Quyền được ra giá

05/04/2012 08:12 GMT+7

Trước nay người ta vẫn thường nói, nông dân không có quyền quyết định giá bán sản phẩm hàng hóa của họ. Thậm chí ngay cả quyền ra giá hay định giá cho sản phẩm của mình họ cũng không có. Giá bao nhiêu, lên xuống, cao thấp thế nào đều do người khác định đoạt; không như thông lệ xưa nay là người bán được quyền ra giá. Đây có lẽ là điều nghịch lý nhất trong thương mại hiện đại ngày nay.

Thường thì sau khi thu hoạch hoặc phơi, sấy xong thì nông dân kêu thương lái đến coi lúa. Tùy theo chất lượng hạt lúa mà họ định giá thu mua. Nếu thấy được giá thì bà con bán hoặc kỳ kèo thêm chút đỉnh, không thì lại phải đi gọi mối khác. Có lẽ chính vì nghịch lý đó mà cuối năm 2009, Chính phủ mới phải tiếp tay người trồng lúa bằng Nghị quyết 63. Một trong những nội dung của nghị quyết nêu rõ đảm bảo người sản xuất lúa gạo có lãi trên 30% so với giá thành sản xuất. Như vậy, rõ ràng với nghị quyết này, Chính phủ đã phần nào giúp nông dân định giá thành sản phẩm của mình.

Ấy vậy mà nông dân vẫn chưa thể dứt ra khỏi  nỗi khổ, sự vô lý ấy. Lúc này lại nảy sinh một sự trớ trêu khác là việc định giá thành sản xuất. Giá thành thì mỗi địa phương, mùa vụ, giống lúa, mỗi nông dân lại khác nhau tùy theo kỹ thuật, thời tiết, giá cả vật tư nông nghiệp… nói chung là có rất nhiều thứ. Ấy vậy mà chẳng có ai đứng ra tính hộ cho nông dân. Thế nên một lần nữa mấy ông thương lái, doanh nghiệp hay nói đúng hơn là Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) lại phải gánh vác trọng trách ấy. Do không có chuyên môn trong quy trình sản xuất nên VFA thường phải ước tính giá thành sản xuất để định ra giá thu mua lúa cho nông dân. Vậy là cái quyền lẽ ra phải có mới được cấp, phát lại bị người ta khéo léo trưng dụng.

Trả lời báo chí, ông Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết, giá thành sản xuất vụ đông xuân của địa phương dao động từ 3.800 - 4.250 đồng/kg. Trong khi đó giá lúa chỉ ở mức 5.000 - 5.200 đồng/kg đối với IR 50404. Như vậy, giữa giá thành sản xuất và giá lúa trên thị trường chỉ chênh nhau khoảng 20%. Để bù vào khoản lỗ 10% so với nghị quyết thì nông dân chỉ còn cách tiếp tục ra đồng làm vụ mới và cầu trời cho trúng mùa để tăng sản lượng và giảm chi phí.

Bảo Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.