Vén màn vũ khí không gian Nga

22/12/2013 09:10 GMT+7

Không rầm rộ, phô trương, Nga vẫn đang âm thầm phát triển chương trình quân sự không gian để cạnh tranh với Mỹ và Trung Quốc.

Vén màn vũ khí không gian Nga 1
Tranh minh họa về “sát thủ vệ tinh” IS của Liên Xô do tình báo Mỹ vẽ năm 1986 - Ảnh: DIA

Giai đoạn cuối năm 2013 chứng kiến nhiều thành tựu trong chương trình không gian của các nước, mà theo các chuyên gia là đều ít nhiều mang ẩn ý quân sự. Tính tới tháng 12, tàu không gian không người lái X-37B của Mỹ đã có trọn một năm hoạt động trong không gian. Đến nay, nhiệm vụ và chức năng của con tàu vẫn được giữ tuyệt mật, làm nảy sinh rất nhiều đồn đoán. Theo chuyên trang Space.com, tàu này có thể cho phép quân đội Mỹ nhanh chóng thay thế những vệ tinh bị tiêu diệt trong trận chiến không gian. Một số chuyên gia khác thì cho rằng X-37B dùng để do thám các trạm không gian của đối thủ, điển hình là trạm Thiên Cung 1 của Trung Quốc. Trong khi đó, vào ngày 2.12, Trung Quốc phóng tàu vũ trụ Hằng Nga-3 để đưa xe thám hiểm tự hành Ngọc Thố lên mặt trăng. Theo Tân Hoa xã, đây là những bước đầu tiên của Bắc Kinh tiến tới mục tiêu xây dựng trạm nghiên cứu trên mặt trăng vào năm 2020. Trang tin Breitbart dẫn lời giới quan sát tỏ ra lo ngại rằng từ trạm nghiên cứu đến căn cứ quân sự không phải là con đường quá dài, trong khi việc phóng thành công Hằng Nga-3 chứng tỏ Trung Quốc có khả năng phóng tên lửa mang nhiều đầu đạn cùng tấn công một nhóm mục tiêu.

Trong bối cảnh trên, dĩ nhiên một cường quốc không gian như Nga không thể ngồi yên. Thực chất, nước này vẫn đang nỗ lực phát triển chương trình vũ khí vốn đã có từ thời Liên Xô để ứng phó các đe dọa tiềm tàng từ “trên trời”.  

 Vén màn vũ khí không gian Nga 2
Tên lửa Trường Chinh-3B mang tàu vũ trụ Hằng Nga-3 rời bệ phóng ngày 2.12 - Ảnh: Reuters

Kẻ hủy diệt vệ tinh

Sau sự kiện Liên Xô bắn rơi máy bay do thám U-2 của Mỹ vào năm 1960, nhà lãnh đạo Nikita Khrushchev quyết định phải tìm cách dập tắt mối nguy hiểm đến từ vệ tinh do thám trên không gian, đặc biệt là chương trình SAINT của Mỹ, vốn được bí mật phát triển vào cuối những năm 1950 và công khai vào năm 1960, theo trang tin Popular Mechanics.

Ban đầu, các chuyên gia cân nhắc thử nghiệm tàu không gian được trang bị tên lửa, nhưng lúc đó ý tưởng này quá khả năng thực tiễn. Tiếp theo, cha đẻ của chương trình không gian Liên Xô là Sergei Korolev đề nghị dự án phóng tên lửa liên lục địa R-7 mang theo thiết bị đánh chặn có thể phóng thẳng vào mục tiêu đã định tầng địa tĩnh, còn chuyên gia Vladimir Chelomei cho rằng nên triển khai một thiết bị tự hành trên quỹ đạo, tự động áp sát vệ tinh địch, phát nổ ở cự ly gần và phá hủy hoàn toàn mục tiêu.

Vào năm 1960, Điện Kremlin quyết định chọn ý tưởng của Chelomei. Mang tên Istrebitel Sputnikov (tức Kẻ hủy diệt vệ tinh, viết tắt IS), phi thuyền được gắn 17 thiết bị đẩy và được hỗ trợ bởi một hệ thống phức tạp gồm các trạm trải khắp lãnh thổ Liên Xô để dò tìm dấu vết các vệ tinh địch và phát lệnh dẫn đường. Sở chỉ huy tuyệt mật của dự án nằm ở vùng ngoại ô Noginsk của thủ đô Moscow, còn 2 trạm điều khiển quan trọng được triển khai tại thị trấn Irkutsk của Siberia và gần hồ Balkhash thuộc Kazakhstan.

Sau nhiều cuộc thử nghiệm, đến tháng 11.1968, Liên Xô đánh chặn thành công và phá hủy mục tiêu đặt sẵn trên quỹ đạo, theo trang Russiaspaceweb.com. Tuy nhiên, phải mất thêm hơn 10 năm để hoàn chỉnh hệ thống. Năm 1978, một tên lửa liên lục địa R-36 mang theo thiết bị IS được phóng lên từ sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan đến thẳng mục tiêu chỉ trong vòng 1 giờ rưỡi.

Từ đó, kế hoạch “sát thủ vệ tinh” của Liên Xô liên tục được nâng cấp với các ý tưởng đột phá như thiết lập các trạm chiến đấu trên quỹ đạo và vũ khí laser. Đầu thập niên 1990, Liên Xô rồi sau đó là Nga bắt tay vào dự án IS-MU nhằm xây dựng khả năng đuổi theo vệ tinh địch. Nhưng do tình hình Nga lúc đó, Tổng thống Boris Yeltsin tuyên bố chấm dứt dự án.

