Quốc hội không đồng ý đưa EVN, PVN vào đối tượng đầu tư công

Lê Hiệp
Lê Hiệp
13/06/2019 13:27 GMT+7

Với 439/450 số đại biểu có mặt tán thành (chiếm 90,7% tổng số đại biểu), Quốc hội đã thông qua luật Đầu tư công sửa đổi vào sáng nay, 13.6.

Báo cáo giải trình tiếp thu dự thảo luật Đầu tư công (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, một số đại biểu đề nghị bổ sung quy định để đưa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel vào đối tượng đầu tư công và giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết về trình tự thực hiện, để đảm bảo cơ sở pháp lý và phù hợp thực tiễn.
Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, tại khoản 4 điều 4 của dự thảo Luật, cơ quan được Thủ tướng giao kế hoạch đầu tư công đã bao gồm “cơ quan, tổ chức khác được giao kế hoạch đầu tư công”.
Bên cạnh đó, nguồn vốn nhà nước để lại cho đầu tư tại một số tập đoàn như ý kiến đại biểu đã nêu, từ năm 2019 được đưa vào thu ngân sách nhà nước, phân bổ và giao dự toán theo quy định của luật Ngân sách nhà nước. Nếu các tập đoàn này được giao kế hoạch đầu tư công thì chịu sự điều chỉnh của luật Đầu tư công theo quy định tại khoản 4, điều 4 của dự thảo Luật.
Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định như dự thảo chứ không bổ sung 3 tập đoàn nêu trên vào đối tượng đầu tư công.

Giữ nguyên tổng mức đầu tư dự án quan trọng quốc gia

Một vấn đề khác là nâng tổng mức đầu tư dự án quan trọng quốc gia cũng không được đưa vào dự thảo Luật thông qua.
Theo ông Hải, tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định giữ nguyên tiêu chí phân loại dự án như luật hiện hành về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia và phân loại dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C.
Trước đó, trong dự thảo trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 cuối năm ngoái, Chính phủ đề nghị nâng tổng mức đầu tư dự án quan trọng quốc gia lên 35.000 tỉ thay vì 10.000 tỉ như luật hiện hành, và nâng tổng mức đầu tư các dự án nhóm A, B, C lên tương ứng.
Sau đó, tới kỳ họp này, Chính phủ đề xuất nâng tổng mức đầu tư dự án quan trọng quốc gia lên 20.000 tỉ thay vì 35.000 tỉ như đề xuất trước đó, song vẫn không được chấp nhận.

Quốc hội vẫn sẽ quyết danh mục đầu tư công

Một vấn đề gây tranh luận trong quá trình thảo luận dự thảo luật Đầu tư công sửa đổi là đề xuất Quốc hội giao thẩm quyền quyết định danh mục dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Chính phủ cũng không nhận được sự đồng tình của các đại biểu Quốc hội.
Báo cáo của Ủy ban Thường vụ cho hay, theo kết quả lấy ý kiến đại biểu Quốc hội ngày 3.6 vừa qua, không có phương án nào trong 2 phương án (giao cho Chính phủ hoặc giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội) được trên 50% đại biểu Quốc hội lựa chọn. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ như quy định hiện hành.
Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng bổ sung vào nội dung báo cáo kế hoạch đầu tư công trung hạn trình cấp có thẩm quyền phê duyệt nội dung trình về “định hướng cơ cấu đầu tưu theo ngành, lĩnh vực trong trung hạn” và tổng mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn của từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương; tổng mức vốn của từng cơ quan, tổ chức được giao kế hoạch vốn đầu tư công để phù hợp với quy định của luật Ngân sách nhà nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.