Tài nguyên quốc gia, khai thác hay tàn phá?

30/03/2009 23:27 GMT+7

Chúng ta thường nói: Nước ta rừng vàng, biển bạc. Nhưng trồng rừng không kịp tốc độ khai thác nên có người nói vui rằng: chúng ta đã hoàn thành căn bản việc phá rừng; còn các vùng biển ven bờ cũng đang phải oằn mình bởi nạn khai thác hủy hoại. Rồi đây không biết tại người bạc với biển hay biển bạc với người. Nhu cầu về tài nguyên trên thế giới tăng nhanh cùng với việc khai thác tài nguyên ở nước ta còn nhiều bất cập, đặt chúng ta trước những hệ lụy khôn lường. Nghe đọc bài

Vét cạn tài nguyên là có tội với tương lai

Thảm họa từ những mỏ khai khoáng

Việt Nam có nguồn tài nguyên khoáng sản khá phong phú với hơn 100 loại. Ngành công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản luôn là một ngành công nghiệp mũi nhọn có vai trò đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, các mỏ ở Việt Nam đa phần có quy mô vừa và nhỏ, khả năng khai thác công nghiệp bị hạn chế. Trong khi đó, việc quản lý khai thác, chế biến và sử dụng tài nguyên khoáng sản của chúng ta hiện nay còn nhiều bất cập. Mặc dù chúng ta đã có Luật Khoáng sản từ năm 1996 nhưng những quy định trong luật chỉ là nỗ lực của các nhà lập pháp mà ít được thực thi trong thực tế. Thực tế là, khai thác khoáng sản chỉ qua chế biến sơ bộ rồi đem bán: xúc cát trắng lên xuất khẩu là có trên 10 USD/tấn, gạt bỏ lớp phủ rồi xúc tràng thạch đem nghiền sơ bộ cũng bán được 300 ngàn đồng/tấn, 1m3 đá khối xuất khẩu được 500 - 800 USD/tấn tùy từng loại... Thế nên, dễ hiểu khi có nhiều người đổ xô vào lĩnh vực khai thác khoáng sản, bằng cách này hay cách khác.

“Mỗi năm lũ lụt về cướp đi hàng trăm sinh mạng thì cả xã hội lại ồn ào, lại xót thương, lại quyên góp tiền hàng cứu trợ nhưng không có một cuộc điều tra nghiêm túc nào được tổ chức? Tại sao những thôn bản đã sống yên bình từ hàng trăm năm nay bỗng nhiên bị xóa sổ sau một đêm? Chúng ta có thể làm gì để ngăn ngừa thảm họa?...” - Thạc sĩ NGUYỄN ĐÌNH XUN

Việt Nam là nước đang phát triển, nhu cầu về tích lũy vốn rất lớn và đương nhiên chúng ta cần dựa vào tài nguyên, khoáng sản để tạo nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Nhưng với tình trạng khai thác như hiện nay thì nguy cơ thất thoát và mất mỏ là rất cao. Đó là chưa kể tình trạng ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái luôn đe dọa, các vấn đề xã hội phức tạp nảy sinh. Hiện tại, chúng ta khai thác và chủ yếu là bán quặng thô, cho nên giá trị gia tăng thực tế thu được không lớn (1 tấn quặng titan chẳng hạn, giá xuất khẩu theo khai báo chỉ là 400.000 đồng, tức 25 USD nhưng nếu qua chế biến sẽ có giá xuất khẩu gấp 100 lần, khoảng 2.500 USD!). Bên cạnh đó, do công nghệ khai thác lạc hậu, chúng ta không tận thu được hàm lượng khoáng sản hữu ích, mà còn gây ra tình trạng mất rừng, xói lở đất, bồi lắng, ô nhiễm nước mặt, nước ngầm. Có thể nêu nhiều điển hình về sự ảnh hưởng của khai thác mỏ đến các nguồn nước.

Ở khu mỏ thiếc Sơn Dương (Tuyên Quang), tổng lượng nước thải công nghiệp gồm bùn cát và nước khoảng 2.000 m3/ngày được xả ra các đập lắng với tổng dung tích > 74.000m3. Các đập lắng nước này đã làm tăng đáng kể diện tích mặt nước, thay đổi chế độ thủy văn của suối. Sau một thời gian đổ thải, hầu hết các hồ và nhiều đoạn suối đã bị lấp đầy bùn, cát. Đáy hồ cao hơn cốt cao tự nhiên từ 5 - 10m làm thay đổi dung tích, lưu lượng và hướng dòng chảy tự nhiên. Các hồ và suối trước đây là nguồn nước sản xuất nông nghiệp, hiện nay hoàn toàn không thể sử dụng được.

 

Khai thác quặng titan tại miền Trung - Ảnh: T.Q.N

Ở các mỏ thiếc, đá quý ở miền Tây Nghệ An, do quá trình đào bới và đổ thải, các khe Bản Sỏi, Khe Mồng, Tổng Huống - là nguồn cấp nước cho nông nghiệp của khu vực, bị xói lở bờ, bồi lấp dòng chảy, đổi dòng, giảm khả năng tưới từ đó gây ra giảm vụ, giảm năng suất cây trồng. Khe Nậm Tôn bị đục và ô nhiễm trên chiều dài hơn 20 km. Khai thác đá quý ở Quì Châu đã làm một số suối và công trình thủy lợi bị phá hủy, các hố khai thác sâu là nơi tích tụ chất thải làm ô nhiễm nguồn nước.

