bị thương nặng không thể chiến đấu được, người chiến sĩ liên lạc Nguyễn Như Hoạt đã rút được một số kinh nghiệm và biết được phương án tác chiến của đơn vị. Ông đã tổ chức đưa các đồng chí bị thương nặng vào hầm, động viên các đồng chí bị thương nhẹ và các đồng đội còn lại, chuẩn bị súng đạn, củng cố hầm hố chuẩn bị chiến đấu tiếp. Đến ngày thứ năm, địch lại đổ quân một đợt quân nữa. Nắm chắc thời cơ, trung đoàn tổ chức lực lượng cơ động thành nhiều mũi tiến công vào đội hình đang đổ bộ của địch. Ông được tin tưởng giao chỉ huy đơn vị hình thành một mũi tiến công phối hợp với đơn vị bạn đánh quyết liệt. Sau hơn 1 giờ chiến đấu, ta đã tiêu diệt lực lượng đổ bộ đường không của địch, tiêu diệt hàng trăm tên địch, bắn trúng 12 xe tăng và xe bọc thép, bắn hạ 2 máy bay trực thăng đổ quân. Đơn vị ông cũng đã bảo vệ an toàn cho 15 đồng chí thương binh và đưa 9 liệt sĩ về phía sau. Tiểu đoàn cũng bị hy sinh trên 80 đồng chí, bị thương gần 140 cán bộ, chiến sĩ.
Trung tướng Nguyễn Như Hoạt
Trong cả đợt chiến đấu, bản thân ông đã hoàn thành nhiệm vụ liên lạc cho đơn vị và trực tiếp chiến đấu tiêu diệt 37 lính Mỹ. Khi chỉ huy bị hy sinh, ông đã đứng lên tiếp tục chỉ huy đơn vị, giữ vững trận địa và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao. Đại đội của ông và bản thân ông đã được Đảng, Nhà nước tuyên dương Anh hùng LLVT năm 1970. Hàng chục cán bộ chiến sĩ của đại đội ông đã chiến đấu dũng cảm được tưởng thưởng xứng đáng. Ông được đề bạt từ một người lính liên lạc lên thẳng chức trung đội trưởng.
Trận đánh vang dội này từng được Đài Tiếng nói Việt Nam ngày đó đưa tin: “Quân ta xuất trận như trên trời rơi xuống, như thiên thần trên sông Cửa Việt”.
Năm 1985, ông được cử đi học tại Học viện Quốc phòng và đến năm 1987 thì được bổ nhiệm sư đoàn trưởng Sư đoàn 3 Anh hùng (Sư đoàn Sao Vàng) . Sau đó, ông trở về quê nhà làm Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Bắc trên 4 năm. Năm 1998, ông được đề bạt làm phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân khu 1, được thăng hàm thiếu tướng (1998). Năm 2002 ông được bổ nhiệm làm Tư lệnh trưởng Quân khu Thủ đô và được thăng hàm trung tướng. Đến năm 2008, bằng kinh nghiệm trận mạc và kiến thức được đào tạo và tích luỹ, tiến sỹ Nguyễn Như Hoạt được giao trọng trách Giám đốc Học viện Quốc phòng và được phong hàm Phó giáo sư năm 2009 rồi về nghỉ hưu năm 2011 với rất nhiều huân huy chương cao quý như Huân chương Độc lập cùng Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công các hạng cũng như huy hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ...
Được phong Anh hùng LLVT khi 23 tuổi
Trung tướng Anh hùng LLVT Dương Công Sửu (dân tộc Tày, Lạng Sơn) là người lính đặc công trong số vô cùng ít những người lính có nhiều danh hiệu Dũng sỹ diệt bộ binh nhất quân đội Việt Nam. Có người cùng đơn vị ông năm xưa biết khá rõ về ông đã nói vui với tôi rằng, muốn chứa hết số huân, huy chương chiến công và danh hiệu khác của tướng Sửu, chắc phải dùng một chiếc vỏ hộp sữa loại 1 ký mà đựng thì mới hết.
