Những loại vũ khí hữu danh vô thực

08/03/2015 09:00 GMT+7

Thế giới có không ít loại vũ khí được đánh giá 'không phải dạng vừa đâu', nhưng thực ra 'nghe vậy mà không phải vậy'.

Thế giới có không ít loại vũ khí được đánh giá “không phải dạng vừa đâu”, nhưng thực ra “nghe vậy mà không phải vậy”.

Chiến đấu cơ F-35 - Ảnh: Airforce Technology
Chiến đấu cơ F-35 - Ảnh: Airforce Technology
Trong suốt chiều dài lịch sử, nhân loại liên tục phát triển những loại vũ khí mới, ngày càng lợi hại để tiến hành chiến tranh. Một số hệ thống vũ khí đã chứng minh được sự lợi hại trên chiến trường và tạo được tiếng tăm đáng sợ về hiệu quả. Tuy nhiên, cũng có những loại vũ khí được ca ngợi hết lời với tên tuổi được đưa vào hàng huyền thoại nhưng công dụng thực sự trên chiến trường lại không thể bắt kịp danh tiếng của chính nó. Sau đây là 5 loại vũ khí được tâng bốc quá mức trong thời hiện đại, theo đánh giá của chuyên san The National Interest.
Thiết giáp hạm
Thiết giáp hạm hiện đại đầu tiên trên thế giới là chiếc HMS Dreadnought, bắt đầu phục vụ trong hải quân Hoàng gia Anh năm 1906. Khi đó, thiết kế của loại tàu này được đánh giá là mang tính cách mạng với hệ thống vũ khí “toàn súng lớn” bao gồm 10 khẩu pháo có cỡ nòng 305 mm. Thiết giáp hạm nhanh chóng khiến thế giới “phát cuồng” và trở thành một biểu tượng mới cho sức mạnh hải quân dù chi phí rất cao. Thế nhưng, khi bước vào thực chiến, loại tàu này cũng ngay lập tức chứng tỏ nó chỉ là mồi ngon cho đối thủ bởi sự đồ sộ và thiếu linh hoạt. Đó là lý do trong suốt thời gian dài, thiết giáp hạm rất ít khi được triển khai ra chiến trường. Lần duy nhất các thiết giáp hạm tham gia giáp lá cà tay đôi là trận Jutland trong Thế chiến 1 và khi đó, đối với hạm đội Đức lẫn Anh, nỗi lo mất những chiếc tàu đắt đỏ còn lớn hơn cả nỗi sợ thất bại.
Thiết giáp hạm HMS Dreadnought của hải quân Anh - Ảnh: Maritime Quest
Thiết giáp hạm HMS Dreadnought của hải quân Anh - Ảnh: Maritime Quest
Đến Thế chiến 2, thiết giáp hạm chính thức trở thành gánh nặng cho hải quân khi chúng liên tục bị chiến đấu cơ xuất phát từ tàu sân bay và tàu ngầm đối phương tiêu diện gọn ghẽ trước khi kịp đụng độ. Vào thời điểm đó, Nhật Bản sở hữu 2 thiết giáp hạm lớn nhất trong lịch sử là Yamato và Musashi với độ choán nước lên tới 72.800 tấn và 9 khẩu pháo cỡ nòng 460 mm. Chúng gần như chẳng đóng góp được gì ngoài việc ngốn tài nguyên quốc gia. Musashi bị hải quân Mỹ đánh chìm cùng 1.023 quân nhân vào ngày 24.10.1944 trong trận vịnh Leyte ở vùng biển Philippines. Mãi đến ngày 2.3 vừa qua, xác của nó mới được nhà đồng sáng lập Tập đoàn Microsoft, tỉ phú Paul Allen, tình cờ phát hiện trong một chuyến lặn, theo AFP. Yamato thì sống sót qua trận Midway để rồi bị tiêu diệt trong chiến dịch Ten-Go ngày 7.4.1945 gần đảo Okinawa.
Máy bay Il-2
Máy bay cường kích Ilyushin Il-2 Sturmovik gần như trở thành một huyền thoại của quân đội Liên Xô trong Thế chiến 2 với hơn 36.000 chiếc được chế tạo. Tuy nhiên, dù Il-2 đã giúp khích lệ tinh thần cho bộ binh Liên Xô, nhưng hiệu quả thực sự của nó là điều cần xem xét lại. Các chuyên gia đánh giá Il-2 có độ linh hoạt hạn chế và có khuynh hướng trở thành mục tiêu dễ dàng cho đối phương. Khả năng tải bom và oanh tạc chính xác cũng không bằng các loại máy bay tương đương của phương Tây như P-47 Thunderbolt và Hawker Typhoon. Bằng chứng là các phi đội Il-2 đã hứng chịu nhiều thất bại trước không quân Đức Quốc xã ở mặt trận phía đông. Từ đó, hầu hết giới quan sát nước ngoài đều cho rằng tác dụng chính của máy bay Il-2 trên chiến trường chủ yếu mang tính tâm lý.
