Quảng Nam nóng chuyện giữ rừng

11/04/2018 13:00 GMT+7

Sau nhiều vụ phá rừng liên tiếp, ngày 10.4 UBND tỉnh Quảng Nam đã họp bàn nhiều nội dung và đặt ra câu hỏi nóng bỏng: Làm sao giữ rừng hiệu quả?

Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam cho hay Quảng Nam hiện còn khoảng 680.000 ha rừng, trong đó 455.000 ha rừng tự nhiên, còn lại là rừng trồng. Nhưng hàng loạt "điểm nóng" phá rừng tại Đông Giang, Nam Giang, Bắc Trà My, Núi Thành, Tiên Phước... cùng với vụ phá rừng thuộc lâm phận quản lý của Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Sông Thanh đang rà soát sẽ khiến diện tích rừng "thay đổi" nhiều. Chưa kể, các vụ phá rừng nghiêm trọng ở Đông Giang, Nam Giang cùng 242 vụ vi phạm lâm luật chỉ trong 3 tháng đầu năm 2018 chẳng khác nào những vết chém tàn nhẫn lên những cánh rừng còn sót lại.
Ông Lê Minh Hưng, Phó giám đốc Sở NN-PTNN tỉnh Quảng Nam, nhìn nhận kiểm lâm địa bàn thiếu tinh thần trách nhiệm trong công tác quản lý khi liên tiếp để xảy ra phá rừng, và hiện cơ quan quản lý đang tổ chức kiểm điểm. “Nếu công an điều tra ra có cán bộ dính dáng đến việc bao che, hay bảo kê cho lâm tặc thì kiên quyết xử lý nghiêm”, ông Hưng khẳng định. Trong khi đó, đại tá Nguyễn Đức Dũng, Phó giám đốc Công an tỉnh, cũng cho hay cơ quan chức năng đang khẩn trương rà xét địa bàn để làm rõ các vụ việc để báo cáo UBND tỉnh trong thời gian sớm nhất.
Lâm tặc tìm cách thuê người dân phá rừng
Theo ông Lê Trí Thanh phân tích, đồng bào dân tộc miền núi tham gia tuần tra bảo vệ rừng, nhưng khoản kinh phí hỗ trợ rất ít. Trong khi đó, lâm tặc tỏ ra rất tinh vi, nhiều nơi chúng chủ động thuê người dân để "né" trách nhiệm hình sự. "Hầu hết bà con không nhận thức được những hành vi vi phạm. Một số người nằm trong nhóm được giao khoán bảo vệ rừng, nhưng lại tiếp tay cho lâm tặc hoặc trực tiếp triệt hạ gỗ rừng tự nhiên”, ông Thanh đánh giá. 
Hữu Trà
Thay đổi cách thức bảo vệ
Trả lời PV Thanh Niên, ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh, cho biết địa phương có thể phải thay đổi hình thức giao khoán bảo vệ rừng, theo hướng không giao cho nhóm hộ mà giao cho cộng đồng; không giao kiểu chung chung, "cào bằng" mà thành lập các đội quản lý rừng chuyên trách. Đồng thời, thay vì quản lý theo lưu vực, sẽ tính đến chuyện quản lý theo đơn vị hành chính, tách riêng công tác quản lý nhà nước về thực thi pháp luật bảo vệ rừng (kiểm lâm) ra khỏi Ban quản lý rừng; các Ban quản lý rừng sẽ hoạt động như một đơn vị sự nghiệp gắn với chính quyền địa phương. “Từ tháng 6.2018, Quảng Nam sẽ triển khai dự án giám sát, cảnh báo sớm tình trạng phá rừng bằng công nghệ cao”, ông Thanh nói.
Trách nhiệm của lực lượng bảo vệ rừng cũng được đưa ra mổ xẻ. Theo ông Lê Trí Thanh, phải đặt vấn đề việc thực thi công vụ của lực lượng kiểm lâm, quản lý bảo vệ rừng và các lực lượng khác khi liên tiếp xảy ra nhiều vụ phá rừng, và chính quyền cơ sở cũng "có phần trách nhiệm" khi để lâm tặc tự tung tự tác. Với văn bản xử lý khẩn cấp cán bộ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp vừa ban hành (có nội dung gây phản ứng trái chiều khi yêu cầu kiểm lâm, BQL rừng phải ký cam kết tự nguyện không tiếp tay cho các hành vi phá rừng), theo ông Thanh ở góc độ nào đó cũng thể hiện quyết tâm cao của địa phương trong việc xử lý cán bộ. "Thông điệp của lãnh đạo tỉnh là nếu phát hiện cán bộ tiếp tay phá rừng thì căn cứ vào đó để xử lý nghiêm”, ông Thanh giải thích.
Áp lực giữ rừng đang gia tăng tại địa phương có nhiều diện tích rừng tự nhiên nhưng địa hình hiểm trở như Quảng Nam. Kiểm lâm địa bàn liên đới trách nhiệm ra sao trong các vụ phá rừng vừa qua, câu trả lời sẽ có trong thời gian tới. Nhưng trước mắt, chính quyền địa phương phải khẩn cấp chấn chỉnh lực lượng bảo vệ rừng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.