Quốc hội bế mạc kỳ họp 7, vấn đề then chốt nào được quyết?

15/06/2019 10:00 GMT+7

Với 84,3% tổng số đại biểu tham gia bỏ phiếu tán thành, Quốc hội chính thức thông qua luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Chiều 14.6, sau 20 ngày làm việc, kỳ họp 7 Quốc hội khóa 14 đã bế mạc. Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết các luật, nghị quyết được Quốc hội xem xét một cách thận trọng, kỹ lưỡng, đã cân nhắc đến từng phương án và được thông qua với sự đồng thuận cao.

"Đã uống rượu bia thì không lái xe"

Sáng 14.6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTV QH) đã tha thiết đề nghị QH bổ sung quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vào dự thảo luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Kết quả, 84,3% tổng số đại biểu (ĐB) tham gia bỏ phiếu tán thành, QH đã chính thức thông qua luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Trong đó có bổ sung quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Quy định này được bổ sung vào điều 5 dự thảo luật về các hành vi bị nghiêm cấm, bên cạnh hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; bán, cung cấp, khuyến mãi rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi...

Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa

Trong sáng 14.6, đa số ĐBQH cũng đã tán thành thông qua Nghị quyết phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể; Nghị quyết về việc thành lập đoàn giám sát chuyên đề của QH năm 2020 về vấn đề xâm hại trẻ em.
Cũng trong sáng 14.6, với 91,53% tổng số ĐB tán thành, QH đã thông qua luật Giáo dục sửa đổi. Một trong những điểm đáng lưu ý tại dự luật vừa thông qua là quy định có một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất cả nước, có một số sách giáo khoa (SGK) cho mỗi môn học (một chương trình, nhiều bộ SGK).
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật của UBTV QH, cho biết có ý kiến đề nghị quy định SGK phải được sử dụng ổn định, lâu dài. Tuy nhiên, UBTV QH cho rằng đa số ĐB đồng ý pháp điển hóa Nghị quyết 88 năm 2014 của QH khóa XIII về: có một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất cả nước, có một số SGK cho mỗi môn học, do đó đề nghị giữ nguyên quy định này trong dự thảo luật. Về thẩm quyền quyết định việc lựa chọn SGK, dự thảo luật giao UBND cấp tỉnh quyết định theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
Trong dự luật vừa thông qua, ngoài quy định miễn học phí cho học sinh tiểu học công lập, QH cũng đã bổ sung quy định nhà nước hỗ trợ tiền học phí cho học sinh tiểu học tại các địa bàn không đủ trường công lập, mức hỗ trợ do HĐND cấp tỉnh quyết định. Cạnh đó, trẻ em mầm non 5 tuổi ở các thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo được miễn học phí. Đối với trẻ em mầm non 5 tuổi không thuộc đối tượng nêu trên và học sinh trung học cơ sở sẽ được miễn học phí theo lộ trình do Chính phủ quy định.
Đối với nhà giáo, dự thảo luật thông qua quy định nâng chuẩn trình độ giáo viên (GV) mầm non là cao đẳng sư phạm trở lên; GV tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo GV trở lên. Dự thảo luật cũng bổ sung quy định cho phép trong trường hợp môn học chưa đủ GV được đào tạo trình độ đại học sư phạm thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

Xử nghiêm người Việt Nam đứng tên mua nhà cho người nước ngoài

Chiều 14.6, với đa số các ĐB tán thành, QH đã thông qua Nghị quyết “Về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị”.
Nghị quyết yêu cầu tăng cường hiệu lực, hiệu quả thanh tra, giám sát công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất. Ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai và quy hoạch đô thị. Xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành để xảy ra sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị, làm ảnh hưởng đến lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.
“Rà soát thực trạng, nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách để quản lý, xử lý nghiêm việc người Việt Nam đứng tên thay cho người nước ngoài để mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất trái pháp luật”, nghị quyết nêu rõ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.