Quốc lộ 1 mấp mô như sóng

Đưa vào sử dụng chưa được bao lâu, mặt đường QL1 đoạn từ Quảng Bình đến Thừa Thiên-Huế đã bị sụt lún ở nhiều nơi, ẩn họa nguy cơ tai nạn.

Đưa vào sử dụng chưa được bao lâu, mặt đường QL1 đoạn từ Quảng Bình đến Thừa Thiên-Huế đã bị sụt lún ở nhiều nơi, ẩn họa nguy cơ tai nạn.

Các vết lún, hằn sâu trên mặt đường QL1 đoạn từ TP. Đông Hà đi TX.Quảng TrịNhững vết hằn, lún sụt, lượn sóng trên QL1 đoạn cầu Nong - ngã ba La Sơn (H.Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) - Ảnh: Đình Toàn

"Say sóng" trên quốc lộ

Tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, tình trạng hằn lún trên QL1 ngay sau khi đưa vào sử dụng xảy ra chủ yếu ở gói thầu dài 31 km từ H.Phong Điền qua TX.Hương Thủy đến ngã ba La Sơn, do Công ty TNHH Trùng Phương làm chủ đầu tư và thi công. Đây là gói thầu được đầu tư theo hình thức BOT thuộc dự án nâng cấp, mở rộng QL1, kinh phí dự kiến hơn 2.000 tỉ đồng, Công ty CP tư vấn xây dựng công trình giao thông 5 tư vấn thiết kế, Công ty CP tư vấn xây dựng 533 làm tư vấn giám sát. Hằn lún xuất hiện ở nhiều đoạn xảy ra khoảng cuối tháng 5 và đầu tháng 6, khi mới đưa vào sử dụng hơn 10 ngày. Trong đó, có nơi xuất hiện các vết lún, hằn sâu 2,5 - 3 cm. Ở đoạn từ cầu Nong (xã Lộc Bổn) đến ngã ba La Sơn (xã Lộc Sơn, H.Phú Lộc) còn xuất hiện thêm những vết bong tróc nhựa thảm mặt nền. Giới tài xế cho biết để tránh xe bị nghiêng, khi qua đoạn này họ phải cho xe chạy theo hai vết hằn trên mặt đường. "Đi biển có khi không say sóng, nhưng đi xe qua đoạn đường ni có khi bị nôn vì phải qua các con sóng lượn", một người đi đường than thở.

Đi biển có khi không say sóng, nhưng đi xe qua đoạn đường ni có khi bị nôn vì phải qua các con sóng lượn

Một người đi đường

Trong khi đó, tại Quảng Bình và Quảng Trị, tình trạng hư hỏng, sụt lún cùng xảy ra trên đoạn đường QL1 do Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh xây dựng. Dự án nâng cấp QL1 từ TP.Đông Hà đến TX.Quảng Trị được khởi công xây dựng vào tháng 10.2008, do Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh (Quảng Bình) xây dựng theo hình thức BOT. Dự kiến ban đầu sau 2 năm sẽ hoàn thành, với mức đầu tư 600 tỉ đồng. Tuy nhiên, thực tế mức này đã đội lên hơn 1.000 tỉ đồng và phải đến năm 2014, việc xây dựng mới hoàn thành. Trong thời gian xây dựng, con đường này trở thành điểm nóng tai nạn giao thông của tỉnh Quảng Trị.

Theo phản ánh của người dân cũng như khảo sát của PV, chỉ hơn 2 tháng sau khi đưa vào hoạt động, đoạn đường này đã xuất hiện nhiều điểm trồi lún bất thường, có điểm nhiều vết hằn theo làn bánh xe tải, lõm xuống trên dưới 10 cm nhưng cũng có điểm nổi ụ cao hơn mặt đường 5 cm. Ngoài việc nền đường xuống cấp, hiện rất nhiều đoạn vỉa hè bị hư hỏng, bong tróc nghiêm trọng.

Tại Quảng Bình, đoạn đường tránh lũ dài 33 km đi qua địa bàn 2 huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy, được đấu nối QL1 tại xã Võ Ninh (H.Quảng Ninh) và xã Hưng Thủy (H.Lệ Thủy) cũng cùng cảnh ngộ. Đoạn đường này xây dựng mới hoàn toàn và không trùng tuyến QL1 cũ. Thời gian sử dụng mới chưa đầy 1 tháng (từ ngày 2.6) nhưng đã xuất hiện tình trạng bị lún khiến nhiều người bất bình phản ánh. Theo ghi nhận của chúng tôi vào ngày 11.6, đoạn từ Km 679 - 682 lún nặng nhất, mặt đường lún khoảng 1,5 cm. Trời mưa làm nước đọng từng vũng và rãnh lớn kéo dài.

Nhiều điểm lồi, lõm xuất hiện dày đặc trên QL1 đoạn từ TP.Đông Hà đi TX.Quảng TrịNhiều điểm lồi, lõm xuất hiện dày đặc trên QL1 đoạn từ TP.Đông Hà đi TX.Quảng Trị - Ảnh: Thanh Lộc

Đoạn QL1 có tổng chiều dài gần 30 km ở phía bắc tỉnh Quảng Bình đi qua 2 huyện Quảng Trạch và Bố Trạch do Công ty CP Tasco đầu tư cải tạo, được khánh thành vào ngày 2.6, cũng chung “điệp khúc” lún. Cụ thể, các điểm lún ở nam cầu Gianh và đoạn qua 2 xã Thanh Trạch, Hải Trạch (H.Bố Trạch); các vết lún hằn theo vệt bánh xe.

