Tôi đã được gặp tướng Giáp, sau 37 năm...

22/02/2009 10:08 GMT+7

Cách đây 37 năm, trong xà lim khám Chí Hòa, dưới chế độ kiểm soát, cấm đoán và canh gác thường trực, anh giáo viên trẻ là tôi lúc đó đã đọc được những trang sử vinh quang của dân tộc VN, qua mặt được cả bọn cai tù...

Đó là hai cuốn sách nhỏ trong tủ sách bỏ túi của Nhà xuất bản Maspéro. Một trong hai cuốn đó là tác phẩm Guerre du peuple, armée du peuple (Chiến tranh nhân dân, quân đội nhân dân) của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cuốn sách đến tay tôi, được gói chặt trong một gói bánh bít-cốt mà mẹ tôi đã gửi từ Pháp sang Denver (bang Colorado) cho một bà mẹ người Mỹ có con trai là tù thường phạm tên Rich đang bị giam ở khu ID. Nhận được bưu kiện, bà mẹ Mỹ đã gửi cho con qua hành lý ngoại giao.

Thế là nhờ đường dây đoàn kết kỳ diệu ấy, nó đã lọt qua mọi cửa ải kiểm duyệt, khám xét, tôi đã nhận được gói quà quý báu, một thứ thần dược “siêu sinh tố” từ tay của một thanh niên Hoa Kỳ, trong khu nhà của trại giam Chí Hòa được gọi là “y viện mới”, nơi mà tù nhân nằm chờ chết vì không được thuốc men chữa chạy thật sự. Và hôm ấy, giám thị cặp kè đi bên cạnh, tôi hớn hở trở về xà lim, chân đi “dép râu”, cuốn sách kẹp sát bụng, sướng rơn như đứa trẻ vừa nhận quà Noel, tràn trề sinh lực và kiêu hãnh hơn cả ông vua mới lên ngôi.

Trong giờ phút bị áp chế tối tăm ấy, tôi bỗng cảm thấy tự do vô hạn.

1.  Món quà tôi vừa nhận được có khác nào sự thách thức ngạo nghễ của tình người trước sự man rợ của bộ máy đàn áp. Lúc ấy, tuy chưa đọc cuốn sách nhưng với tôi, nó là biểu tượng đoàn kết, tự do mà tôi sẵn sàng xả thân để che chở và bảo vệ. Lịch sử đương nhiên bao giờ cũng cật vấn mỗi người chúng ta thông qua những giây phút nghiệm sinh cá nhân, hết sức cụ thể. Nó gây sốc vào lúc đó rồi nó dẫn dắt ta tới những ý nghĩ bao quát hơn, phổ biến hơn.

 Món quà tôi vừa nhận được có khác nào sự thách thức ngạo nghễ của tình người trước sự man rợ của bộ máy đàn áp. Lúc ấy, tuy chưa đọc cuốn sách nhưng với tôi, nó là biểu tượng đoàn kết, tự do mà tôi sẵn sàng xả thân để che chở và bảo vệ. Lịch sử đương nhiên bao giờ cũng cật vấn mỗi người chúng ta thông qua những giây phút nghiệm sinh cá nhân, hết sức cụ thể. Nó gây sốc vào lúc đó rồi nó dẫn dắt ta tới những ý nghĩ bao quát hơn, phổ biến hơn.

 
André Menras (tên Việt là Hồ Cương Quyết) và bà Madeleine Riffaud trong căn hộ của bà ở Paris -Ảnh: Nguyễn Ngọc Giao

Về tác giả André Menras

Thầy giáo André Menras sinh năm 1945, được cử sang miền Nam VN năm 1968, dạy tiếng Pháp theo một chương trình hợp tác văn hóa với chính quyền Sài Gòn. Ngày 25-7-1970, ông đã cùng bạn mình, Jean - Pierre Debris, trèo lên đầu tượng đài “Thủy quân lục chiến” phía trước trụ sở Hạ viện Sài Gòn (Nhà hát TP bây giờ), treo cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam và rải truyền đơn chống tội ác chiến tranh của Mỹ. Hai ông bị bắt, giam tại khám Chí Hòa, đến tháng 12-1972 mới được thả và bị trục xuất về nước.

