Quảng Nam: Nắng nóng lên đỉnh điểm, dân lập trạm bơm dã chiến cứu hàng trăm ha lúa

Mạnh Cường
Mạnh Cường
01/07/2020 14:37 GMT+7

Nắng nóng kéo dài, sông suối cạn kiệt ảnh hưởng đến việc sản xuất nông nghiệp. Để có nước cứu hàng trăm ha lúa, người dân ở Quảng Nam phải lập trạm bơm dã chiến đưa nước về. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời.

Nguy cơ mất trắng vụ hè thu vì nắng nóng

Nắng nóng, khô hạn kéo dài khiến việc sản xuất nông nghiệp của hàng trăm hộ dân ở các huyện Thăng Bình, Duy Xuyên, Phú Ninh, Điện Bàn… (Quảng Nam) gặp rất nhiều khó khăn. Để cứu hàng trăm ha lúa không bị chết khô, người dân lẫn chính quyền địa phương đã phải thuê máy nạo vét bùn ở sông, kênh rạch lấy nước rồi dùng máy bơm, bơm nước dẫn về đồng lúa.

Đất nứt nẻ vì nắng nóng kéo dài

ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Nhìn cánh đồng lúa với hơn 10 sào đang chết dần vì thiếu nước, bà Nguyễn Thị Thể (ở xã Duy Sơn, H.Duy Xuyên) ngao ngán cho biết vụ lúa hè thu năm nay đành chấp nhận trắng tay vì không có nước để tưới tiêu. “Gần 1 tháng nay gia đình tôi tìm đủ mọi cách để “chạy hạn”, cứu hàng chục sào lúa nhưng không thành. Nắng nóng, khô hạn thì kéo dài trong khi nước không có nên đành để cây lúa chết khô. Vụ lúa hè thu năm nay coi như "đổ sông đổ bể”, bà Thể nói.

Theo bà Thể, khu vực đồng Cả, đồng Dung (thuộc thôn Trà Kiệu Tây, xã Duy Sơn) đều lấy nước ở trạm bơm từ hồ Phú Ninh về. Tuy nhiên, năm nay nắng nóng kéo dài khiến nước trên hồ cũng dần “cạn đáy” nên không thể đáp ứng đủ để tưới cho hàng trăm ha lúa trên hai cánh đồng này. Nguy cơ hàng trăm ha lúa hè thu năm nay ở địa phương sẽ mất trắng.

Sông, hồ, kênh rạch cũng khô nước vì nắng nóng

ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Tìm mọi cách để “cứu lúa” không chỉ là việc làm của người dân xã Duy Xuyên mà còn là việc làm cấp thiết của hàng trăm hộ dân khác trên địa bàn các huyện như: Thăng Bình, Phú Ninh, Điện Bàn…

Ông Mai Hòa (ở xã Tam Đàn, H.Phú Ninh) cho hay năm nay nóng nóng lên đỉnh điểm, khô hạn khốc liệt khiến đất trồng lúa nứt nẻ hết. Để tạm thời cứu hàng trăm ha lúa không bị chết cháy, người dân phải bỏ tiền mua máy bơm nước, ống dẫn nước rồi lập trạm bơm dã chiến ngay cạnh đồng lúa dẫn nước từ các sông dài hàng km đưa nước về.

“Đây chỉ là biện pháp tạm thời để có thể cứu lúa. Thời gian tới nắng nóng còn kéo dài thì sẽ không còn cách nào để cứu lúa cả. Nắng nóng khiến các con sông cũng bị sâm nhập mặn, việc lấy nước về sẽ gặp rất nhiều khó khăn”, ông Hòa ngao ngán.

Nạo vét bùn, cát ở sông suối để tìm nước

Ông Nguyễn Văn Sáu, Phó giám đốc Hợp tác xã (HTX) Duy Sơn, cho biết hiện tại lúa trên các cánh đồng ở địa bàn đang trong giai đoạn mạ, đẻ nhánh. Nhiều diện tích lúa phụ thuộc nước tưới từ trạm bơm nhưng các trạm bơm hiện nay đã khô hạn. “HTX đang thuê máy móc và nhân công nạo vét bùn, cát lòng hồ, suối tận dụng mạch nước ngầm để chống hạn cứu lúa. Tuy nhiên, sắp tới vẫn không có mưa thì sẽ không có nước để phục vụ sản xuất”, ông Sáu nhận định.

Nước được dẫn về để cứu hàng trăm ha lúa

ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Ông Trần Huy Tường, Trưởng phòng NN-PTNT H.Duy Xuyên, cho biết năm nay từ đầu vụ đông xuân đã xuất hiện tình trạng khô hạn, nhiễm mặn và kéo dài đến nay nên việc sản xuất hết sức khó khăn về nguồn nước tưới.

Huyện đã dựng một số trạm bơm dã chiến và khởi công một số trạm bơm để dự phòng cho cuối vụ hè thu. Tuy nhiên, độ mặn đo được tại khu vực từ cầu Câu Lâu cũ ngược lên cầu Gò Nổi luôn ở mức 7 phần nghìn, tại bể hút của trạm bơm điện là 20 phần nghìn, trong khi đó lượng nước từ hồ chứa Phú Ninh đưa nước ra rất yếu.

Nước được người dân lấy từ sông rồi dùng ống dẫn về tới ruộng với chiều dài hàng km

ẢNH: MẠNH CƯỜNG

"Vụ hè thu 2020, H.Duy Xuyên sạ cấy khoảng 3.400/3.500 ha lúa theo kế hoạch, còn gần 100 ha không sản xuất được do thiếu nước. Nếu trong thời gian tới không có mưa thì các hồ chứa trên địa bàn sẽ không đủ nước để cung cấp. Trong trường hợp nước không đủ thì vào phải chấp nhận mất một số diện tích lúa để bảo vệ diện tích còn lại”, ông Tường nói.

Trong khi đó, một lãnh đạo Sở NN-PTNN Quảng Nam cho hay UBND tỉnh đã chỉ đạo cho đơn vị cũng như Chi cục Thủy lợi sử dụng tất cả các biện pháp có thể để tập trung cho công tác chống hạn, cũng như chỉ đạo các địa phương toàn lực cho chống hạn để đảm bảo vụ hè thu bị ảnh hưởng thiệt hại là thấp nhất.

Vị lãnh đạo này cũng cho hay, hiện đơn vị đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, TP và Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam báo cáo kết quả triển khai thực hiện kế hoạch sản xuất vụ hè thu năm 2020.

Trong đó nêu cụ thể việc triển khai công tác phòng chống hạn, nhiễm mặn, báo cáo tổng hợp các giải pháp phòng chống hạn, nhiễm mặn đã triển khai thực hiện để đảm bảo nguồn nước cấp cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp; tổng số diện tích đất sản xuất nông nghiệp chủ động nước đã thực hiện biện pháp chống hạn, nhiễm mặn; tổng kinh phí thực hiện và chi hỗ trợ. Đồng thời báo cáo rõ kế hoạch, giải pháp chống hạn, nhiễm mặn triển khai đến cuối vụ hè thu năm 2020.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam không chỉ thiếu nước phục vụ sản xuất mà việc nắng nóng, khô hạn kéo dài đã khiến nhiều nơi trên địa bàn tỉnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, đặc biệt là các huyện miền núi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.