Mạng lưới săn ngầm ở châu Á

29/10/2014 06:00 GMT+7

Mỹ bắt tay với các đồng minh NATO và những quốc gia thân hữu khác để tái kích hoạt và phát triển hệ thống săn tàu ngầm có từ thời Chiến tranh lạnh.

Mạng lưới săn ngầm ở châu Á
Thiết bị lặn không người lái sử dụng công nghệ tương tự thiết bị Bluefin-21 của hải quân Mỹ từng được triển khai để truy tìm chiếc máy bay mất tích của hãng Malaysia Airlines vào tháng 3.2014 - Ảnh: Reuters 

Hồi tháng 11 năm ngoái, một cuộc thí nghiệm đã được triển khai tại vùng biển nhộn nhịp của Singapore, vài tuần trước khi Bộ Quốc phòng Trung Quốc triệu một số tùy viên quân sự của các sứ quán nước ngoài tại Bắc Kinh để thông báo rằng tàu ngầm tấn công hạt nhân của nước này sắp đi ngang eo biển Malacca. Theo Reuters dẫn những nguồn thạo tin, khi đó các nhà nghiên cứu Mỹ và Singapore đã sử dụng một thiết bị không người lái, gọi là Starfish (Sao biển) để nghiên cứu cách thức theo dõi hoạt động trong lòng biển theo dự án được Bộ Quốc phòng Mỹ - Singapore hợp tác bảo trợ. Mục tiêu của chiến dịch mang tên Dự án Sứ mệnh là kết nối một hệ thống theo dõi trong lòng biển của Singapore với hệ thống của Mỹ, được thiết kế nhằm dõi theo các tàu ngầm của phe đối địch. 

Phiên bản hậu SOSUS

Việc đặt hệ thống gián điệp trong lòng biển không phải là chuyện mới đây. Từ thập niên 1950, Mỹ đã dựa vào hệ thống không dây có tên SOSUS để nghe lén bất cứ tàu ngầm nào của Liên Xô tiến vào Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.

Theo tài liệu được giải mật vào năm 1991, SOSUS, viết tắt từ Hệ thống theo dõi âm thanh, là một hệ thống thiết bị nghe lén dưới nước, được bí mật triển khai ở khu vực đáy biển xung quanh hai bờ của Mỹ và tại các điểm chiến lược, như giữa Anh và Iceland. Giống như những chi tiết được mô tả trong tiểu thuyết Cuộc săn đuổi Tháng mười đỏ của Tom Clancy vào năm 1984, lòng biển thời Chiến tranh lạnh là cuộc rượt đuổi trường kỳ giữa các tàu ngầm Liên Xô và Mỹ. Khi đó, hai bên đều triển khai tàu ngầm vào lòng đại dương, sẵn sàng nã tên lửa vào lãnh thổ địch. Sau khi Chiến tranh lạnh chấm dứt, SOSUS trở thành công cụ phát hiện tình trạng đánh bắt trái phép hoặc theo dõi cá voi.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Mỹ và đồng minh bắt đầu kích hoạt lại hoặc nâng cấp các thiết bị của hệ thống ở châu Á, một phần là nhằm đối phó với hoạt động tàu ngầm của Nga đang tăng mạnh trong những năm qua và do thám khả năng của tàu ngầm Trung Quốc, theo tờ The Australian.

Giờ đây, Mỹ đang nỗ lực kết hợp các hệ thống đã cắm sẵn dưới đáy biển, cũng như các tàu và máy bay săn ngầm, với những hệ thống cảm biến di động, một số được gắn vào thiết bị không người lái dưới nước có thể triển khai bằng tàu, máy bay hoặc tàu ngầm, theo tờ The Wall Street Journal dẫn một số nguồn thạo tin. Đồng thời, hải quân Mỹ cân nhắc các biện pháp để lấy dữ liệu từ cảm biến do các nước khác cắm trong khu vực, đặc biệt là những eo biển nối liền tây Thái Bình Dương với phần còn lại của đại dương này và Ấn Độ Dương.

