Phương án giảm 'ghế' HĐND không được ủng hộ

26/10/2019 08:42 GMT+7

Phương án giảm số lượng phó chủ tịch HĐND, phó trưởng ban HĐND chuyên trách không nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu Quốc hội.

Phương án giảm số lượng phó chủ tịch HĐND, phó trưởng ban HĐND chuyên trách không nhận được sự đồng tình khi nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng quá nặng về giảm số lượng mà chưa chú trọng tới nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy.

Giảm phó chủ tịch HĐND thì "chỉ đi họp cũng thiếu người"

Do nhiều đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) không đồng tình với phương án giảm số phó chủ tịch HĐND, phó trưởng ban HĐND theo đề xuất của Chính phủ tại kỳ họp trước, trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tổ chức Chính phủ và luật Tổ chức chính quyền địa phương đã đưa ra một phương án mới để tiếp tục thực hiện tinh thần tinh giản biên chế.
Theo đó, Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH đưa ra phương án số lượng phó chủ tịch HĐND và phó trưởng ban HĐND là 2 (như quy định hiện hành) hay giảm xuống còn 1 tùy thuộc vào việc chủ tịch HĐND và trưởng ban HĐND là kiêm nhiệm hay chuyên trách. Trường hợp chủ tịch HĐND cấp tỉnh là chuyên trách thì bố trí 1 phó chủ tịch HĐND chuyên trách; nếu chủ tịch HĐND kiêm nhiệm thì bố trí 2 phó chủ tịch HĐND chuyên trách.
Nêu ý kiến về nội dung này, ĐB Phạm Thu Trang (Quảng Ngãi) cho rằng những nội dung sửa đổi, bổ sung luật Tổ chức chính quyền địa phương còn nặng về giảm số lượng phó chủ tịch HĐND, phó trưởng ban, các ban của HĐND tỉnh, cấp huyện mà chưa chú trọng nhiều đến việc sửa đổi, bổ sung mô hình tổ chức hoạt động để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương. “Nếu căn cứ vào điều kiện chủ tịch HĐND là ĐB chuyên trách hay không chuyên trách để xác định số lượng phó chủ tịch HĐND thì tổ chức của thường trực HĐND không ổn định, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của HĐND”, bà Trang phân tích.
Cùng quan điểm, ĐB Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) cho rằng, nhiệm vụ của HĐND hiện nay rất nhiều, do đó, “nếu chỉ có 1 phó chủ tịch HĐND thì chỉ riêng việc đi họp cũng rất thiếu người”. Bà Hằng còn cho rằng việc đưa vào luật quy định “nếu - thì” có vẻ chưa ổn.

Không nên máy móc, cào bằng

Theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, việc giảm biên chế trong bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần nghị quyết của T.Ư là việc cả hệ thống chính trị phải làm, do đó cơ quan dân cử cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, theo bà Tâm, điều đó không có nghĩa là cào bằng mà phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan trong hệ thống. Nơi nào biên chế, tổ chức bộ máy không tương ứng thì phải giảm nhưng vẫn có nơi phải tăng. “Tôi nghĩ không nên máy móc, cào bằng”, bà Tâm nói. Từ đó, bà Tâm đề xuất không nên giảm số lượng phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh.
ĐB Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, nêu quan điểm: “Quan trọng nhất là ta phải có cơ chế, chế độ đãi ngộ để thu hút được nhiều cán bộ có trình độ, năng lực làm ĐB HĐND chuyên trách các cấp. Vì nếu không có người giỏi thì dù tăng biên chế hay thế nào cũng không giải quyết được”, ông Hiểu nói và cho biết chỉ có như vậy mới giải quyết được tình trạng mà người ta gọi là “nghị gật”, tức là ĐB không hiểu tình hình địa phương, chỉ ngồi cho đủ ghế chứ không phát biểu được, dẫn đến tình trạng trong khi nhân dân ở bên ngoài đang rất nóng thì trong hội trường họp HĐND các cấp lại rất… lạnh.

Bị kỷ luật mà xin nghỉ vì lý do sức khỏe là không trung thực với dân

Nêu ý kiến về quy định ĐB HĐND có thể đề nghị thôi làm nhiệm vụ ĐB vì lý do sức khỏe hoặc vì lý do khác trong dự thảo luật, ĐB Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) cho rằng, khi có đơn xin nghỉ của ĐB, kể cả ĐB HĐND và cả ĐBQH thì nên có kiểm tra và rà soát xem có đúng vì lý do sức khỏe hay không. Theo bà Thủy, trong thực tế, có nhiều ĐB khi làm nhiệm vụ ở cơ quan, đơn vị đã vi phạm pháp luật hay bị xử lý kỷ luật mà làm đơn xin thôi thì phải thẳng thắn, trung thực và công khai với tổ chức, nhân dân là vì bị kỷ luật hay không còn xứng đáng tư cách nữa thì xin thôi. “Nếu vì lý do kỷ luật mà lại đưa vào đơn là vì lý do sức khỏe thì không đúng. Đề nghị phải kiểm tra, rà soát. ĐB không trung thực với nhân dân là không được”, bà Thủy nêu quan điểm.

Chỉ trưởng đoàn kiểm toán được truy cập dữ liệu mật 

Chiều 25.10, QH nghe báo cáo và thảo luận về dự thảo luật Kiểm toán nhà nước (KTNN) sửa đổi. Hai nội dung quan trọng được đề cập là sự chồng chéo giữa thanh tra và kiểm toán; quyền truy cập dữ liệu mật, dữ liệu của cá nhân, tổ chức được kiểm toán.
Theo UBTVQH, việc bổ sung quyền truy cập cho KTNN là cần thiết để phục vụ hoạt động kiểm toán và phù hợp với thời đại công nghệ thông tin. Tuy nhiên, cơ sở dữ liệu quốc gia, dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán và của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán có nhiều loại thông tin khác nhau, có cả những thông tin mật, bí mật nhà nước… nên cần phân cấp quyền truy cập phù hợp và phải quản lý, giám sát chặt chẽ. Vì vậy, UBTVQH xin tiếp thu, quy định trong dự thảo luật chỉ trưởng đoàn kiểm toán được phép truy cập dưới sự giám sát và thống nhất về phạm vi truy cập của đơn vị được kiểm toán hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán (trưởng đoàn kiểm toán có thể ủy quyền truy cập bằng văn bản theo quy định của pháp luật).
Giải trình trước QH, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc trấn an các ĐB không nên quá lo lắng về việc lộ, lọt dữ liệu bởi khi muốn truy cập thì phải được cơ quan đó đồng ý. Ngoài ra, khi truy cập cũng đã thống nhất phạm vi, giới hạn với các đơn vị, cá nhân được kiểm toán. Bên cạnh đó, trưởng đoàn kiểm toán phải chịu trách nhiệm về bảo mật và quy định liên quan, nếu ủy quyền cho kiểm toán viên thì kiểm toán viên phải chịu trách nhiệm.
Về sự chồng chéo giữa thanh tra và kiểm toán, UBTVQH cho biết đã sửa dự thảo. Theo đó, quá trình lập, thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm toán, hai bên phải trao đổi với nhau. Khi tiến hành kiểm toán, thanh tra, nếu phát hiện trùng lắp, chồng chéo thì KTNN chủ trì, phối hợp với cơ quan thanh tra để xử lý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.