Quyết liệt trấn áp lâm tặc

Hàng chục vụ lâm tặc tấn công lực lượng kiểm lâm, dư luận đặt câu hỏi: vậy các lực lượng chức năng địa phương đang ở đâu, xử lý thế nào?

Hàng chục vụ lâm tặc tấn công lực lượng kiểm lâm, dư luận đặt câu hỏi: vậy các lực lượng chức năng địa phương đang ở đâu, xử lý thế nào?

Các phương tiện xe máy lâm tặc bỏ lại trên đường để vào rừng Vườn quốc gia Bạch Mã khai thác gỗ trái phép - Ảnh: B.N.LCác phương tiện xe máy lâm tặc bỏ lại trên đường để vào rừng Vườn quốc gia Bạch Mã khai thác gỗ trái phép - Ảnh: B.N.L
Như Thanh Niên phản ánh tình trạng lâm tặc liên tiếp xâm nhập Vườn quốc gia (VQG) Bạch Mã và tấn công lực lượng kiểm lâm, chỉ từ tháng 10.2015 đến nay, đã xảy ra gần 20 vụ. Đại tá Lê Quốc Hùng, Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết hầu hết các vụ tấn công lực lượng kiểm lâm đều là các nhóm người ở địa phương. “Chúng tôi đang phối hợp với lực lượng kiểm lâm làm rõ, để xử lý”, ông Hùng nói.
Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh, cũng cho biết tỉnh đã chỉ đạo điều tra, xử lý quyết liệt. "Về phía lực lượng kiểm lâm, nếu trong tình hình cần thiết thì có thể đề xuất để lãnh đạo tỉnh chỉ đạo lực lượng liên ngành vào cuộc để phối hợp xử lý. Không thể để tình trạng lâm tặc lộng hành và hung hãn như vậy", ông Cao nói.
Đại tá Lê Khánh Hà, Trưởng công an H.Nam Đông, cho biết cơ quan công an huyện đang tiến hành điều tra, đã triệu tập lấy lời khai nhóm lâm tặc tấn công kiểm lâm Lê Anh Tuấn, Trạm kiểm lâm Hương Lộc hôm 2.3. Lực lượng kiểm lâm đã nhận diện được nhóm lâm tặc gồm: Vọng, Triển, Thỏ, Bản và Lăng (đều thường trú tại xã Hương Lộc, H.Nam Đồng), nhóm này chuyên khai thác gỗ rừng trái phép.
Ông Huỳnh Văn Kéo, Giám đốc VQG Bạch Mã, kiêm Hạt trưởng Hạt kiểm lâm VQG Bạch Mã, cho biết chiều 4.3, ban giám đốc và đại diện kiểm lâm VQG đã làm việc với lãnh đạo H.Nam Đông, chính quyền địa phương xã Hương Lộc và Công an H.Nam Đông để phối hợp xử lý vụ việc. Theo đó, phía VQG đã đề nghị khởi tố để xử lý hình sự nhóm lâm tặc đã tấn công kiểm lâm.
"Với hành vi côn đồ này cùng các tang chứng, vật chứng... là đã đủ cơ sở để khởi tố vụ án về tội chống người thi hành công vụ", ông Kéo nói. Theo ông Kéo, quy định sử dụng vũ khí đối với lực lượng kiểm lâm vô cùng ngặt nghèo nên khi bị lâm tặc tấn công thường rất yếu thế. “Trong cuộc họp nội bộ, anh em băn khoăn nhiều về vấn đề này. Bởi dù có súng, nhưng nếu bắn bị thương hoặc chết người cũng rất dễ bị kỷ luật, vì quy định không cụ thể, rõ ràng. Rất nhiều vụ kiểm lâm nổ súng đã bị xử lý, do vậy anh em rất sợ. Biết được điểm yếu này, nên lâm tặc rất liều lĩnh, có khi chúng tôi bắn chỉ thiên hàng chục phát đạn mà lâm tặc vẫn nhào tới”, ông Kéo chia sẻ.
Ông Nguyễn Hữu Thiện, Phó cục trưởng Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN-PTNT), cho rằng để tháo gỡ khó khăn về quy trình pháp lý trong quá trình thi hành công vụ cho lực lượng kiểm lâm khi sử dụng vũ khí, trong dự thảo luật Quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sẽ thay thế cho pháp lệnh hiện hành), Cục Kiểm lâm kiến nghị đưa vào luật về trường hợp cảnh báo trước khi nổ súng được thể hiện bằng mệnh lệnh qua lời nói hoặc bắn chỉ thiên.
Tháng 9.2015, TAND H.Phú Lộc (Thừa Thiên-Huế) xét xử 6 bị cáo cùng trú xã Lộc Hòa, H.Phú Lộc, cùng về tội “vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng”, trong vụ khai thác gỗ trái phép, bị kiểm lâm Bạch Mã bắt quả tang ngày 11.3.2015, tại tiểu khu 222 rừng đặc dụng VQG Bạch Mã, thuộc địa phận xã Xuân Lộc (H.Phú Lộc). Các bị cáo gồm: Trần Thỏa (49 tuổi) 6 tháng tù, Nguyễn Cường (35 tuổi) và Nguyễn Mạnh Cường (48 tuổi) cùng 5 tháng tù, Huỳnh Quang Anh (34 tuổi) 4 tháng tù, Nguyễn Văn Toán (30 tuổi) và Phạm Công (36 tuổi) cùng 3 tháng tù (án treo). Còn vụ đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra vào tối 15.9.2014 gây rúng động dư luận ở tiểu khu 56 khi tổ bảo vệ rừng của VQG Bạch Mã bị 4 lâm tặc cầm rựa tấn công, trói nạn nhân lên cây đánh vào đầu, ngực, xương sườn, dùng dao nhọn rạch mặt nạn nhân cho đến nay Công an H.Đông Giang (Quảng Nam) vẫn chưa truy tìm ra hung thủ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.