“Quản” thị trường vàng, hiệu quả đến đâu ?

01/11/2012 03:46 GMT+7

Tái đăng đàn tại phiên thảo luận ở nghị trường sáng qua, 31.10, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định việc quản lý thị trường vàng đã đem lại kết quả khả quan bước đầu. Tuy nhiên, vẫn có đại biểu Quốc hội phản biện ý kiến này.

* Ai chịu trách nhiệm nợ đọng xây dựng cơ bản ?
* Tăng lương tối thiểu 100.000 đồng

Trước khi đưa ra những thông số khẳng định việc quản lý thị trường vàng bước đầu đã đem lại hiệu quả tích cực, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói: "Tôi xin thay mặt NHNN nhận trách nhiệm về việc không làm tốt thông tin truyền thông để phổ biến kịp thời những nội dung về chủ trương chính sách của nhà nước trong vấn đề quản lý thị trường vàng, do đó còn nhiều thông tin chưa đầy đủ và chính xác, gây nên những cách hiểu không đúng và bất ổn trên thị trường".

Chúng ta đang ngồi đây và ngoài kia hàng đoàn người đang xếp hàng để chuyển đổi, để kiểm định, để có bao bì mới của SJC và chúng ta cứ thản nhiên là người dân phải tự bảo vệ mình

ĐB Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa-Vũng Tàu)

Chặn đứng được “vàng hóa” nền kinh tế

Tiếp theo, ông Bình nói thống kê không chính thức, sơ bộ ban đầu nền kinh tế nước ta có khoảng từ 300 - 400 tấn vàng, trị giá tương đương 15 - 20 tỉ USD, không được đầu tư vào sản xuất kinh doanh và bị chôn chặt, dẫn tới tình trạng mỗi khi giá vàng biến động đã ảnh hưởng đến tỷ giá thông qua hoạt động nhập khẩu lậu vàng, gián tiếp làm cho lạm phát tăng cao cũng như tạo bất ổn của kinh tế vĩ mô. Để chống “đô la hóa” và “vàng hóa” nền kinh tế, Chính phủ đã chỉ đạo NHNN lập đề án chống “vàng hóa”, Chính phủ cũng đã ban hành 2 nghị định về quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng và xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực này. Sau 5 tháng thực hiện Nghị định 24 về quản lý sản xuất kinh doanh vàng, từ tháng 5.2012 trở lại đây, mặc dù giá vàng trong nước và thế giới đang chênh nhau từ 1 - 3 triệu đồng/lượng song không còn hiện tượng người dân đổ xô đi mua vàng như trước; tỷ giá cũng hoàn toàn ổn định và thậm chí tiếp tục hạ, NHNN vẫn mua được ngoại tệ để tăng thêm dự trữ ngoại hối.

Ngoài việc chặn đứng được “vàng hóa” nền kinh tế, từ tháng 5.2012 đến nay, hệ thống ngân hàng (NH) cũng đã mua lại được 60 tấn vàng hay nói cách khác là đã chuyển đổi được 60 tấn vàng sang tiền để phục vụ mục tiêu phát triển KTXH; và từ đầu năm đến nay, NHNN đã mua vào 10 tỉ USD, nhờ vậy đã cải thiện được thanh khoản nền kinh tế cũng như hệ thống NH, giảm được lãi suất và có những bước tăng trưởng.

 

Dư nợ tín dụng BĐS khoảng hơn 1 triệu tỉ đồng

Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng phát biểu: “Tính đến ngày 31.8.2012, dư nợ tín dụng của BĐS khoảng 203.000 tỉ đồng, trong đó tỷ lệ nợ xấu 6,6%, theo báo cáo của NHNN. Nếu tính chung các khoản cho vay liên quan đến BĐS như cho vay để kinh doanh, vay để đầu tư sản xuất và kinh doanh thế chấp bằng BĐS thì dư nợ tín dụng này khoảng 57% tổng dư nợ, tức là khoảng hơn 1 triệu tỉ đồng.