Thiết bị ngắm bom Norden
Thiết bị ngắm bom Norden - Ảnh: Af.mil
Thiết bị ngắm bom Norden - Ảnh: Af.mil
Đây là một phát kiến thời Thế chiến 2 có danh tiếng vượt xa khả năng thực sự. Người ta nói rằng thiết bị ngắm bom tuyệt mật đến mức phi hành đoàn thường phải tháo chúng khỏi các oanh tạc cơ khi đậu trên sân bay. Theo quảng cáo, thiết bị này cho phép ném bom cực kỳ chính xác với sai số chỉ khoảng 20 m so với mục tiêu. Vì thế, quân đội Mỹ đã chi khoảng 1,5 tỉ USD (thời điểm những năm 1940) để chế tạo thiết bị Norden ngắm bom. Để so sánh, toàn bộ dự án Manhattan nghiên cứu bom hạt nhân chỉ tốn tổng cộng khoảng 3 tỉ USD. Như vậy mới thấy chương trình Norden phí phạm như thế nào khi 90% lượng bom sử dụng thiết bị này rơi trật mục tiêu khá xa, có khi cách tới 400 m. Cuối cùng, toàn bộ thiết bị Norden đã bị xếp xó, lực lượng Mỹ chuyển qua chiến lược ném bom bổ nhào để tăng độ chính xác, còn không quân Anh quyết định sử dụng ném bom rải thảm các khu vực nằm trong tay quân Đức.
Xe tăng Tiger I
Xe tăng Tiger I của Đức Quốc xã - Ảnh: The Telegraph
Xe tăng Tiger I của Đức Quốc xã - Ảnh: The Telegraph
Cũng hơi oan cho Tiger I khi đưa nó vào danh sách nói trên bởi nó từng là một trong những loại xe tăng đáng sợ nhất trong kho vũ khí của Đức Quốc xã. Vào thời điểm đó, Tiger I là chiếc xe tăng “quái vật”, với lớp giáp thép dày phía trước hầu như bất khả xâm phạm trước các loại vũ khí chống tăng ở hầu hết mọi cự ly và pháo 88 mm. Lịch sử đã ghi nhận khá nhiều trường hợp chỉ một chiếc Tiger I có thể diệt gọn một đội tăng của quân Đồng minh. Tuy nhiên, thực chất xe tăng Tiger I đã lỗi thời ngay vào thời điểm nó được triển khai thực địa năm 1942 khi không được trang bị lớp giáp nằm nghiêng để vô hiệu hóa góc xuyên phá của đạn chống tăng. Điều này dẫn tới lớp giáp của Tiger I phải dày hơn, đắt đỏ hơn và khiến tính linh hoạt bị hạn chế. Đó là chưa kể loại xe tăng này quá hao tốn nhiên liệu và hay hỏng hóc. Sự phức tạp và chi phí cao khiến Đức chỉ có thể sản xuất 1.347 chiếc Tiger I so với 40.000 chiếc Sherman của Mỹ và khoảng 60.000 chiếc T-34 của Liên Xô. Vì thế, tuy khá lợi hại nhưng Tiger I nhanh chóng bị thay thế bởi Tiger II và lớp xe tăng Panther cơ động hơn, rẻ hơn và được trang bị giáp nghiêng.
Chiến đấu cơ thế hệ 5
Ví dụ gần nhất và sát sườn nhất về một loại vũ khí được tâng bốc quá mức chính là chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 của Mỹ. Nước này đã chi đến 470 tỉ USD để phát triển F-35 và F-22 nhưng thời gian chế tạo quá lâu và các trục trặc liên tục đã khiến chúng trở nên lỗi thời ở một số điểm. Chẳng hạn, thiết bị cảm biến điện - quang học được gắn trên phần mũi F-35 bị đánh giá là đã lạc hậu đến 10 năm, dù chiếc máy bay được ca ngợi rất nhiều này còn chưa chính thức “nhập ngũ”.
Trong khi đó, nhiều khả năng chi phí có thể tăng lên đến hàng ngàn tỉ USD khi F-35 chính thức vào biên chế do việc bảo dưỡng cực kỳ tốn kém cùng với nhu cầu phải thường xuyên cải tiến để chạy đua cùng những mạng lưới phòng không cũng ngày càng hiện đại của các đối thủ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.