Quốc phòng lao đao vì dân số già

15/08/2013 11:00 GMT+7

Tỷ lệ sinh giảm khiến nhiều nước và vùng lãnh thổ trong khu vực phải đau đầu tìm cách thay đổi chính sách phòng vệ.

Lâu nay, giới chuyên gia ở Trung Quốc, Hàn Quốc hay Đài Loan đã nhiều lần báo động tình trạng dân số già đang tăng nhanh trong khi tỷ lệ sinh lại giảm sẽ dẫn đến nhiều hệ quả tác động lâu dài đến kinh tế và xã hội. Mới đây, tờ Asahi Shimbun dẫn lời một số nhà nghiên cứu khẳng định kể cả an ninh - quốc phòng cũng bị ảnh hưởng nặng nề sau nhiều sự cố hy hữu.

Chốt gác không người

Hồi tháng 10 năm ngoái, giới chức Hàn Quốc “hoảng hồn” sau sự cố ở Khu phi quân sự liên Triều (DMZ). Vào tối 2.10, binh sĩ Hàn Quốc tại một chốt giám sát bỗng nghe tiếng gõ cửa. Ra đến nơi, họ giật mình khi thấy một người lính CHDCND Triều Tiên đang đứng trước mặt. Theo Yonhap, người này muốn được đào tẩu xuống miền Nam và khai rằng đã trốn khỏi nơi đóng quân cách DMZ khoảng 50 km vào ngày 29.9. Đến 8 giờ tối 2.10, anh ta đã vượt qua 2 lớp dây thép gai nằm dọc giới tuyến phía Triều Tiên và 3 lớp hàng rào của phía Hàn Quốc.

Binh sĩ Hàn Quốc tuần tra gần Khu phi quân sự liên Triều - d
Binh sĩ Hàn Quốc tuần tra gần Khu phi quân sự liên Triều - Ảnh: Reuters 

Tại DMZ, quân đội Hàn Quốc lập khoảng 100 chốt giám sát với thiết bị phát tia hồng ngoại cũng như máy quay. Tuy nhiên, binh sĩ Triều Tiên nói trên vẫn có thể khôn khéo tránh né hệ thống an ninh dày đặc vì một nguyên nhân đơn giản: thiếu người canh gác. Theo biên bản thẩm vấn được Asahi Shimbun trích dẫn, người lính khai: “Khi tôi lén tới chốt giám sát đầu tiên thì không thấy ai ở đó. Tại chốt thứ hai thì có ánh đèn nhưng tôi gõ cửa thì cũng không có ai trả lời”.

Trên thực tế, chỉ khoảng 70% số chốt kiểm soát của Hàn Quốc ở DMZ có lính canh giữ, mỗi chốt được cho là có từ 30 - 40 binh sĩ thay phiên theo dõi cả ngày lẫn đêm. Vậy mà việc duy trì lực lượng này vẫn là một gánh nặng thực sự đối với quân đội Hàn Quốc khi quân số đang giảm mạnh do tỷ lệ sinh tụt dốc và dân số già tăng nhanh. Số liệu từ Bộ Phúc lợi xã hội và Y tế Hàn Quốc cho thấy hệ số sinh ở nước này năm 2012 là 1,3 trong khi vào thập niên 1960 là 6. Giới chức dự báo dân số trong độ tuổi lao động (từ 15 đến 64) sẽ bắt đầu giảm vào năm 2017 và tổng dân số sẽ giảm vào năm 2031.

Bên cạnh đó, do kinh tế khó khăn cũng như tác động của quan niệm sống mới, ngày càng xuất hiện nhiều gia đình một con ở Hàn Quốc và các bậc cha mẹ tìm cách lo cho con trai một trốn chế độ quân dịch bắt buộc, theo Asahi Shimbun.

Để ứng phó, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hồi năm 2005 đã thông báo kế hoạch hiện đại hóa và tinh nhuệ hóa quân đội trong khi giảm quân số. Theo đó, số binh sĩ sẽ giảm từ 610.000 người hiện nay xuống còn 520.000 trước năm 2020. Bên cạnh đó, quân đội Hàn Quốc sẽ tăng cường số lượng tàu ngầm, trực thăng đa nhiệm và chiến đấu cơ tiên tiến. Tất nhiên, kế hoạch này sẽ ngốn thêm ngân sách quốc phòng.

Khi “vua con” nhập ngũ

Tờ PLA Daily của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc cũng từng có bài viết nói về một sự cố trong diễn tập. Theo đó, một sư đoàn xe bọc thép thuộc Quân khu Thẩm Dương tiến hành tập trận tấn công bất ngờ nhưng đội tấn công nhanh chóng bị “kẻ thù” phát hiện. Nguyên nhân là một binh sĩ mở máy nghe nhạc di động. Khi bị thẩm vấn, người này trả lời: “Tôi không muốn rời xa nó (máy nghe nhạc) bất cứ phút nào. Thái độ này bị xem là đại điện cho một thế hệ trưởng thành từ chính sách một con. Do được nuông chiều từ nhỏ, nhiều thanh niên Trung Quốc hiện nay trở thành những “ông vua con”, quen hưởng thụ, không tình nguyện nhập ngũ và nếu có thì ý thức kỷ luật rất kém. Nhiều bậc cha mẹ cũng cực lực phản đối việc con trai duy nhất của họ thực hiện nghĩa vụ quân sự. Theo Asahi Shimbun, ở thủ đô Bắc Kinh, số thanh niên có thể nhập ngũ vào năm 2008 là 560.000, nhưng đến năm 2012 chỉ còn 300.000 người. “Nếu tỷ lệ sinh tiếp tục giảm, chúng tôi sẽ đối mặt một vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng tới sự tồn tại của quân đội”, tờ báo dẫn một chuyên gia quân sự Trung Quốc nói.

Ở bên kia eo biển, chính quyền Đài Loan cũng đang vất vả dùng mọi cách để thu hút giới trẻ nhập ngũ từ quảng bá hình ảnh, nâng chế độ đãi ngộ… nhưng vẫn gặp nguy cơ thiếu hụt lực lượng do dân số già tăng nhanh. Vì thế, Đài Bắc đã đề ra kế hoạch nâng cao khả năng của Lực lượng phòng vệ trong bối cảnh phải giảm nhân lực từ 270.000 người xuống 215.000 người trong 10 năm tới.

Văn Khoa

>> Nhật xúc tiến nới lỏng quy định quốc phòng
>> Bộ Quốc phòng Mỹ có thể cắt giảm 135.000 binh sĩ
>> E dè Trung Quốc, Ấn Độ tăng cường giúp quốc phòng Myanmar

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.