Thảm án sát hại 5 phu trầm - Kỳ 6: Nỗi đau người ở lại

12/02/2014 09:00 GMT+7

Không có việc làm, không có điều kiện phát triển kinh tế nên các phu trầm chấp nhận số mệnh run rủi phía trước để đóng gùi lên rừng tìm sự may mắn. Họ ra đi để lại nỗi đau khôn nguôi và khó khăn chồng chất cho vợ, con.

Thảm án sát hại 5 phu trầm - Kỳ 6: Nỗi đau người ở lại

Mẹ con chị Hòe (vợ nạn nhân Trị) trong nỗi đau mất chồng - Ảnh: T.Q.N

Chuyến đi cuối cùng

 

Sắp xét xử vụ thảm sát 5 phu trầm

Chiều 11.2, ông Lê Hồng Quang, Chánh án TAND tỉnh Quảng Trị, xác nhận với PV Thanh Niên đã có lịch xét xử đối với vụ án thảm sát 5 phu trầm với 2 bị cáo là Hồ Văn Công và Hồ Văn Thành. Cụ thể, vụ án sẽ được đưa ra xét xử công khai từ sáng 27.2 tại hội trường TAND tỉnh Quảng Trị. (Nguyễn Phúc)

Trưa 27.3.2013, thi thể 5 phu trầm được đưa về quê ở 2 xã Quảng Minh và Quảng Sơn, H.Quảng Trạch, Quảng Bình để mai táng. Gia đình tan nát, làng xóm tang tóc, cảnh tượng chưa bao giờ xảy ra ở miền quê nghèo khó, dù trước nay đã có không ít phu trầm phải ra đi.

Trong nhóm người đi tìm trầm đợt đó, có một số người may mắn không bị rơi vào tay 3 “ác thú” do trước đó đã cắt rừng về tải gạo như Hoàng Ngọc Cương và Hoàng Ngọc Trực (cùng ở xã Quảng Minh). Hai người cũng bị bắt nhưng may mắn sống sót đó là anh Hoàng Văn Hà (ở xã Quảng Minh) - người được thả về lấy tiền chuộc và Đỗ Văn Hiền - người trốn chạy được.

Sáng 28.3.2013, PV Thanh Niên đã về Quảng Minh và Quảng Sơn để gặp những phu trầm may mắn thoát nạn. Sự mệt mỏi, lo sợ hiện trên những gương mặt, đôi mắt thất thần. Người hoảng loạn nhất là Đỗ Văn Hiền bởi đã thoát chết trong gang tấc. Anh Hiền cho hay 3 thủ phạm chỉ có 1 khẩu súng và kẻ cầm súng đó bịt mặt. Cả ba nói tiếng Việt sõi, có vẻ như đó là người Kinh và thường dùng từ “tục đệm” khi nói. “Khi dẫn đi, chúng không cho quay đầu nhìn lại. Trong đêm, lúc ở lán của chúng, chúng vẫn nói chuyện với chúng tôi và còn kể thường hay xuống cầu Gianh (ở H.Quảng Trạch) chơi. Khi canh gác, chúng mở nhạc trong điện thoại di động nghe và thỉnh thoảng dùng ánh sáng phát ra từ điện thoại soi kiểm tra chúng tôi. Một lúc sau thì điện thoại hết pin nên tôi mới có cơ hội tháo dây lỏng dần và chạy thoát sau đó. Trước đó, nhiều lần tôi đã nói với mấy anh là để tôi tháo dây và giải thoát cho nhưng mấy anh không chịu vì sợ lộ là bị giết. Chúng lần lượt đưa từng người ra phía hố đập giết, cứ mỗi lần như thế lại cười lên”, anh Hiền kể lại.