Ngoài các giải pháp Chính phủ đang thực hiện để giải quyết khó khăn của thị trường BĐS hiện nay, kiến nghị QH, Ủy ban Thường vụ QH cho phép miễn, giảm thuế GTGT cho các hộ gia đình cá nhân mua nhà xã hội và mua nhà thương mại để ở lần đầu, cho phép DN đầu tư nhà xã hội được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập DN ở mức cao nhất; cho phép các DN được quyền nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ bán, cho thuê nhà ở...”.

Thêm một lần nữa “xin nhận khuyết điểm trước QH” về một số tồn tại trong vấn đề quản lý thị trường vàng, Thống đốc dẫn luôn ví dụ về “khái niệm độc quyền vàng miếng SJC” và cho hay: Lý do NHNN chọn thương hiệu SJC khi thực hiện vai trò độc quyền nhà nước được dập vàng miếng là vì nhãn hiệu này hiện chiếm tới khoảng 93 -95% thị phần vàng miếng toàn quốc, đỡ gây nhiều xáo trộn. “Thời gian vừa qua, mặc dù chúng tôi đã tích cực phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng xét lại thì thấy còn có nhiều cách hiểu khác nhau. Do vậy, trong dư luận còn có nhiều lo lắng về vấn đề này, chúng tôi xin nhận khuyết điểm và sẽ cố gắng phổ biến rộng rãi hơn”, Thống đốc hứa.

Công khai minh bạch trong chính sách vàng

Tuy nhiên, trước lý giải của Thống đốc Nguyễn Văn Bình, ĐB Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa-Vũng Tàu) dẫn ngay thông tin nêu trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế QH cho rằng cơ chế quản lý thị trường vàng, kinh doanh vàng chưa mang lại hiệu quả và chưa đạt được mục tiêu đưa giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới.

“Chúng ta đang ngồi đây và ngoài kia hàng đoàn người đang xếp hàng để chuyển đổi, để kiểm định, để có bao bì mới của SJC và chúng ta cứ thản nhiên là người dân phải tự bảo vệ mình. Từ khi NHNN tăng cường quản lý và siết chặt kinh doanh vàng thì thị trường vàng chia làm hai. SJC luôn cao hơn 2 - 3 triệu đồng và phần còn lại bán sát giá vàng thế giới. Thống đốc nói vừa rồi mua vào 60 tấn vàng, tại sao nhà nước phải mua 60 tấn vàng trong khi giá cao, tại sao không nhập khẩu vàng từ nước ngoài nếu tỷ giá ổn định?”, ông Hiến phản biện.

ĐB này dẫn tiếp thông tin ngày 28.10 vừa qua, tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ, đại diện NHNN cho biết SJC chỉ nhận gia công và nhận 5.000 đồng phí, rồi đặt ra hàng loạt câu hỏi: Vậy SJC gia công cho ai? Tại sao giá chênh lệch như vậy và chênh lệch vào túi ai? Ngân sách nhà nước có được hưởng không? “Quy trình chuyển đổi từ vàng phi SJC sang vàng SJC bị buông thả để mặc thị trường xoay xở, mà phần thiệt thuộc về người dân và doanh nghiệp (DN) giữ vàng phi SJC”, ông Hiến nhận định.

ĐB này cũng cho rằng, chỉ có ở nước ta giá vàng mới phụ thuộc vào thương hiệu mà không phụ thuộc vào tuổi vàng, dẫn tới những mục đích huy động vàng trong dân không đạt được, các NH thương mại không được huy động vàng thì phải mua, mua thì nhu cầu tăng, giá tăng thì tác động xấu lên thị trường, và hệ lụy tiếp theo là mục đích kéo sát giá thế giới không đạt được. Ông Hiến đề nghị: “Công khai minh bạch trong chính sách vàng và các chính sách khác”.

“Quản” thị trường vàng, hiệu quả đến đâu ?
ĐB Nguyễn Văn Hiến phát biểu tại phiên thảo luận - Ảnh: Ngọc Thắng

Phải dùng lợi nhuận giải quyết nợ xấu

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng thông tin thêm về giải pháp xử lý nợ xấu từ nay đến cuối năm, trong đó có giải pháp yêu cầu các NH thương mại trích lập đầy đủ quỹ dự phòng rủi ro. “Đến cuối năm nay, tất cả những NH nào không trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro, chúng tôi không cho chia cổ tức. NHNN sẽ có các biện pháp thanh tra giám sát cần thiết để đảm bảo lợi nhuận của NH trước tiên phải phục vụ vấn đề xử lý nợ xấu”, Thống đốc cam kết.

