Quốc hội thảo luận luật Thuế TNDN sửa đổi: Cần giảm thuế suất xuống 20%

30/05/2013 03:35 GMT+7

Để có thể nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, theo các đại biểu Quốc hội, cần giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp xuống còn 20% chứ không chỉ 22% như Chính phủ đề xuất.

Quốc hội thảo luận luật Thuế TNDN sửa đổi: Cần giảm thuế suất xuống 20%

Việc giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ giúp các doanh nghiệp có điều kiện phục hồi sớm hơn - Ảnh: Diệp Đức Minh

Phiên thảo luận của Quốc hội (QH) ngày 29.5 về dự thảo luật sửa đổi luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đã ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết của các ĐB là doanh nhân.

Phải có biện pháp khẩn cấp

ĐB Nguyễn Văn Bình (Hải Phòng) cho rằng: “Nếu giảm từ 25% xuống còn 22% thì vẫn là giải pháp tuần tự, có tính chất bình thường, trong khi đó nền kinh tế rất khó khăn, cần phải có biện pháp khẩn cấp. Vì vậy, theo tôi giảm xuống 20% sẽ phù hợp, bởi đây là giải pháp đột phá nhất”.

ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) lập luận, doanh nghiệp (DN) kinh doanh có lãi mới có tiền nộp thuế, nếu thuế suất cao DN làm ăn lãi ít, ngân sách thu được ít; ngược lại thuế suất thấp, DN hoạt động tốt hơn, lợi nhuận nhiều, nộp thuế nhiều. Hiện nay trong bối cảnh phần lớn DN gặp khó khăn, hoạt động cầm chừng lại phải cạnh tranh gay gắt với các DN có vốn đầu tư nước ngoài (nhiều DN chỉ phải nộp thuế suất 15 - 20% suốt vòng đời dự án), dẫn tới DN nội thua ngay trên sân nhà. Trong những năm tới dự báo tình hình còn tiếp tục khó khăn, quá trình tái cơ cấu nhiều DN phải xử lý. Vì vậy theo ĐB Đỗ Văn Vẻ, QH nên đồng ý giảm xuống 20% và giảm tiếp xuống còn 18% kể từ năm 2016, không phân biệt quy mô, loại hình DN.

Một số ĐB giữ quan điểm như tờ trình của Chính phủ, cho rằng việc giảm thuế suất xuống 22% và tiếp tục giảm còn 20% vào năm 2016 là phù hợp, không gây biến động giảm thu đột ngột của ngân sách. Tuy nhiên, ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN), đã phản biện bằng nhiều căn cứ xác thực để thuyết phục QH giảm thuế xuống còn 20%. Thứ nhất, theo ĐB Lộc, qua các cuộc tiếp xúc, lần nào cử tri cũng đặt ra câu hỏi: Phải có giải pháp gì mang tính chất đột phá để tháo gỡ khó khăn? Điều đó nói lên rằng, Chính phủ đưa ra nhiều giải pháp nhưng chưa đủ mạnh. Do đó, việc lựa chọn giảm thuế suất sẽ là giải pháp trọng tâm, đột phá. Theo ĐB Lộc, từ khi giảm thuế TNDN từ 28% xuống 25% ngân sách nhà nước đã liên tục tăng thu với tốc độ cao. Chính phủ đánh giá mức thuế suất của VN không cao so với các nước trong khu vực, nhưng hiện tại môi trường kinh doanh không tốt, năng lực cạnh tranh suy giảm, mức thuế lại thiếu cạnh tranh so với Thái Lan, Myanmar, Indonesia sẽ hoàn toàn bất lợi cho DN trong nước.

“Đề nghị mạnh dạn giảm thuế xuống 20% kể cả DN lớn lẫn vừa và nhỏ. Nếu chúng ta chỉ áp cho DN vừa và nhỏ sẽ có nhiều khó khăn về kỹ thuật khi triển khai, do quan niệm tiêu chí chưa rõ. Ngoài ra, xuất hiện một loạt phức tạp trong phê duyệt, dễ nảy sinh cơ chế xin cho, làm quá trình triển khai chậm, hỗ trợ không đến được với dân”, ĐB Lộc góp ý.

“Đặt giới hạn chi là trói tay doanh nghiệp”

 

Đặt giới hạn chi trong khi hầu hết các nước không áp dụng là tự trói tay doanh nghiệp thay vì hỗ trợ doanh nghiệp, tôi đề nghị nên bỏ mức khống chế này

ĐB Mai Hữu Tín (Bình Dương)

ĐB Mai Hữu Tín (Bình Dương) cho rằng, việc tăng mức khống chế chi môi giới, hoa hồng, quảng cáo từ 10% lên 15% như dự thảo luật là bước tiến lớn. Tuy nhiên, ông bày tỏ: “Đặt giới hạn chi trong khi hầu hết các nước không áp dụng là tự trói tay DN thay vì hỗ trợ DN, tôi đề nghị nên bỏ mức khống chế này”.

