Al-Shabab và chiến thuật 'khủng bố giá rẻ'

07/04/2015 17:09 GMT+7

(TNO) Mất thủ lĩnh, mất hàng ngàn tay súng, mất lãnh thổ, mất tiền bạc…, phiến quân al-Shabab đổi qua chiến thuật đáng sợ: "khủng bố giá rẻ". Đơn cử, vụ thảm sát 148 người ở Kenya, ngày 2.4, chúng chỉ cần 4 tay súng.

(TNO) Mất thủ lĩnh, mất hàng ngàn tay súng, mất lãnh thổ, mất tiền bạc…, phiến quân
al-Shabab đổi qua chiến thuật đáng sợ: "khủng bố giá rẻ". Đơn cử, vụ thảm sát 148 người ở Kenya, ngày 2.4, chúng chỉ cần 4 tay súng.  

Thua liểng xiểng ở Somalia

Trên mặt trận truyền thống, al-Shabab – tổ chức Hồi giáo cực đoan khét tiếng bắt nguồn từ Somalia, là chi nhánh của al Qaeda – đã thua xiểng liểng từ lâu.
Lực lượng al-ShababLực lượng al-Shabab đã sụt giảm đáng kể trong những năm qua vì bị truy quét ráo riết
 - Ảnh: Reuters
Phân loại nạn nhân trước họng súng
Phần lớn người dân Somalia theo đạo Hồi và al-Shabab bị các lãnh đạo chóp bu của al Qaeda quở trách vì đã thảm sát nhiều người Hồi giáo trong các vụ đánh bom trước đây ở nước này. Nay al-Shabab phân loại nạn nhân ngay trước họng súng. Cả trong vụ thảm sát ở trung tâm thương mại Westgate, ở mỏ đá Mandera hay tại Đại học Garissa (đều nằm ở nước láng giềng Kenya)…, các nạn nhân thường bị yêu cầu đọc một đoạn kinh Koran hoặc trả lời các câu hỏi về đạo Hồi. Những ai không thực hiện được điều này đều bị bắn chết.
Mỹ, với quan ngại sâu sắc về mức độ bạo lực của al-Shabab, lo lắng nhóm này có thể tấn công trên đất Mỹ, đã chi gần một tỉ đô-la cho lực lượng gìn giữ hòa bình Liên minh châu Phi (AU) để truy quét al-Shabab.
Trong “thời vàng son”, al-Shabab từng suýt thống lĩnh cả đất nước Somalia, kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn (bằng cả đất nước Hà Lan) và mở rộng tầm ảnh hưởng giữa lúc người dân phẫn nộ trước lực lượng Ethiopia đóng quân ở đây. Al-Shabab cung cấp các dịch vụ ở vùng đất chiếm được hệt như một chính quyền hợp pháp, cùng lúc áp đặt những luật lệ Hồi giáo hà khắc.
Nhưng al-Shabab đã bị “dập” tơi bời trong liên tục nhiều năm qua. Thủ lĩnh khét tiếng Ahmed Abdi Godane đã bị tiêu diệt trong một cuộc không kích của Mỹ hồi năm ngoái. Nhiều lãnh đạo khác cũng bị máy bay không người lái của Mỹ giết chết.
Chỉ trong một trận chiến trên đường phố Mogadishu (thủ đô Somalia) hồi 2010, al-Shabab đã mất hàng trăm tay súng. Nhiều tên khác đã đào ngũ.
Tờ New York Times dẫn một phân tích cho rằng lực lượng của al-Shabab đã giảm xuống chỉ còn khoảng 3.000 tay súng so với con số 7.000 trước đây.
thảm sát ở KenyaNạn nhân sau vụ thảm sát tại Đại học Garissa vừa qua - Ảnh: AFP
Al-Shabab cùng lúc mất nhiều vị trí chiến lược, chẳng hạn như mất thành phố cảng Kismayo trước lực lượng của chính phủ Somalia. Al-Shababnay không còn có thể thu về hàng triệu đô-la nhờ khai thác than hay nhập khẩu xe hơi nữa.
Thay đổi chiến thuật
Trong khi bị mất rất nhiều vùng đất có tính chất quyết định về kinh tế, Al-Shabab lại không có được những đoàn xe bọc thép kiên cố như Boko Haram, không có những cánh đồng thuốc phiện bạt ngàn như Taliban, hay những mỏ dầu trù phú như Nhà nước Hồi giáo (IS).

