Quản lý nguồn phóng xạ

18/08/2019 09:00 GMT+7

Mới đây, trước khi thực hiện quyết định cưỡng chế giao tài sản là Bệnh viện đa khoa Phú Thọ (TP.HCM) cho bên mua trúng đấu giá, hai nguồn phóng xạ tại bệnh viện này đã được di dời đến Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt.

Về quản lý, giám sát các nguồn phóng xạ ở bệnh viện (BV), PGS-TS Nguyễn Nhị Điền, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu hạt nhân (NCHN) Đà Lạt cho biết: Bộ KH-CN có Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Cục ATBX-HN) được giao nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thanh tra định kỳ các nguồn phóng xạ.
Tuy nhiên do nhiều tỉnh thành đều có các cơ sở sử dụng nguồn bức xạ, phóng xạ nên Cục ATBX-HN ủy quyền cho Sở KH-CN các tỉnh, thành giám sát, thanh tra định kỳ. Viện NCHN là nơi sản xuất đồng vị phóng xạ chịu sự giám sát, thanh tra của Cục ATBX-HN, nhưng mỗi lần tổ chức thanh tra đều có sự hiện diện của Sở KH-CN Lâm Đồng.
PGS-TS Nguyễn Nhị Điền cho biết sau hơn 30 năm vận hành, Viện NCHN Đà Lạt đều đặn cung cấp định kỳ 2 tuần một lần các đồng vị phóng xạ cho 25 BV có khoa y học hạt nhân trong cả nước, phục vụ chẩn đoán và điều trị bệnh cho khoảng 300.000 lượt bệnh nhân mỗi năm.
Sản phẩm đồng vị dưới dạng nguồn hở và dược chất phóng xạ do Viện NCHN Đà Lạt sản xuất gồm để chẩn đoán và điều trị các bệnh về tuyến giáp, các bệnh ngoài da; để hiện hình chẩn đoán chức năng và bệnh lý các cơ quan nội tạng. Các loại phóng xạ nguồn kín được sử dụng để xạ trị, đặc biệt là các bệnh ung thư.

Sử dụng, quản lý phóng xạ ở bệnh viện

TS-BS Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó giám đốc BV Ung bướu, TP.HCM, cho biết trước đây, BV Ung bướu TP có sử dụng máy xạ trị Cobalt - máy có nguồn phóng xạ bên trong, BV phải quản lý rất chặt. BV có dự án phối hợp với Bộ Năng lượng nguyên tử của Mỹ để họ giám sát cả bằng camera việc người ra vào phòng máy, vì sợ mất nguồn phóng xạ. Nhưng hiện nay BV không còn dùng máy Cobalt nữa mà đã chuyển về Viện NCHN Đà Lạt.
Máy xạ trị Cobalt, nguồn phát phóng xạ chỉ có 1 - 2 cm, được bọc trong một container 0,5 - 1 m (đầu máy), bề dày gồm chì và chất liệu cản xạ. Khi xạ trị, nhân viên y tế nhấn nút mở ra một khoảng trong container thì phóng xạ mới thoát ra khoảng này và chiếu vào người bệnh, khi đóng kín lại thì phóng xạ không thể thoát ra ngoài được. Chỉ khi nào rã máy mới lấy được nguồn phóng xạ này ra.
Nguyên tắc là khi nhốt nguồn phóng xạ trong container thì an toàn. Nhưng khi vận chuyển nguồn phóng xạ thì phải báo Cục ATBX-HN, chính quyền địa phương lộ trình di chuyển để giám sát, tránh tình huống bị mất nguồn phóng xạ.
Hiện nay BV Ung bướu dùng máy xạ trị gia tốc không có nguồn phóng xạ bên trong, máy chỉ phát xạ khi có nguồn điện, khi ngắt điện thì máy như một cỗ sắt. Nhưng BV phải đảm bảo an toàn phóng xạ khi phát nguồn và đảm bảo an ninh của máy.
Với loại phóng xạ hở, trong lĩnh vực y học hạt nhân còn có sử dụng Iodine 131 (uống phóng xạ liều cao) - điều trị bệnh lý tuyến giáp, thì bệnh nhân sau uống phóng xạ, được lưu giữ tại BV một thời gian. Bệnh nhân dùng riêng hệ thống nhà vệ sinh, có hầm chứa riêng biệt được xây dựng đúng tiêu chuẩn và chất thải có chất phóng xạ được lưu giữ trong một thời gian nhất định cho đến khi đảm bảo không còn thì mới thải ra hệ thống chung. Mặt khác, phòng ốc chứa các nguồn phóng xạ, máy phát xạ phải đảm bảo an toàn.
Theo kỹ sư Nguyễn Tân Châu, Trưởng đơn vị ATBX (BV Chợ Rẫy), hiện BV có 1 máy chứa nguồn phóng xạ là máy Cobalt - 60 (dao gamma) trong xạ - phẫu điều trị bệnh lý não. Nguồn phóng xạ này được thiết kế rất cẩn trọng, chỉ có chuyên gia của hãng mới tiếp cận được, ngay cả nhân viên của BV cũng chưa thấy được nguồn phát phóng xạ này.
“Nguồn phóng xạ này thuộc nhóm 1 về an ninh - nguy cơ cao. BV được sự hỗ trợ từ Cục ATBX, Bộ Năng lượng Mỹ hệ thống cảnh báo an ninh. Chỉ có một vài người được đào tạo và có chứng chỉ bức xạ mới được phép vào khu vực có chứa nguồn phóng xạ này”, ông Châu nói.
Theo ông Châu, các loại máy gia tốc, máy Cobalt - 60 (phát ra nguồn năng lượng lớn tiêu diệt tế bào ung thư), các nguồn phóng xạ dùng để kiểm chuẩn máy... thuộc Cục ATBX-HN quản lý. Còn máy X-quang, CT scanner, DSA (phát ra nguồn năng lượng thấp dùng trong chẩn đoán hình ảnh)... thuộc thẩm quyền quản lý của Sở KH-CN. Các thiết bị có phát phóng xạ khi hết sử dụng thì trả về nhà sản xuất hoặc đưa về Viện NCHN Đà Lạt.

Lưu giữ các nguồn phóng xạ không còn sử dụng

Về lưu giữ các nguồn phóng xạ, PGS-TS Nguyễn Nhị Điền cho biết: Từ năm 1983 khi Liên Xô (cũ) giúp khôi phục lại Lò phản ứng hạt nhân - Viện NCHN Đà Lạt, họ có xây một "nhà mồ" để cất giữ tạm thời chất thải phóng xạ của lò phản ứng và các nguồn phóng xạ trôi nổi.
Từ đó đến nay Viện tiếp nhận khá nhiều nguồn phóng xạ không còn sử dụng hoặc "vô chủ". Cụ thể, năm 2009 Viện tiếp nhận các nguồn phóng xạ được trang bị từ trước năm 1950 của BV K Hà Nội và Ung bướu TP.HCM theo đề nghị của Bộ KH-CN.
Gần đây tiếp nhận nguồn phóng xạ "vô chủ" ở Bà Rịa-Vũng Tàu; mới đây (ngày 16.8), Viện tiếp nhận nguồn phóng xạ của BV Phú Thọ (TP.HCM) về cất giữ tạm thời tại “nhà mồ”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.