Bấm nút phát biểu, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh nói ngay trong thực hiện tái cơ cấu NH cần phải chú ý 2 vấn đề rất lớn, đó là lợi ích nhóm và vấn đề nợ xấu. Đề nghị NHNN tập trung phân tích, bóc tách cho được nợ xấu, ông Thanh nhấn mạnh: “Muốn xử lý đúng thì phải phân loại cho đúng, làm rõ các DN nợ xấu bao nhiêu, riêng các tập đoàn, tổng công ty nợ xấu bao nhiêu? Thông thường khi vay mà không trả được nợ thì NH sẽ siết nhà, siết đất nhưng NH vẫn không siết nợ (các tập đoàn, tổng công ty nhà nước - PV) là vì sao?”.

Sau khi phân tích các khoản nợ xấu, thậm chí có những khoản không thể đòi từ sụt giảm giá trị bất động sản (BĐS) hiện nay so với giá trị thế chấp vay vốn ban đầu; các khoản lỗ hàng nghìn tỉ đồng của xi măng Hạ Long (Tập đoàn Sông Đà), xi măng Cẩm Phả (Tổng công ty CP xây dựng công nghiệp Việt Nam), ông Nguyễn Bá Thanh nhấn mạnh: “Đó là nợ xấu mà NHNN phải thống kê một cách nghiêm túc, mới nói được đến lúc nào mới giảm nợ xấu, đến năm nào giảm bao nhiêu phần trăm”.

Tăng lương tối thiểu 100.000 đồng

Tại phiên thảo luận buổi sáng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã báo cáo chi tiết về lộ trình tăng lương cơ bản và các nguồn dự kiến để chi lương.

Bộ trưởng cho hay, sau khi tiếp thu các ý kiến ĐBQH, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ báo cáo QH dự kiến xem xét quyết định phương án tăng lương ngay trong khi xem xét quyết định dự toán ngân sách năm 2013 tại kỳ họp này. Theo đó, sẽ tăng mức tiền lương tối thiểu chung cho cán bộ công chức, viên chức, cán bộ nghỉ hưu, người có công, với khoảng hơn 8 triệu người ở mức 100.000 đồng/người/tháng trong 6 tháng, bắt đầu từ ngày 1.7.2013. Tổng số kinh phí cần khoảng 20.700 tỉ đồng, trong đó ngân sách T.Ư lo 18.400 tỉ và ngân sách địa phương phải lo 3.300 tỉ đồng.

Để có nguồn tăng lương, Bộ trưởng Huệ cho biết, bắt buộc phải cơ cấu lại các khoản chi ngân sách và triệt để tiết kiệm chi tiêu. Cụ thể, Chính phủ dự kiến báo cáo QH xem xét quyết định giảm mức đầu tư công khoảng 10.000 tỉ đồng xuống còn 170.000 tỉ đồng, nhưng vẫn đảm bảo cao hơn mức bội chi ngân sách; cho phép phát hành trái phiếu chính phủ năm 2013 ở mức 55.000 - 60.000 tỉ đồng, nhưng vẫn đảm bảo tổng mức 225.000 tỉ đồng đã được QH quyết định cho cả giai đoạn đến năm 2015; tiết kiệm chi ngân sách T.Ư 10%, tương đương khoảng 1.600 tỉ đồng; giảm bớt chi hoàn thuế GTGT xuống còn 73.200 tỉ đồng. Kèm theo đó, ngân sách địa phương phải lo 3.300 tỉ đồng. “Đây là phương án tích cực và khả thi nhất có thể tính đến. Chính phủ sẽ cố gắng kiểm soát lạm phát ở mức 7 - 8%/năm để đảm bảo tăng thu nhập thực tế cho cán bộ, công chức và người lao động, người hưởng lương”, Bộ trưởng Huệ báo cáo.

