Siêu oanh tạc cơ thay thế B-52

31/08/2015 07:34 GMT+7

Mỹ đang đẩy mạnh phát triển dòng oanh tạc cơ mới được đánh giá là đủ sức vươn đến mọi địa điểm trong lãnh thổ của các đối thủ tiềm tàng.

Mỹ đang đẩy mạnh phát triển dòng oanh tạc cơ mới được đánh giá là đủ sức vươn đến mọi địa điểm trong lãnh thổ của các đối thủ tiềm tàng.

Hình ảnh phác họa về thiết kế của máy bay B-3 - Ảnh: Wired
Hình ảnh phác họa về thiết kế của máy bay B-3 - Ảnh: Wired
Không quân Mỹ sẽ chốt lại quy trình đấu thầu dự án Máy bay ném bom chiến đấu tầm xa (LRS-B) vào tháng 9 và theo giới quan sát, liên danh Boeing/Lockheed Martin nhiều khả năng sẽ vượt qua Tập đoàn Northrop Grumman để giành hợp đồng béo bở này.
Theo tạp chí Forbes, không quân Mỹ lên kế hoạch mua từ 80 - 100 máy bay mới, hiện được tạm gọi là B-3, với giá khoảng 550 triệu USD/chiếc. Một số chuyên gia thì cho rằng giá B-3 có thể đội lên tới 700 triệu USD/chiếc.
Mục tiêu của Bộ Quốc phòng Mỹ là đến năm 2025, B-3 sẽ thay thế toàn bộ B-52 và B-1 hiện nay cũng như phối hợp hoạt động với lực lượng oanh tạc cơ B-2.
Dĩ nhiên để có thể thay chân “Pháo đài bay” B-52 khét tiếng thì máy bay mới phải sở hữu những tính năng cực kỳ lợi hại. Tuy Lầu Năm Góc vẫn đang nỗ lực bảo mật thông tin, nhưng giới chuyên gia quốc phòng vẫn nắm được một số đặc điểm nổi trội của B-3.
Tung hoành vùng trời Trung Quốc
Báo mạng Want China Times dẫn các nguồn thạo tin cho biết siêu oanh tạc cơ mới có tầm hoạt động từ 3.220 - 4.023 km mà không cần tiếp liệu.
Nhờ đó, nếu xuất kích từ 2 căn cứ tiền đồn của Mỹ ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương là Guam và Diego Garcia thì B-3 có thể thọc sâu vào lãnh thổ Trung Quốc. Không những thủ đô Bắc Kinh mà cả những thành phố xa xôi như Đức Linh Cáp thuộc tỉnh Thanh Hải, tây bắc Trung Quốc cũng sẽ lọt vào tầm ngắm.
Dự kiến, B-3 sẽ là máy bay có người lái, không đạt tốc độ siêu thanh nhưng được bù đắp bằng năng lực tàng hình tối tân và công nghệ thông tin liên lạc siêu hiện đại. Về bề ngoài, máy bay sẽ khác với các oanh tạc cơ cánh dơi đời trước, theo hướng thiết kế lại toàn bộ hình dáng để nâng cao khả năng tàng hình tốt hơn cũng như độ linh hoạt phục vụ các chiến dịch trong môi trường thù địch cao.
Khác biệt lớn nhất giữa B-3 và máy bay ném bom B-2 chính là tải trọng. Trong khi B-2 có thể mang theo hơn 18 tấn vũ khí, tải trọng của B-3 sẽ ít hơn nhiều để giảm trọng lượng máy bay. Tuy nhiên, năng lực tấn công vẫn không suy giảm vì B-3 sẽ được trang bị các dòng bom thông minh hiện đại cũng như vũ khí hạt nhân. Một tính năng ấn tượng hơn nữa là sự tương thích của máy bay với nhiều hệ thống thông tin liên lạc điện tử khác nhau, kể cả mạng lưới vệ tinh do thám trên quỹ đạo. Nhờ đó, B-3 sẽ được hỗ trợ tối đa trong việc thu thập dữ liệu về mục tiêu, tránh né radar cũng như đối phó đối với vũ khí phá sóng điện tử.
Từ tất cả những đặc tính trên, Want China Times nhận định trong viễn cảnh xảy ra xung đột, B-3 có thể hoạt động hiệu quả và bám trụ trong vùng trời Trung Quốc đến 60 phút trước khi phải rút đi để tiếp liệu hoặc tránh né hỏa lực phòng không của đối thủ.
Phá bỏ khái niệm truyền thống
Trước đó, phát biểu trên Đài CNN, trung tướng không quân về hưu David Deptula cho rằng sẽ sai lầm khi liệt B-3 vào dạng oanh tạc cơ truyền thống, và cần loại bỏ tư duy kiểu cũ khi phân loại máy bay chiến đấu thành các nhóm khác nhau.
Ông gọi máy bay mới là “Máy bay tấn công cảm biến tầm xa” và cho rằng B-3 sẽ có thêm khả năng chia sẻ thông tin với máy bay khác để phối hợp phục vụ cùng lúc nhiều nhiệm vụ đa dạng. Chuyên gia này còn khẳng định lý do khiến Lầu Năm Góc phải phát triển năng lực tấn công cảm biến tầm xa là để đối phó những nguy cơ đến từ các đối thủ tiềm tàng. “Trung Quốc, Iran và Nga... đã chế tạo những hệ thống vũ khí và máy bay tấn công tầm xa tối tân, có khả năng đặt căn cứ và hàng không mẫu hạm của Mỹ vào tầm ngắm”, ông Deptula nói với CNN.
Tương tự, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Không gian Bắc Mỹ, William Gortney đã bày tỏ quan ngại trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện về chương trình tên lửa hành trình tầm xa có thể được phóng từ máy bay ném bom, tàu ngầm và tàu chiến của Nga. Trung Quốc thì được cho là đang nỗ lực phát triển máy bay không người lái (UAV) cỡ lớn được trang bị radar đặc biệt để phát hiện máy bay tàng hình. Ví dụ, theo chuyên trang Popular Science, UAV Divine Eagle có thể chứng tỏ sự hữu dụng trong các chiến dịch đối phó oanh tạc cơ B-2.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.