Người ta cũng chấp hành sửa chữa, có chỗ người ta gọt, có chỗ người ta đào lên rồi rải thảm lại... Nhưng đáng tiếc là nhiều vị trí thảm rồi vẫn có dấu hiệu lún lại và một vài vị trí nhẹ giờ lại chuyển sang lún nặng

Ông Nguyễn Trung Thông, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ 2.5

Đường hỏng do... thời tiết ?!

Ông Võ Minh Hoài, Chủ tịch Tập đoàn Trường Thịnh, lý giải: do trời quá nắng nóng khiến nhiệt độ nền đường quá cao, nhiều thời điểm nhiệt độ lên đến 71 độ nên nhựa bị biến dạng; nhất là khi bị xe tải trọng lớn cán lên. Cũng theo ông Hoài, độ lún vẫn đang trong phạm vi cho phép, phía tập đoàn đã phát hiện và đang theo dõi để có hướng xử lý.

Còn Tổng giám đốc Công ty CP Tasco Hoàng Hà Phương cho rằng: “Việc thiết kế cũng chưa phù hợp, ở vùng nắng nóng thì phải dùng nhựa chịu nhiệt nhưng nếu dùng thì tăng chi phí lên cao. Tình trạng lún cục bộ là do việc thi công không thể đồng nhất, các mẻ trộn không như nhau được”.

Tương tự, tại đường tránh TX.Kỳ Anh (Hà Tĩnh) dài 33 km, tổng mức đầu tư 1.276 tỉ đồng, do Ban Quản lý dự án an toàn giao thông (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư, cũng đã xuống cấp nghiêm trọng. Trên mặt đường xuất hiện nhiều vệt bánh xe, đang được chủ đầu tư khắc phục. Tuy nhiên, tại các đoạn Km 567-568; Km 571-572; Km 575-576; Km 587-589 vẫn còn nhiều vệt lún tạo thành 2 cái máng rộng 0,7 - 0,9 m, có nơi lún so với mặt đường 2 - 4 cm, thậm chí có điểm lún hơn 6 cm. Về nguyên nhân, ông Trương Đức Liên, Ban Quản lý dự án an toàn giao thông, cũng cho rằng đường bị xuống cấp nhanh, xuất hiện vết hằn, lún là do tình trạng nắng nóng kéo dài và do xe quá tải. Theo ông Liên, ở những điểm lún sâu từ 2,5 cm trở lên, chủ đầu tư đang yêu cầu các đơn vị thi công dùng máy bóc, lột hẳn lớp mặt đường để rải lại bằng thảm nhựa polymer. Riêng những đoạn lún ít hơn sẽ dùng máy cào bằng phần mặt đường nhô lên phía trên để đảm bảo an toàn cho các phương tiện giao thông.

  Nhiều đoạn vỉa hè thuộc đoạn QL1 từ TP.Đông Hà đi TX.Quảng Trị hư hỏng nặng Nhiều đoạn vỉa hè thuộc đoạn QL1 từ TP.Đông Hà đi TX.Quảng Trị hư hỏng nặng - Ảnh: Thanh Lộc

Ông Trần Văn Thịnh, Phó tổng giám đốc công ty kiêm Giám đốc BQL dự án mở rộng QL1, chi nhánh tại tỉnh Thừa Thiên-Huế của Công ty TNHH Trùng Phương, cho hay tình trạng hằn lún trên QL1 tại gói thầu do công ty đầu tư và thi công đã được công ty báo cáo Bộ GTVT. “Chúng tôi đang cùng Vụ Khoa học - Công nghệ (Bộ GTVT) và Trường đại học GTVT (Hà Nội) phối hợp rà lại toàn bộ các vật tư vật liệu thi công, đánh giá lại các nguyên nhân để làm sao có một hỗn hợp bê tông nhựa thật tối ưu. Bởi vì hỗn hợp trước đây nhà đầu tư sử dụng chưa tối ưu, dù đã sử dụng công thức chế tạo mẫu trong phòng thí nghiệm đúng quy định”, ông Thịnh cho biết thêm.

Trong khi các nguyên nhân đang được tiếp tục mổ xẻ thì đường vẫn tiếp tục lún, người dân cứ tiếp tục chờ...

Sửa rồi lại... lún

Ông Nguyễn Trung Thông, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ 2.5 (Cục Quản lý đường bộ, Bộ GTVT, đóng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị), cho biết đã nhiều lần mời Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh vào làm việc và đã lập nhiều biên bản, yêu cầu sửa chữa. “Người ta cũng chấp hành sửa chữa, có chỗ người ta gọt, có chỗ người ta đào lên rồi rải thảm lại... Nhưng đáng tiếc là nhiều vị trí thảm rồi vẫn có dấu hiệu lún lại và một vài vị trí nhẹ giờ lại chuyển sang lún nặng”, ông Thông nói. Cũng theo ông Thông, chi cục đã yêu cầu phía chủ đầu tư phải cố gắng sửa chữa làm sao cho các điểm hư hỏng cơ bản tạm ổn, đảm bảo an toàn giao thông trước ngày 30.6.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.