Trung tướng Dương Công Sửu
Từ năm 1968 đến năm 1974, ông Dương Công Sửu chiến đấu ở chiến trường Nam Bộ. Trưởng thành từ chiến sĩ đặc công rồi lên cán bộ tiểu đoàn, Dương Công Sửu đã tham gia đánh 31 trận, trực tiếp diệt 149 tên địch, bắt 1 tên, phá hủy 4 xe tăng, 12 lô cốt, 12 nhà lính, thu 3 súng. Ông được Nhà nước tặng thưởng 12 huân chương, trong đó có 2 Huân chương Quân công các loại , 3 Huân chương Chiến công các loại cùng nhiều huân, huy chương khác và 15 huy hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, diệt xe cơ giới các loại...
Ông được phong danh hiệu Anh hùng LLVT năm 1973 khi mới 23 tuổi và đang giữ cương vị tiểu đoàn trưởng đặc công, Sư đoàn 7 bộ binh (xin nhớ rằng, tiêu chí tiêu diệt được nhiều địch cũng chưa đủ để xét phong Anh hùng mà đòi hỏi phải có hành động dũng cảm, mưu trí, sáng tạo và nhiều yếu tố khác nữa) .
Sau khi được tuyên dương Anh hùng LLVT, tháng 4.1974, ông được vinh dự tham gia đoàn đại biểu các đơn vị Anh hùng và Anh hùng, Chiến sĩ thi đua các lượng lượng vũ trang nhân dân giải phóng Miền Nam ra thăm Miền Bắc với mục đích báo cáo thành tích với các cơ quan, đoàn thể và Trung ương Đảng, Chính phủ. Đoàn đã vinh dự được đến thăm tập thể Bộ Chính trị và Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng...
Tiểu đoàn trưởng đặc công Dương Công Sửu (thứ 2 bên phải ảnh, đứng cạnh Chủ tịch Uỷ ban thường vụ Quốc hội Trường Chinh) trong đoàn đại biểu các đơn vị Anh hùng và Anh hùng, Chiến sỹ thi đua Quân Giải phóng Miền Nam ra thăm Hà Nội năm 1974.
Tôi hỏi ông rằng: "Em trông sức vóc anh thì như vậy (lúc trẻ ông chỉ nặng 45 kg), nhỏ thó (có lẽ ông chỉ cao tầm mét rưỡi) mà tại sao anh quật được đến vài chục lính Mỹ vốn cao to gấp đôi anh vậy ?"
Ông cười hồn nhiên rồi bảo tôi rằng, cũng chính từ hạn chế về chiều cao và cân nặng này, nó lại khiến cho người lính đặc công buộc phải có những cách đánh rất riêng, đó là phải mưu trí, tranh thủ đánh khi về đêm. Nếu không thì lính Mỹ chỉ cần một tay đủ nhấc bổng mình lên. Lính Mỹ rất ngán đặc công ta do có cách đánh đặc biệt, rất Việt Nam!
Chiến tranh kết thúc, ông Sửu được cử đi đào tạo tại các trường sĩ quan quân sự cũng như Học viện quân sự rồi về Bộ Tư lệnh Đặc công làm trung đoàn trưởng Trung đoàn 198. Trung đoàn này sau đó được điều lên biên giới phía Bắc, bàn giao cho Quân khu 1 để tham gia trực tiếp chiến đấu chống quân Trung Quốc xâm lược. Tiếp đó, từ năm 1986, ông về quê nhà Lạng Sơn công tác khi trung đoàn đặc công này chuyển về phía Nam. Tính cho đến năm 2000 ông đã có 10 năm giữ chức Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Tướng Sửu cũng từng có 10 năm giữ cương vị Phó Tư lệnh Quân khu 1 rồi nghỉ hưu (2011) .
Dân số của phường Khương Mai, quận Thanh Xuân hiện là 25.100 người. Thế nhưng Hội CCB phường tôi đã có gần 1.880 hội viên (21 chi hội). Trung tướng Hoạt với sự khiêm nhường đã bật mí cho biết: "Trong phường ta có gần 20 vị tướng và cũng có gần 20 cán bộ, chiến sỹ được phong Anh hùng LLVT . Nghe đâu, nếu nói đến số tướng lĩnh sống trên địa bàn một phường thì phường Khương Mai này chỉ kém có mỗi phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm , Hà Nội mà thôi. Vì thế, chuyện của tôi cũng bình thường như bao người lính khác". Chi hội chúng tôi tuy chỉ có 61 hội viên: ngoài 2 vị trung tướng, chi hội còn có 23 đại tá, 6 thượng tá và 7 thiếu, trung tá... Và đương nhiên, số các gia đình liệt sĩ, thương binh trong phường không thể ít.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.