“Chúng tôi hợp tác hết sức gần gũi với người Úc về vấn đề này, cũng như Nhật Bản, bắt tay chặt chẽ với Hàn Quốc, trong khi phía Singapore, Malaysia, Indonesia đang ngày càng bày tỏ sự quan tâm và sẵn sàng nhập cuộc”, tờ The Wall Street Journal dẫn lời đô đốc Jonathan Greenert, Tham mưu trưởng hải quân Mỹ. 

Trở ngại

Vị trí chính xác của các máy nghe lén thuộc hệ thống SOSUS tại châu Á vẫn là một điều bí mật, nhưng theo một số nhà nghiên cứu và chuyên gia tàu ngầm, một số được cắm xung quanh Nhật Bản và đảo Christmas thuộc Úc. Trở ngại của các máy nghe lén này là chúng cần được bảo trì thường xuyên và các trạm thu phát cần được đặt trên lãnh thổ những nước thân hữu. Chúng được dùng để báo động mỗi khi có một tàu ngầm di chuyển qua nhưng chỉ hoạt động hiệu quả ở những vùng nước sâu và ít tàu qua lại.

Do vậy, những nỗ lực gần đây của Mỹ tập trung vào phát triển các hệ thống do thám di động dưới biển, hoạt động ở vùng nước cạn và đông đúc tàu bè, như địa thế gần các bờ biển của Trung Quốc. Hải quân Mỹ đã triển khai một hệ thống như vậy, viết tắt là PLUS, dùng các cảm biến dưới đáy biển và thiết bị không người lái để truyền dữ liệu thông qua vệ tinh, theo xác nhận của đô đốc Greenert.

Tuy nhiên, Mỹ đang đối mặt với trở ngại lớn nhất là hầu hết thiết bị không người lái dưới nước chỉ chạy được vài giờ bằng nguồn pin và khó liên lạc với chúng vì dữ liệu đường truyền trong môi trường nước rất chậm. Một chuyên gia so sánh hoạt động liên lạc trong nước diễn ra chậm giống như tốc độ internet cách đây 30 năm.

Từng tham gia vào cuộc thử nghiệm hồi tháng 11.2013, Giáo sư Mandar Chitre của Đại học Quốc gia Singapore cho biết lúc đó họ đã thử kết nối hệ thống của Singapore là UNET với hệ thống Seaweb của Mỹ, do Trường cao học Hải quân tại Monterey (California) nghiên cứu. Thông tin được công khai về Seaweb cho thấy đây là dự án nhằm tạo ra hệ thống toàn cầu về cảm biến tàu ngầm mới của Mỹ, đồng minh NATO và các nước đối tác. Chuẩn đô đốc Philip Sawyer, Tư lệnh lực lượng tàu ngầm Mỹ tại Thái Bình Dương, cho hay ý tưởng đằng sau Seaweb là thành lập nhiều nút thu thập thông tin trong môi trường biển, cho phép truy xuất dữ liệu và truyền về căn cứ chính, dù đó là ở Singapore hay San Diego.

Thụy Miên

>> Những sát thủ săn ngầm của Mỹ
>> Cận cảnh 'sát thủ săn ngầm' P-3 mà Mỹ sẽ bán cho VN
>> Mỹ sẽ bán 'sát thủ săn ngầm' P-3 cho VN
>> Mỹ thử nghiệm máy bay do thám săn ngầm tối tân ở Singapore
>> Trung Quốc điều cả tàu săn ngầm, tàu tên lửa tấn công nhanh bảo vệ giàn khoan trái phép
>> Mỹ gửi thêm 'sát thủ săn ngầm' đến Úc hỗ trợ tìm MH370
>> Mỹ điều 2 máy bay săn ngầm hiện đại đến Nhật Bản
>> Triều Tiên xác nhận vụ tàu săn ngầm chìm
>> Việt Nam sẽ nhận chiến hạm săn ngầm Gepard vào năm 2016  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.