Họ viết chung cuốn sách Thoát khỏi ngục tù Sài Gòn, chúng tôi tố cáo, xuất bản năm 1973 tại Pháp, gây chấn động dư luận. Từ đó, A. Menras kết thân với Madeleine Riffaud - nhà báo kiêm nhà văn lừng danh của nước Pháp, người bạn chiến đấu thân thiết của nhân dân VN - như với người chị ruột thịt, cùng chung niềm đam mê mạnh mẽ ủng hộ VN chống Mỹ và ủng hộ phong trào tranh đấu cho quyền lợi nạn nhân chất độc da cam hiện nay...

Nguyễn Duy
(tóm tắt)

Trong phòng biệt giam tranh tối tranh sáng, tôi nghiến ngấu đọc cuốn sách còn thơm mùi bánh bít-cốt, vừa đọc vừa canh chừng cái ô cửa qua đó cai ngục vẫn thường tới xoi mói người tù, tai lắng nghe những tiếng bước đi. Và tôi đã khám phá ra những chân trời mới, mới lạ mà cũng rất gần gũi. Tôi cảm nhận rõ tướng Giáp, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí của họ đã đồng nhất tới mức nào với dân tộc VN, lãnh đạo và nhân dân gắn bó với nhau khăng khít, tự nhiên như người ta hít thở khí trời.

Tôi lại càng đo được cái diễm phúc và vinh dự của mình, là thông qua một sự đóng góp nhỏ nhoi, tôi đã đứng kề vai sát cánh với họ. Khi tôi trao tập tài liệu quý báu này cho các bạn tù là sinh viên Lập, Mẫm, Điềm, Công... để họ dịch sang tiếng Việt và bí mật phổ biến, tôi tự hẹn với mình một điều khá ngông cuồng, một thứ mơ ước không tưởng mà người ta thường nuôi dưỡng khi bị xuống tinh thần: nếu một ngày kia thoát khỏi nơi này, mi phải gặp cho bằng được tác giả những trang sách ấy để nói với ông là chúng đã sưởi ấm trái tim và khối óc của mi tới mức nào, đã tiếp sức cho mi tới mức nào để tiếp tục chiến đấu.

Vậy mà, mãi đến 37 năm sau, đầu năm Kỷ Sửu 2009, ước mơ đó của tôi mới trở thành hiện thực. Tôi nhận được lời mời của Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân và Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Tài sang VN “ăn tết”. Và nhờ sự giới thiệu trực tiếp của hai ông, tôi đã nhanh chóng thực hiện được ước mơ ấy: tới thăm đại tướng ở nhà riêng số 30 Hoàng Diệu, Hà Nội.

2. Tôi lúng túng như một chú bé con, bao nhiêu hình ảnh dồn dập hiện ra trong đầu óc khi tôi nhận ra cụ già ngồi trước mặt, thẳng người trong bộ quân phục màu xanh lá cây tề chỉnh, vai áo thẳng ngang hai cầu vai gắn năm ngôi sao vàng, đôi mắt oai phong dưới hai hàng lông mày muối tiêu. Trước mặt tôi là cả một tượng đài của lịch sử thế giới, hiện thân của những cuộc đấu tranh giải phóng các dân tộc, một trong những nhà sáng lập nước VN hiện đại, tác giả trứ danh của cuốn sách nhỏ, liều thuốc “siêu sinh tố” mà tôi từng ôm ấp trong phòng biệt giam Chí Hòa...

Tôi nghẹn ngào, ngồi bất động, lúng túng với những bó hoa và những tập tài liệu mang theo. Tôi do dự không biết nên nói tiếng Pháp hay tiếng Việt... Lúc đó, đại tướng chăm chú nhìn tôi như đợi tôi nói gì, phu nhân Đặng Bích Hà ngồi bên cạnh, mọi người chắc thấy tôi hơi bị ngố. Để khắc phục nỗi xúc động và cũng để tỏ lòng tôn kính, tôi quyết định dùng tiếng Việt, mặc dù tôi biết đại tướng và phu nhân sử dụng tiếng Pháp rất thành thạo, mặc dù tôi biết chắc rằng trong lúc xúc động như vậy, từ ngữ và phát âm tiếng Việt của tôi thế nào cũng “sinh chuyện”.

