Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Quyết liệt hành động để tạo chuyển biến

Chí Hiếu
Chí Hiếu
01/01/2020 04:57 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng nhiều vấn đề nói đi, nói lại nhưng hành động để đem đến chuyển biến thì còn yếu, chậm, nên khâu hành động là một trong những điểm nghẽn phải khắc phục trong thời gian tới.

Sau 1 ngày rưỡi, hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương đã khép lại vào trưa 31.12.2019. Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa nhắc lại những kết quả “toàn diện, vượt mức, rất đáng mừng của năm 2019 khi chúng ta đã thực hiện tốt hơn, cao hơn năm 2018”, song cũng không quên điểm lại những việc còn yếu kém.

Văn hóa bị ô nhiễm cũng độc hại không kém môi trường không khí

Đầu tiên là câu chuyện nhức nhối về chi phí dịch vụ logistics của chúng ta còn đắt đỏ, khiến một quả xoài xuất khẩu thì chi phí logistics chiếm đến một nửa. “Chúng ta phải khắc phục khâu yếu này, không để tình trạng nói nhiều quá mà không hành động”, Thủ tướng thúc giục. Tương tự, đó là vấn đề cấp bách về thiếu điện trong những năm tới. Theo người đứng đầu Chính phủ, thực trạng này đã được cảnh báo rất nhiều nhưng chủ trương, biện pháp giải quyết vấn đề vẫn chưa rõ. Hay đó là phải xử lý dứt điểm lời hứa về thời hạn thu phí không dừng của ngành GTVT. “Chúng ta phải khắc phục nhanh những yếu kém, tồn tại, bất cập chứ không phải cứ nói lý thuyết mãi”, Thủ tướng nói.
Chúng ta nhấn mạnh nhiều về kinh tế là đúng bởi có thực mới vực được đạo. Nhưng cần quan tâm hơn đến môi trường sống, môi trường văn hóa và văn minh xã hội để cùng phát triển kinh tế mạnh mẽ. Môi trường văn hóa bị ô nhiễm cũng độc hại không kém môi trường không khí. Chúng ta không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế và cũng không đánh đổi môi trường, văn hóa và văn minh xã hội lấy kinh tế
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
Đặc biệt, Thủ tướng cũng bức xúc, đau lòng trước tình trạng văn hóa xuống cấp. “Chúng ta nhấn mạnh nhiều về kinh tế là đúng bởi có thực mới vực được đạo. Nhưng cần quan tâm hơn đến môi trường sống, môi trường văn hóa và văn minh xã hội để cùng phát triển kinh tế mạnh mẽ. Môi trường văn hóa bị ô nhiễm cũng độc hại không kém môi trường không khí. Chúng ta không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế và cũng không đánh đổi môi trường, văn hóa và văn minh xã hội lấy kinh tế”, Thủ tướng nhấn mạnh. Theo người đứng đầu Chính phủ, kinh tế phát triển nhưng đạo đức xã hội tốt đẹp, truyền thống bản sắc dân tộc phải được gìn giữ, hành vi ứng xử của mọi công dân phải văn minh và nhân văn. “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phải là môi trường tốt cho việc hình thành nên những doanh nhân có tinh thần dân tộc, biết tôn trọng cội nguồn, tuân thủ pháp luật, hòa ý chí của mình vào khát vọng dân tộc về một Việt Nam độc lập, tự cường”, Thủ tướng nói thêm.

Phải cụ thể, không nói chung chung

Về một số định hướng chỉ đạo, điều hành năm 2020, Thủ tướng khẳng định phải không ngừng đổi mới tư duy xây dựng, hoàn thiện và thực thi chính sách pháp luật, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo mọi thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. “Nhưng phải chỉ rõ điểm nào, trong văn bản nào, chính sách còn vướng mắc, kìm hãm sự phát triển chứ không nói chung là thể chế pháp luật tồn tại, bất cập”, Thủ tướng yêu cầu.
Cùng với đó, cần khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để tăng trưởng. Có cơ chế tạo đột phá, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, trên cơ sở thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thủ tướng cũng chỉ thị tăng cường kỷ luật, kỷ cương và nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh phân cấp gắn với đề cao trách nhiệm và kiểm soát quyền lực, nhất là đối với người đứng đầu và có chế tài xử lý nghiêm các vi phạm.
Về chuẩn bị cho Tết Nguyên đán, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành và các địa phương không để thiếu hàng hóa, nhất là thịt heo. Không để tình trạng đẩy giá, làm ảnh hưởng đến lạm phát quý 1/2020. Thủ tướng lưu ý các ngành, các cấp cần chăm lo đảm bảo mọi người, mọi nhà đều có tết, nhất là đối tượng chính sách, người nghèo, đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa thay vì “xe cộ ùn ùn tới các nhà lãnh đạo, mang quà cáp ra Hà Nội biếu tết”.
 

Chú trọng việc thu hồi tiền, tài sản vi phạm pháp luật sau thanh tra

Chiều 31.12.2019, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ cuối cùng của năm 2019, với nội dung chủ yếu là tập trung vào công tác xây dựng thể chế, pháp luật.
Tại phiên họp, Chính phủ nghe báo cáo tóm tắt về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Xử lý vi phạm hành chính; báo cáo kết quả lấy phiếu xin ý kiến thành viên Chính phủ về 3 đề nghị xây dựng luật và các nội dung liên quan gồm: đề nghị xây dựng dự án luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), đề nghị xây dựng dự án luật Phòng chống ma túy (sửa đổi), đề nghị xây dựng dự án luật Thanh tra (sửa đổi), đề nghị xây dựng Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 theo thủ tục rút gọn, về nhiệm vụ rà soát, khảo sát định mức kinh tế kỹ thuật làm căn cứ điều chỉnh giá dịch vụ y tế...
Đáng chú ý, đối với đề nghị xây dựng dự án luật Thanh tra (sửa đổi), Thủ tướng nhấn mạnh việc đổi mới hoạt động thanh tra theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, tránh chồng chéo; nâng cao trách nhiệm của đoàn thanh tra và chất lượng của kết luận thanh tra; đổi mới cơ chế giám sát hoạt động của đoàn thanh tra; ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi tiêu cực trong hoạt động thanh tra, tránh lạm quyền gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân được thanh tra; bảo đảm hiệu lực thực hiện các kết luận thanh tra; chú trọng việc thu hồi tiền, tài sản vi phạm pháp luật; phân biệt rõ tổ chức và hoạt động của cơ quan thanh tra nhà nước với tổ chức và hoạt động giám sát của nhân dân.
Về đề nghị xây dựng luật Phòng chống ma túy, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an tiếp thu ý kiến, hoàn thiện hồ sơ theo quy định, gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp, trình bổ sung vào chương trình xây dựng luật năm 2020. 

Đã có quy chuẩn về condotel

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết bộ này vừa ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chung cư, trong đó có quy chuẩn, tiêu chuẩn về condotel, theo yêu cầu của Thủ tướng tại Chỉ thị 11.
Cụ thể, trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chung cư quy định rõ chỉ tiêu dân số, quy hoạch, bố trí mặt bằng, cũng như tính toán cụ thể cho căn hộ officetel, condotel như quy định condotel và căn hộ văn phòng (officetel) có diện tích tối thiểu 25 m2. Ngoài ra, căn hộ văn phòng cũng thêm quy định diện tích làm việc tối thiểu 9 m2 và không bố trí bếp trong officetel. Cùng với đó, thông tư về quản lý vận hành nhà chung cư cũng đã được ban hành.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.