Việt Nam chuẩn bị tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ

17/11/2012 03:15 GMT+7

Tại Hội nghị hẹp Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) ở Campuchia hôm qua, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho biết Việt Nam chuẩn bị tham gia công tác gìn giữ hòa bình của LHQ.

Bên lề hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng, đại tướng Phùng Quang Thanh đã trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên về vấn đề này và các mối quan tâm về an ninh trong khu vực.

 Bộ trưởng Phùng Quang Thanh (hàng đầu, thứ hai từ trái sang) và các bộ trưởng quốc phòng ASEAN họp với người đồng cấp Mỹ Leon Panetta (bìa phải)
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh (hàng đầu, thứ hai từ trái sang) và các bộ trưởng quốc phòng
ASEAN họp với người đồng cấp Mỹ Leon Panetta (bìa phải) - Ảnh: Thục Minh

Thưa Bộ trưởng, trong bài phát biểu tại ADMM sáng nay, Bộ trưởng đã nói “Việt Nam đang chuẩn bị tham gia công tác gìn giữ hòa bình (GGHB) của LHQ”. Vậy Bộ trưởng có thể cho biết chúng ta đã chuẩn bị đến đâu và sẽ tham gia ở mức độ nào?

Tham gia GGHB cũng là nghĩa vụ và trách nhiệm của chúng ta, một thành viên của LHQ. Chúng ta có thể tham gia ở những khu vực xảy ra xung đột dân tộc, sắc tộc, tôn giáo, thiên tai… Hiện nay chúng tôi đang phối hợp với các bộ ngành liên quan để trình cấp thẩm quyền xem xét. Trước mắt, chúng ta có thể tham gia ở lĩnh vực rà phá bom mìn, vật nổ và lĩnh vực quân y. Chúng ta có thể đảm trách tốt công việc này bởi đây là những thế mạnh và kinh nghiệm của chúng ta. Nhưng với một điều kiện là phải do LHQ lãnh đạo, điều hành.

Có lẽ việc này sẽ bổ trợ cho sáng kiến mà sáng nay Bộ trưởng đã nêu ra là ASEAN nên xem xét đưa việc chung tay giúp các nước khắc phục và giải quyết hậu quả bom mìn vào nội dung hợp tác sắp tới của ADMM mở rộng với 8 quốc gia đối tác đối thoại?

Ở VN và các quốc gia bị ảnh hưởng chiến tranh, số lượng bom mìn còn sót rất lớn. Trên 20% diện tích VN bị ô nhiễm bom mìn. Với tiến độ và nguồn lực đầu tư rà phá bom mìn như hiện tại, chúng ta có thể phải mất cả trăm năm nữa mới làm sạch được môi trường để tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Vì vậy, chúng ta đã đề xuất các nước ASEAN chung tay giúp đỡ các nước, trong đó có VN, nguồn lực, kinh nghiệm để rà phá bom mìn, vật nổ. Nước chủ nhà và các nước ASEAN cũng ủng hộ sáng kiến này.

Thưa Bộ trưởng, ADMM hẹp sáng nay và cuộc họp giữa các bộ trưởng quốc phòng ASEAN với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta chiều nay đã bàn những vấn đề gì?

Đây là cuộc họp hẹp nên không có tuyên bố chung. Chúng tôi bàn những vấn đề an ninh, an ninh biển và hợp tác đa phương. Về vấn đề tranh chấp biển Đông cũng được các bộ trưởng đưa ra. Quan điểm chung của các bộ trưởng là tranh chấp phải được giải quyết bằng thương lượng hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, tôn trọng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và tiến tới ASEAN cùng Trung Quốc xây dựng được Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) để quản lý xung đột ở khu vực. Các nước thống nhất là ASEAN phải giữ được đoàn kết, giữ được vai trò trung tâm để hợp tác với các nước khác làm tốt COC.

Còn Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta thì đã cung cấp thêm cho các bộ trưởng ASEAN thông tin về chiến lược tái cân bằng của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương.

Thực tế hiện nay là Mỹ và Trung Quốc đều đang thể hiện sự quan tâm lớn đối với ASEAN ở tầm chiến lược. Bộ trưởng nhìn nhận điều này như thế nào? Quan điểm của ASEAN nói chung và VN nói riêng ra sao?

ASEAN có vị trí địa chiến lược quan trọng, với nhiều quốc gia có nền kinh tế phát triển năng động nhất trên thế giới. Hiện nay trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhưng các nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương và ASEAN nói riêng đều tăng trưởng dương, ít nhất là 5%. Do đó, các nước đều quan tâm và mong muốn hợp tác với khu vực này. Tôi cho rằng đó là một thuận lợi, là thời cơ để chúng ta tranh thủ được nguồn lực và đầu tư từ các nước như Mỹ và Trung Quốc, 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Thứ hai, nếu các nước này đóng góp vào việc tham gia gìn giữ môi trường hòa bình và ổn định trong khu vực thì đó cũng là một thuận lợi. Thứ ba, khi họ hợp tác với ASEAN thì uy tín và vị thế khu vực chúng ta càng cao. Chúng ta đang tiến tới xây dựng một cộng đồng chính trị - an ninh vào năm 2015, mà bây giờ lại có những cường quốc thế giới quan tâm, hợp tác, có trách nhiệm và đóng góp vào mục tiêu đó thì rất tốt.

Bên cạnh đó thì cũng có những cạnh tranh về chiến lược. Nhưng quan điểm của VN là trước bối cảnh đó, chúng ta phải giữ được tinh thần độc lập, tự chủ trong quan hệ với các nước. ASEAN phải giữ được sự đoàn kết. Có đoàn kết thì mới có uy tín và có sức mạnh để giữ được vai trò trung tâm trong hợp tác với các đối tác.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Thục Minh
(từ Siem Reap, Campuchia)

>> Liên đoàn Ả Rập kêu gọi gửi lực lượng gìn giữ hòa bình đến Syria
>> Iraq cần Lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.