Nhưng al-Shabab rất giỏi thay đổi chiến thuật. Tài chính cạn kiệt, al-Shabab chuyển sang đơn giản hóa các hoạt động khủng bố. Trước đây, tổ chức này thường dùng ô tô đánh bom khủng bố, nay al-Shabab sử dụng các chiến binh mang súng trường và lựu đạn đi thảm sát vì rõ ràng chiến thuật này “giá thành” rẻ hơn.
Chỉ trong vòng hai năm qua, các tay súng trẻ của nhóm này, với vũ khí cực kỳ gọn nhẹ, đã tấn công khắp các địa điểm công cộng, giết chết hàng trăm dân thường ở Kenya, trong đó có vụ tấn công tại trung tâm thương mại Westgate, một biểu tượng của sự giàu sang ở thu đô  Nairobi, làm 67 người thiệt mạng và vụ thảm sát Đại học Garissa chấn động hồi tuần trước, cướp đi mạng sống của 148 người.
Chiến thuật  đánh bom tự sát bằng ô tô nay không còn được  al-Shabab chuộng nữa
- Ành: Reuters
“Tôi gọi đó là sự đơn giản hóa của chủ nghĩa khủng bố. Các tay súng của al-Shabab được trang bị rất gọn nhẹ nhưng kỷ luật cao và được huấn luyện bài bản”- Matt Bryden, một nhà nghiên cứu ở Kenya đã từng làm việc 20 năm ở Somalia phát biểu với tờ New York Times.
Có thể thấy rằng, trước những tổn thất to lớn của tổ chức, al-Shabab không ồn ã bành trướng ở các thành phố lớn nữa mà âm thầm nhưng dai dẳng trườn dài ra từ làng quê này đến làng quê khác, mở rộng mạng lưới tuyển mộ và hoạt động. Mọi học thuyết quân sự hiện đại để nhổ tận gốc al-Shabab dường như đều không “ép phê”.
Stig Hasen, một giáo sư người Na Uy từng viết sách về al-Shabab nhận định: “Đây không phải là một cuộc chơi dễ dàng. Các chính phủ phải áp dụng chiến thuật đặt người dân làm trung tâm, phải đem ổn định đến cho các ngôi làng ở Somalia và ngăn chặn tham nhũng trong hàng ngũ an ninh Kenya. Trong suốt năm, sáu năm qua, tôi không thể nhớ nổi đã bao lần phải nghe cái điệp khúc "al-Shabab đang hấp hối, al-Shabab đang hấp hối". Sự thật là al-Shabab không hề hấp hối”.
Cuộc đối đầu mệt mỏi với al-Shabab chỉ là một phần của trận chiến không ngưng nghỉ với các tổ chức cực đoan trên toàn cầu.
Nigeria và các nước láng giềng đang vật lộn với Boko Haram, cố giành lại các làng mạc, thị trấn nằm trong vòng kiểm soát của nhóm cực đoan này.
Ở Iraq, chính quyền cùng với lực lượng đồng minh và sự hỗ trợ của không quân Mỹ, đang cố gắng đánh bật IS ra khỏi thành phố Tikrit.
Tại Yemen, một chi nhánh của al Qaeda đang mở rộng ảnh hưởng và hăm he bành trướng thêm những vùng đất mới trước trình trạng hỗn loạn của nội chiến.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.