Quy định chia sẻ rủi ro ‘bản chất là chuyển đấu thầu thành chỉ định thầu’

Vũ Hân
Vũ Hân
19/11/2019 11:48 GMT+7

Quy định cơ chế chia sẻ rủi ro như dự thảo luật PPP “bản chất là chuyển công trình đấu thầu thành chỉ định thầu và tạo lỗ hổng cho các nhà đầu tư bỏ giá thấp để trúng thầu”, theo đại biểu Hoàng Quang Hàm.

Dự thảo luật “không bằng các quy định dưới luật đang có”

Sáng 19.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án luật Đầu tư theo hình thức đối tác công -tư (PPP), một dự án luật sẽ có ý nghĩa rất lớn với tăng trưởng của Việt Nam trong những năm tới, trong bối cảnh nguồn lực công không đủ để áp ứng nhu cầu đầu tư hạ tầng.
Vậy, có thu hút được nguồn vốn tư không, thu hút được nguồn vốn tư với chất lượng thế nào... là câu hỏi dự án luật này sẽ phải trả lời.
Tuy nhiên, góp ý về dự thảo, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ), Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, lại cho rằng quy định như dự thảo Luật vẫn quá chung chung, giao cho Chính phủ quy định rõ quá nhiều điều và “nhìn nhận thẳng thắn là không bằng các quy định dưới luật đang có”.
Đại biểu Hàm chỉ ra thực tế, thời gian qua, các dự án PPP đã huy động hơn 1,6 triệu tỉ đồng, đóng góp lớn cho phát triển của đất nước; nhưng có biểu hiện lợi bất cập hại, khi nhiều dự án BOT giao thông khiến người dân bức xúc, có dự án phải dừng thu phí chưa biết bao giờ thực hiện thu, trong khi phát sinh thêm tiền lãi rất lớn, mà sau này người dân cũng phải trả qua tiền phí. Việc dừng thu phí phá vỡ phương án tài chính, gây hệ lụy cho nhà đầu tư và các tổ chức tín dụng.
Nhiều dự án BT thanh toán bằng quĩ đất bất hợp lý, nhà đầu tư thu lợi quá lớn gây bức xúc trong xã hội, thiệt hại cho nhà nước…
Thực trạng này cho thấy chính sách về dự án PPP đang có vấn đề. Do đó, đại biểu Hàm thống nhất việc phải ban hành luật với điều kiện “luật phải xuất phát từ bản chất của dự án PPP và thực tiễn của Việt Nam”.
Thực tiễn của Việt Nam ở đây chính là vấn đề thị trường chưa hoàn hảo, thể hiện ở việc ở nhiều quốc gia không bắt buộc phải định giá DN khi cổ phần hóa, vì giá sẽ do thị trường quyết định thông qua đấu thầu; nhưng ở Việt Nam mà làm như vậy sẽ có rủi ro thất thoát rất lớn.
Thực tế này yêu cầu luật phải xử lý được vấn đề mấu chốt là “nhà nước phải kiểm soát được giá tối đa trả cho nhà đầu tư" và "kiểm soát được chất lượng công trình tương xứng với số tiền nhà đầu tư được hưởng”.
Tuy vậy, trái với yêu cầu, đại biểu cho rằng hiện dự thảo còn chung chung; nhiều điều, khoản giao cho Chính phủ qui định, “nhìn nhận thẳng thắn là không bằng các qui định dưới luật đang có”.

Vi phạm nguyên tắc lời ăn lỗ chịu

Theo đại biểu Hàm, phải luật hóa được 5 điểm chính.
Thứ nhất, phải quy định để dự toán được chi phí cần bỏ ra để có công trình, dự toán được duyệt sẽ là giá tối đa để xét thầu, loại bỏ nhà thầu trúng thầu hưởng lợi vượt quá cao.
Thứ hai, luật phải quy định khung xây dựng phương án tài chính để dự tính sát nguồn thu và có cơ chế chia sẻ rủi ro phù hợp. Theo đại biểu, quy định về cách chia sẻ rủi ro như dự thảo luật là bất hợp lý, vì cho phép khi doanh thu thực tế cao hơn hoặc thấp hơn phương án tài chính trong hợp đồng thì được tăng, giảm mức giá, phí sản phẩm dịch vụ hoặc rút ngắn, kéo dài thời hạn hợp đồng; đối với các công trình trọng điểm, nhà nước còn bù phần hụt thu hoặc được chia thêm phần tăng thu.
“Quy định như vậy sẽ vô hiệu hóa toàn bộ kết quả đấu thầu vì giá trúng thầu thực chất là mức phí, thời gian thu bị điều chỉnh theo thực tế; bản chất là chuyển công trình đấu thầu thành chỉ định thầu và tạo lỗ hổng cho các nhà đầu tư bỏ giá thấp để trúng thầu, quá trình thực hiện sẽ điều chỉnh theo thực tế và luôn có lợi nhuận, không đạt mục tiêu của đấu thầu là cạnh tranh tìm nhà thầu phù hợp; vi phạm nguyên tắc thị trường là lời ăn lỗ chịu”, đại biểu Hoàng Quang Hàm nêu quan điểm.
Ngoài ra, 3 điểm mà đại biểu cho rằng phải luật hóa được là có cơ chế kiểm tra, giám sát độc lập ngoài cơ chế của nhà nước; luật hóa các qui định đã được kiểm nghiệm thực tiễn, quy định rõ trong luật các đặc thù theo từng hình thức dự án PPP; lưu ý tính đồng bộ với những luật khác.
Chủ đầu tư thực sự lo ngại gì?
Theo đại biểu Hàm, hiện việc các nhà đầu tư lo ngại khi bỏ vốn là do chính sách nhà nước thay đổi hoặc cơ quan nhà nước ký hợp đồng không đúng quy định của pháp luật, không hợp lý, dẫn đến người dân, dư luận phản ứng, phải dừng thu phí.
Đơn cử, đã có dự án nhà đầu tư bỏ tiền làm một chiếc cầu theo hình thức BOT, khi lập, duyệt phương án tài chính thì cam kết các phương tiện không được đi qua cầu cũ, trước mắt chưa có thêm cầu mới, và chưa mở nút giao của đường cao tốc gần cầu BOT.
Tuy nhiên, khi cầu BOT hoàn thành và thu phí, người dân phản đối nên phải cho xe ô tô dưới 9 chỗ qua cầu cũ, khánh thành thêm cầu mới, mở nút giao của đường cao tốc dẫn đến lưu lượng xe qua cầu BOT giảm lớn, phá vỡ phương án tài chính, làm nhà đầu tư khốn đốn…
Đây là vấn đề luật phải xử lý để bảo đảm đúng cơ chế đấu thầu và nguyên tắc thị trường, theo đó nhà nước phải bồi hoàn cho nhà đầu tư khi thay đổi chính sách, hoặc do các cơ quan của mình vi phạm, không phải lỗi của nhà đầu tư. Đồng thời, trường hợp nhà đầu tư sai sót, vi phạm hoặc chi phối trái pháp luật để hưởng lợi thì phải có cơ chế thay đổi hợp đồng, bảo đảm lợi ích của nhà nước, người dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.