Hàng trăm hecta đất rừng bị đào bới hoặc bỏ hoang đằng sau những quá trình khai thác. Ví dụ, theo công bố năm 2006, có khoảng 218 ha đất lâm nghiệp đã bị phá tại mỏ thiếc Bắc Lũng (Thái Nguyên); 200 ha rừng tự nhiên, rừng trồng bị phá tại khu khai thác Quỳ Hợp, Nghệ An. Ở Hòn Gai (Cẩm Phả) trong giai đoạn 1970 - 1997, các hoạt động khai thác than đã làm mất khoảng 2.900 ha (trung bình mỗi năm mất 100 - 110 ha) đất rừng các loại, trong đó khoảng 2.000 ha bị mất do mở vỉa, đổ đất đá thải. Độ che phủ rừng tự nhiên từ 33,7% năm 1970 giảm xuống 4,7% vào năm 1997.

Hiện tại việc cấp phép khai thác khoáng sản còn nhiều kẽ hở và chưa được công khai minh bạch. Trừ một số mỏ lớn có đánh giá trữ lượng, đa phần các mỏ nhỏ đều do doanh nghiệp tự thăm dò, khi thấy có lợi nhuận thì đưa vào quy hoạch để được cấp phép. Do buông lỏng quản lý, tình trạng khai thác trái phép cũng diễn ra phổ biến.

Kinh phí hằng năm dành cho bảo vệ rừng là quá nhỏ so với những gì rừng mang lại. Triển khai Quyết định 380/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng, chỉ tính riêng nguồn thu từ thủy điện và nhà máy nước, số tiền tỉnh Lâm Đồng dự kiến thu được sẽ vào khoảng 50 - 60 tỉ đồng, tức 270.000 đồng/ha rừng, gấp hơn 2 lần chi phí hiện Nhà nước đang chi cho công tác bảo vệ rừng.

Lợi nhuận âm

Sẽ là cực đoan nếu cho rằng cần phải đắp chăn trái đất này lại, không khai thác tài nguyên nữa để bảo vệ môi trường. Chúng ta vẫn cần khai thác nhiều tài nguyên để phát triển nhưng phải làm sao việc khai thác thực sự đem lại hiệu quả, giảm thiểu hậu quả.

Hiện nay, rất nhiều hoạt động khai thác của chúng ta đang thu lợi âm, rõ nhất là tình trạng khai thác thủ công ở những mỏ kim loại màu, trữ lượng nhỏ. Giá trị thu được bằng tiền cho một vài cá nhân không thể so sánh được với những mất mát về môi trường mà hậu quả tất cả chúng ta sẽ phải gánh chịu trong nhiều chục năm tới. Các tổ chức bảo vệ môi trường thế giới có sử dụng khái niệm GDP xanh, là hiệu số của tổng sản phẩm quốc nội GDP với sự mất mát tài nguyên cũng như chi phí cần phải có để khắc phục ô nhiễm môi trường (GDP xanh = GDP - mất mát tài nguyên và ô nhiễm môi trường). Ví dụ như Viện khoa học xã hội Trung Quốc đã thử tính ở tỉnh Sơn Tây, GDP tăng trưởng bình quân là 9%/năm trong suốt 2 thập kỷ qua nhưng thiệt hại về tài nguyên và môi trường lên đến 15%/năm nên kết quả GDP xanh sẽ là -6%/năm.

 

Rừng bị đốt thành... tro ở Quảng Ngãi - Ảnh: Hiển Cừ

Khoáng sản là những thứ tài nguyên không thể tái tạo lại, cho nên chúng ta cần phải cân nhắc hết sức thận trọng khi khai thác. Khi chúng ta chưa thể tinh chế hoặc sử dụng một cách có hiệu quả nhất thì hãy để cho các thế hệ sau có cơ hội làm việc đó. Bằng không, vài chục năm nữa con cháu chúng ta sẽ phải đi nhập tài nguyên với giá rất cao. Theo một số báo cáo thì chỉ khoảng năm 2012 chúng ta sẽ phải bắt đầu nhập khẩu than và trong vòng 30 năm nữa chúng ta hết sạch than. Trong khi đó, hiện nay xuất khẩu than (chính thức) chiếm 50% sản lượng của ngành than và tỷ trọng xuất khẩu khoáng sản chiếm đến 21,2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Một con số đáng buồn, nhất là khi chúng ta chủ yếu là xuất khoáng sản thô.

Cần phải nhắc lại, các quy định của pháp luật (Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường) có yêu cầu chặt chẽ về bảo vệ môi trường, khôi phục hiện trạng (hoàn nguyên) hiện tại vẫn rất ít được thực thi. Tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta cần xem xét lại một cách khoa học và chính xác về các chính sách, chiến lược đối với tài nguyên khoáng sản nếu không muốn bị tương lai phán xét. Việc khai thác tài nguyên là cần thiết nhưng phải dựa trên cơ sở phân tích, đánh giá một cách đầy đủ, khoa học, công khai, minh bạch.

Thạc sĩ Nguyễn Đình Xuân
- Ủy viên Ủy ban KH-CN & MT của Quốc hội

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.