Đồng quan điểm trên, theo ĐB Trần Văn Tấn (Tiền Giang), DN có nhiều loại lớn, nhỏ. Việc khống chế một mức gây bất lợi cho DN vừa và nhỏ. “Tôi đề nghị cần xem xét mức này (15% tổng chi phí của DN - PV) và nên tiến tới xóa bỏ”, ĐB Tấn đề xuất. ĐB Dương Trung Quốc thẳng thắn cho rằng, quy định mức trần khống chế có phải chăng do một số người lúc nào cũng dè chừng, không tin DN. Trên thực tế, chi phí cho quảng cáo nhà nước vẫn thu được, không sợ DN chạy mất.

ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) và ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cũng nhận định, về xu hướng cải cách hiện đại hóa ngành thuế cần thiết phải bỏ trần và dần tiến tới một mức thuế suất chung. Tuy nhiên, hai ĐB kiến nghị trước mắt do trình độ, năng lực quản lý của DN chưa cao, nên cần phải đặt trần, nhưng phải đặt là 15% trên tổng doanh thu chứ không phải chi phí của DN. “Chi phí của DN được trừ cuối năm, quý 1 năm sau mới điều chỉnh, do đó nên quy định trên doanh thu, như vậy DN sẽ cân đối được nguồn vốn để sử dụng chi quảng cáo ở mức phù hợp”, ĐB Hường đề nghị.

Theo tờ trình của Chính phủ, luật Thuế TNDN qua 4 năm thực hiện số lượng DN đã đăng ký thuế và đang hoạt động từ 286.400 (năm 2008) đã tăng lên 461.134 trong năm 2012. Trong giai đoạn từ 2009-2012, dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn thách thức và có sự điều chỉnh giảm thuế suất từ 28% xuống 25% nhưng số thu ngân sách nhà nước vẫn đảm bảo tăng trưởng, tăng trưởng bình quân 21,85%.

Dự kiến luật Thuế TNDN sửa đổi có hiệu lực từ 1.1.2014. Riêng thuế suất 20% áp dụng đối với DN vừa và nhỏ, 10% đối với DN đầu tư nhà ở xã hội từ 1.7.2013.

Đề nghị giảm thuế còn 10% cho các loại hình báo chí từ 1.7.2013

Trong tờ trình, Chính phủ không quy định áp dụng thuế ưu đãi 10% đối với các loại hình báo chí khác ngoài báo in như: báo hình, báo phát thanh, báo điện tử... với lý do giảm thuế sẽ làm giảm thu ngân sách. Theo luật Báo chí, đây là sản phẩm văn hóa, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, thực hiện nhiệm vụ chính trị Đảng và Nhà nước giao. Thực tế, thời gian qua hầu hết hoạt động phát hành của các cơ quan báo in bị lỗ, phải lấy nguồn thu từ hoạt động quảng cáo bù đắp. Nhưng hoạt động quảng cáo trên báo khác với hoạt động quảng cáo khác vì nó bị giới hạn bởi diện tích, thời lượng, khuôn khổ và đặc biệt hiện nay là những khó khăn của DN. Theo báo cáo của Bộ Thông tin - Truyền thông, do kinh tế khó khăn, năm 2012 quảng cáo báo in giảm 8% so 2011. Thu nhập quảng cáo trên truyền hình khá hơn, nhưng trong 67 đài có 4 trung tâm lớn có doanh thu quảng cáo tốt, có tiền nộp thuế, còn trên 60 đài rơi vào hoàn cảnh hết sức khó khăn.

Chúng tôi đề nghị, QH xem xét không chỉ giảm thuế suất xuống 10% cho báo in, mà còn tất cả các loại hình báo khác. Đồng thời, áp dụng sớm từ 1.7.2013 như đề xuất áp dụng đối với một số DN ưu tiên khác, thay vì áp dụng chung từ 2014. Giảm thuế suất không ảnh hưởng nhiều đến ngân sách nhà nước, lợi ích chính trị báo chí mang lại rất nhiều.

ĐB Hà Minh Huệ (Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo VN)

Anh Vũ 

>> Giảm thuế suất thuế nhập khẩu ô tô
>> Giảm thuế, đừng sợ giảm thu
>> QH thảo luận luật Thuế TNDN và luật Thuế GTGT: Giảm thuế, bỏ “trần” quảng cáo
>> Giảm thuế TNDN càng nhanh càng tốt
>> Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Nên giảm thuế TNDN từ 1.7.2013 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.