Tại phiên thảo luận buổi chiều, một số ĐB tỏ ra lo ngại đề xuất của Chính phủ là “không ổn” khi cắt của đầu tư công một khoản quá lớn (10.000 tỉ đồng) có thể sẽ làm mất cân đối ngân sách, không đảm bảo đủ nguồn để chi cho đầu tư phát triển, kéo theo công ăn việc làm không được giải quyết, không đảm bảo tăng trưởng…

Khép lại phiên thảo luận buổi chiều, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, dù trong hoàn cảnh khó khăn nào cũng phải dành tiền tiết kiệm được, tính toán tiết kiệm thêm để giải quyết, khắc phục bớt khó khăn cho đối tượng chính sách, nhất là đối tượng đang hưởng trợ cấp ở mức thấp, và các cụ hưu trí, đặc biệt về hưu sớm lương hưu thấp. Ngoài ra, có thể dành thêm một phần chi cho cán bộ, công chức đang hưởng mức lương 2 - 3 triệu trở xuống.

“Ngân sách do QH quyết định, nên tôi tha thiết đề nghị QH có thể chưa điều chỉnh lương được, nhưng cũng tiết kiệm chi, dành một số tiền chắc không đến mức 21.700 tỉ đồng như Bộ Tài chính đề xuất. Các cơ quan chính phủ, QH trong những ngày tới sẽ tính toán theo tinh thần trên”, ông nói.

Anh Vũ  - Nguyệt Minh

Ai chịu trách nhiệm nợ đọng xây dựng cơ bản ?

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế QH, bày tỏ: “Nợ xây dựng cơ bản (XDCB) hiện nay số liệu giữa Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính không thống nhất, nên rất khó cân đối ngân sách. Nợ XDCB ở các địa phương rất lớn, số liệu cho thấy trong 15 tỉnh XDCB vượt 100% số giao ngân sách thì 12 tỉnh nằm ở miền Bắc. Kỷ luật chi ngân sách như thế nào để nợ như thế? Tôi nói ở đây có thể đoàn Hà Giang không hài lòng, nhưng đây là một điển hình trong nợ XDCB. Trước đây tập thể lãnh đạo Hà Giang bị kỷ luật một lần về vấn đề chi XDCB vượt nguồn thu ngân sách, ở thời điểm đó chỉ có 1.100 tỉ đồng. Đến bây giờ nợ gấp 10 lần số thu ngân sách của địa phương. Vậy trả thế nào, ai là người chịu trách nhiệm khi chi vượt ngân sách XDCB như thế, gây áp lực kinh tế vĩ mô, thu ngân sách. Báo cáo của Bộ Tài chính không thấy ghi dòng nào về trách nhiệm để xảy ra nợ đọng XDCB”.

Xem lại phí bảo trì đường bộ

ĐB Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) cho rằng: “Phí cho Quỹ bảo trì đường bộ dự định thu từ 1.1.2013, cần hết sức cân nhắc tính toán, nhằm góp phần đảm bảo an dân, thu phí nhưng người sử dụng không được cung cấp dịch vụ là không phù hợp bản chất phí, đây giống như một loại thuế. Đề nghị các cơ quan nên ngồi lại để bàn thêm. Bởi vì gốc của nó là phí sử dụng, luật và nghị định còn khác nhau. Luật quy định phí bảo trì đường bộ được hình thành từ các nguồn, trước hết là ngân sách nhà nước phân bổ hằng năm, rồi mới đến nguồn thu khác liên quan đến sử dụng đường bộ. Còn nghị định Chính phủ quy định thu hằng năm trên tổng phương tiện xe (ô tô, xe máy), sau đó mới đến ngân sách cấp bổ sung. Dự kiến thông tư của Bộ Tài chính cũng thế. Cách thu như thế này không tính đến mức độ sử dụng, mà bổ theo đầu xe, thì thu như thế nào cũng sẽ bị hiểu nhầm là một loại thuế. Chúng tôi sẵn sàng ngồi lại với cơ quan hữu quan để bàn lại trước khi thực hiện”.

Anh Vũ (ghi)

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.