Sau khi ngỏ lời mong họ bỏ qua những thất thố trong tiếng Việt, tôi chúc sức khỏe đại tướng và phu nhân, chúc hai người sống lâu và hạnh phúc trong năm mới. Đại tướng mời tôi sang ngồi bên cạnh ông, trên cái trường kỷ bằng gỗ để tiếp tục câu chuyện. Đoạn, tôi trình những tài liệu mà tôi mang theo: cuốn sách mà tôi viết chung với Jean-Pierre Debris Chúng tôi tố cáo mà Nhà xuất bản Trẻ đã tái bản năm 2004, những bài báo tôi viết mỗi ngày và đã đăng báo địa phương trong suốt thời gian 46 ngày liền tôi ở trên đỉnh tháp chuông nhà thờ lớn St Lazaire vào mùa hè năm 2003 để đòi Nhà nước Pháp phải chính thức thừa nhận những năm tôi ở tù vì hòa bình tại VN là một việc chính nghĩa đối với một giáo viên của nước Cộng hòa Pháp, bản lịch trình chi tiết cuộc vận động của tôi sau khi ra tù, đến 17 nước trên thế giới trong suốt gần hai năm trời để tố cáo chế độ lao tù của chính quyền Mỹ - Sài Gòn...

Đại tướng và phu nhân Bích Hà chăm chú nghe tôi kể. Thỉnh thoảng, bà sửa lại những chỗ vấp váp trong tiếng Việt của tôi. Đại tướng cầm tay tôi như muốn truyền sang sự đồng cảm của ngôn từ. Tới đây, phải thú thật là tôi hơi... hèn: trước khi đi, tôi đã chuẩn bị một số câu hỏi về thời sự cũng như về những kỷ niệm sâu sắc nhất của đại tướng... nhưng rồi tôi không muốn lạm dụng thời gian quý báu đã được sắp xếp, chỉ muốn tận hưởng những giây phút hạnh ngộ mà không làm mệt ông, nên rốt cuộc tôi đã không hỏi. Đó phải chăng là điều đáng tiếc?

Trong câu chuyện, có một lúc đại tướng nắm chặt lấy tay tôi. Hai bàn tay ông, da mồi, ấm áp, y hệt như hai bàn tay của cha tôi (kém đại tướng 3 tuổi, hiện vẫn sống khỏe mạnh ở quê nhà miền Nam nước Pháp). Nụ cười hóm hỉnh trên môi, đôi mắt tinh nghịch, đại tướng nói với tôi bằng một ngôn ngữ Pháp trau chuốt: “Chắc tiếng Pháp của tôi thuần thục hơn tiếng Việt của anh”. Phải chăng ông muốn khuyên tôi dùng tiếng Pháp để tiếp tục câu chuyện, hay đây chỉ là lời bông đùa, như một quả đại bác bắn trực chỉ vào tôi? Biết ông và phu nhân hoàn toàn làm chủ tiếng Pháp, nên tôi tiếp nhận câu nói một cách tích cực và tự trấn an rằng tiếng Việt của mình dầu sao cũng thuộc loại... để người ta hiểu được. Thành ra, chúng tôi vẫn tiếp tục nói chuyện bằng tiếng Việt trong bầu không khí thân mật, thỉnh thoảng bật lên những tràng cười sảng khoái.

Sau nửa giờ hạnh ngộ, tôi nhắc lại những lời chúc trường thọ của cá nhân cũng như của những bạn bè người Pháp yêu quý VN, trong đó có Madeleine Riffaud. Đại tướng và phu nhân nhờ tôi chuyển lời chúc tới mọi người và cho riêng tôi “mọi điều tốt đẹp”.

3. Đọc lại những bài viết của ông, nghe những gì mà mọi người nói về ông và được gặp trực tiếp ông, tôi không bao giờ coi tướng Giáp là một “hiện vật” lịch sử để cất trong bảo tàng. Mặc dù tuổi đã ngoài 98, trải qua bao cuộc đấu tranh trong quá khứ và hiện tại, “con sư tử già” ấy nay vẫn minh mẫn, chí khí vẹn toàn. Ông là biểu tượng cho một thời kỳ hoàng kim vẫn rất sinh động khiến người ta phải khâm phục, khiêm cung, kính nể và trung thành. Xin gửi đại tướng lời chào kính mến và lời chúc trường thọ!

Theo ANDRÉ MENRAS / Tuổi Trẻ
(Thái Bình dịch)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.