Thế hệ sát thủ mới

Sau nhiều năm gián đoạn, chương trình chống vệ tinh Nga cuối cùng có dấu hiệu hồi sinh vào những năm 2000, khi Mỹ và Trung Quốc liên tục phô diễn khả năng tấn công và hủy diệt vệ tinh. Không còn nghĩ đến những dự án đắt đỏ như các đồn chiến lược trên quỹ đạo, quân đội Nga đặt niềm tin vào tên lửa đạn đạo được nâng cấp để mang thiết bị điều khiển từ xa có khả năng phóng trúng mục tiêu trong thời gian ngắn. RIA-Novosti dẫn lời Tổng giám đốc Cơ quan Không gian liên bang Vladimir Popovkin tuyên bố Nga vẫn duy trì năng lực bảo vệ không gian với hệ thống Naryad-V. “Chúng tôi không thể ngồi yên và nhìn những nước khác hành động. Tôi chỉ có thể nói rằng các dự án tương tự cũng đã được Nga hoàn tất”, ông Popovkin nói.

Russiaspaceweb.com dẫn các nguồn cấp cao cho hay Naryad-V nói nôm na là một loại vũ khí diệt vệ tinh kế thừa của IS thời Liên Xô. Nhờ thiết bị vận hành hiện đại mang tên Briz-K, vũ khí này có thể “lờ lững” trong thời gian dài trên quỹ đạo để chờ lệnh. Sau khi nhận chỉ thị từ mặt đất, Naryad-V sẽ đặt mục tiêu vào tầm ngắm rồi phóng đầu đạn tấn công tiêu diệt. Naryad-V được phóng lên bằng tên lửa đẩy Rockot, phiên bản điều chỉnh của tên lửa đạn đạo UR-100NU. Ngoài ra, theo tờ Izvestia, Nga cũng đang tìm cách khôi phục lại chương trình phát triển tên lửa phá hủy vệ tinh chở trên máy bay mang tên Kontakt, vốn đã bị ngưng từ năm 1989.

Sau nửa thế kỷ với quá nhiều biến động, cuộc chạy đua trang bị vũ khí diệt vệ tinh vẫn tiếp diễn, gây nhiều lo ngại trong bối cảnh thế giới ngày càng phụ thuộc vào vệ tinh cho các hoạt động viễn thông, định vị và nhu cầu hằng ngày. “Các nước có thể tăng cường quân sự hóa không gian, xô đẩy nhau vào một cuộc đối đầu gây tổn hại vệ tinh của nhau hoặc có thể thỏa thuận để bảo đảm bình yên cho quỹ đạo gần trái đất”, Space.com dẫn lời chuyên gia Michael Krepon Trung tâm Stimson (Mỹ) nhận định. 

Ráo riết chạy đua

Năm 2007, Trung Quốc bắn hạ vệ tinh dự báo thời tiết Phong Vân-1C bằng tên lửa, theo AFP. Dù Bắc Kinh tuyên bố đây là hoạt động bình thường nhằm dọn dẹp những vệ tinh hư hỏng nhưng nhiều bên đã “giật mình”. Năm 2008, đến lượt hải quân Mỹ phóng tên lửa SM3 RIM-161 bắn hạ vệ tinh do thám cũ mang tên USA-193. Đến tháng 3.2013, Trung Quốc được cho là tiếp tục thử nghiệm tên lửa DN-2 dùng chống vệ tinh. Chưa hết, hồi tháng 9, nước này phóng 3 vệ tinh lên không gian và theo trang SpacePolicyOnline.com, nhiều chuyên gia tin rằng một trong số này mang theo cánh tay máy có thể thao tác để bắt lấy các vệ tinh khác. Vì thế, giới quan sát nhận định cuộc phóng vệ tinh mới có thể nhằm thử nghiệm biện pháp dùng vệ tinh hoặc trạm không gian gắn tay máy tiếp cận một vệ tinh khác với các mục tiêu từ bình thường (như tiếp nhiên liệu và sửa chữa) đến gây hại (bắt giữ, phá hủy vệ tinh). Dĩ nhiên, Mỹ cũng không đứng ngoài và cũng đang bí mật triển khai các cuộc thử nghiệm điều khiển vệ tinh tiếp cận một vệ tinh khác, theo Space.com.

Ngoài ra, từ năm 2010, Bộ Quốc phòng Ấn Độ thông báo đã bắt đầu phát triển một loại vũ khí laser có thể tiêu diệt các vệ tinh của đối phương trong quỹ đạo. Các nước còn nghiên cứu những chương trình laser tối tân có thể “gây mù” tạm thời nhằm vào vật liệu quang học có độ nhạy cao của vệ tinh.

Thụy Miên

>> Tàu vũ trụ Soyuz trở về an toàn với ngọn đuốc Olympic
>> Tàu vũ trụ Cygnus bay chuyến đầu tiên đến ISS
>> Trung Quốc phóng tàu vũ trụ Thần Châu-10
>> Trung Quốc sắp phóng tàu vũ trụ Thần Châu 10
>> Trung Quốc thử nghiệm tàu vũ trụ tối mật? 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.