Quốc hội quyết nghị xử lý người đứng đầu để xảy ra xâm hại trẻ em

Lê Hiệp
Lê Hiệp
19/06/2020 17:00 GMT+7

Quốc hội yêu cầu đề cao trách nhiệm và xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương để xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em trên địa bàn quản lý.

Chiều 19.6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Xử phạt hành chính hành vi xâm hại trẻ em chưa đủ răn đe

Nghị quyết đánh giá hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng được ban hành tương đối đầy đủ, đồng bộ, kịp thời. Việc áp dụng các biện pháp hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em có nguy cơ bị xâm hại và trẻ em bị xâm hại được chú trọng hơn.
“Các vụ việc, vụ án xâm hại trẻ em cơ bản được xử lý kịp thời, nghiêm minh, góp phần phòng ngừa vi phạm, tội phạm xâm hại trẻ em”, nghị quyết nêu rõ.
Tuy nhiên, Quốc hội cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em còn một số hạn chế, bất cập. Đáng chú ý, chế tài quy định trong một số nghị định xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến phòng, chống xâm hại trẻ em còn nhẹ, chưa bảo đảm tính răn đe. Bạo lực đối với trẻ em xảy ra trong gia đình ít được phát hiện, xử lý.
Cạnh đó, việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là yêu cầu bức thiết, nhưng pháp luật quy định chưa đầy đủ, kịp thời, tiềm ẩn nhiều nguy cơ trẻ em bị xâm hại.
Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý các hành vi xâm hại trẻ em ở một số địa phương chưa được tiến hành thường xuyên, kịp thời, hiệu quả chưa cao. “Trong thời gian tới, nếu không có các biện pháp phòng ngừa hiệu quả thì tình hình xâm hại trẻ em sẽ vẫn diễn biến phức tạp và có chiều hướng tăng”, vẫn theo nghị quyết.
Quốc hội cũng cho rằng, những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Cụ thể, một số cấp ủy, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng chưa nhận thức đầy đủ, chưa thực sự quan tâm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng. Một số cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền chưa làm hết trách nhiệm được giao…
Về các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong thời gian tới, Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng và chính quyền địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên đề. “Đề cao trách nhiệm và xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương để xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em trên địa bàn quản lý mà không có các biện pháp chỉ đạo, xử lý có hiệu quả, hoặc vi phạm pháp luật về bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em”, nghị quyết nêu rõ.

Khởi tố 100% các vụ xâm hại có dấu hiệu tội phạm

Trong nội dung nghị quyết vừa thông qua, Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an ban hành Quy định về điều tra thân thiện trong các vụ án xâm hại trẻ em. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai mô hình “Phòng điều tra thân thiện” tại công an các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư. Ban hành và triển khai kế hoạch phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng giải quyết các vụ án xâm hại trẻ em cho điều tra viên.
Quốc hội đồng thời yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo cơ quan điều tra các cấp bảo đảm tỷ lệ thụ lý tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đối với các vụ xâm hại trẻ em đạt 100%; tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố về xâm hại trẻ em đạt trên 95%.
Đặc biệt, 100% các vụ có dấu hiệu tội phạm phải được khởi tố để điều tra theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Bộ Công an cũng được yêu cầu nắm đầy đủ, kịp thời thông tin các đối tượng đã có tiền án về xâm hại trẻ em và tiến hành các biện pháp phòng ngừa theo quy định của pháp luật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.