Hiền quê gốc Bến Tre, lấy vợ ở xã Quảng Sơn, lần đó hai vợ chồng về quê và anh Hiền theo nhóm bạn đi tìm trầm. Chuyến đi rừng đầu tiên của anh Hiền cũng là chuyến đi đầy ác mộng. Thoát nạn trở về nhưng chính Hiền lại bị không ít con mắt ngờ vực trong thời điểm đó nên anh rất buồn và mong muốn cơ quan chức năng sớm tìm ra thủ phạm để trừng trị thích đáng hành động man rợ và cũng trả lại sự thật cho anh.

Mất mát

Mỗi gia đình 5 phu trầm là mỗi hoàn cảnh khác nhau nhưng đều éo le, khó khăn khi cả 5 đều thuộc diện hộ nghèo. Ngày đưa thi thể anh Nguyễn Văn Thắng (xã Quảng Minh) về, bà Hoàng Thị Nhung khóc lịm, ngã quỵ. Gặp chúng tôi, bà bảo: “Sao có những loại người ác thú đến thế, con tôi có tội tình gì đâu. Nó còn chưa có vợ, mấy lần giục lấy vợ thì nó nói để kiếm đủ tiền xây nhà cho mẹ che mưa che nắng”. Trong thảm án này, bà Nhung còn phải gánh chịu nỗi đau mất người cháu ngoại là Nguyễn Văn Sáu (23 tuổi).

Nhà của phu trầm Trương Thanh Hiền ở cách nhà anh Nguyễn Văn Thắng không xa. Anh Hiền ra đi để lại người vợ trẻ cùng 2 đứa con thơ. Chị Hoàng Thị Mỹ Lệ, vợ anh Hiền, tâm sự: “Dù mỗi chuyến đi rừng của anh không kiếm được nhiều, có khi lỗ vì trở về tay không nhưng còn có đồng ra đồng vào cho gia đình trang trải; lúc thiếu lại đi vay mượn, đến lúc có thì bù vào. Giờ anh không còn nữa, hai đứa nhỏ lớn lên không có cha, rồi đây không biết tương lai của hai đứa như thế nào”.

Những ngày đầu năm 2014, chúng tôi lại ngược lên miền quê bán sơn địa Tân Sơn của xã Quảng Sơn. Ở đó có ngôi nhà nhỏ, chưa tô trét, trống trải của phu trầm Trần Văn Trị. Vợ anh, chị Hoàng Thị Hòe đang lo lắng, tất bật chạy vạy xóm làng mượn chút tiền để lo cho ngày giỗ tròn năm của chồng. Ba đứa con nhỏ nheo nhóc của anh chị giờ càng gầy gò, ốm yếu. Hỏi tết có áo quần mới mang không thì cả ba đứa cúi mặt lắc đầu. Chị Hòe kể mình bị bệnh gai cột sống, không làm được việc nặng, nhưng ở cái vùng đất sản xuất không có, chỉ sống dựa vào rừng thì chị cũng chẳng biết làm nghề gì cho phù hợp. Tất cả thu nhập nhờ vào những chuyến đi rừng của chồng.

Sau Tết Nguyên đán, các phu trầm ở Quảng Minh, Quảng Sơn lại tiếp tục đóng gùi lên rừng. Xui xẻo hay may mắn chờ đợi phía trước họ không hề biết, họ chấp nhận số phận như là cách nghĩ sinh nghề tử nghiệp. Bởi nếu ở nhà cũng sống trong cơ hàn, đi còn may ra có hy vọng, phần bởi trọng trách người đàn ông trong gia đình thôi thúc họ dấn bước.

Trương Quang Nam

>> Thảm án sát hại 5 phu trầm - Kỳ 1: Cuộc thảm sát và những thông tin ít ỏi
>> Thảm án sát hại 5 phu trầm - Kỳ 2: Một tuần 'nín thở

>> Thảm án sát hại 5 phu trầm - Kỳ 3: 'Quỷ dữ' sa lưới
>> Thảm án sát hại 5 phu trầm - Kỳ 4: Từ con bạc đến ‘đao phủ’
>> Thảm án sát hại 5 phu trầm - Kỳ 5: Còn đó nỗi ám ảnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.