Ông đại sứ biết pha nước mắm

02/05/2010 11:26 GMT+7

Với tiếng Việt giọng Bắc hoàn hảo, vẻ mặt rất đặc trưng của người Ả Rập với mũi cao, mắt sâu, tóc xoăn và làn da nâu đậm, ông nói tên của mình có nghĩa hạnh phúc. Saadi nghĩa là hạnh phúc.

“Trong 17 năm tạm biệt Việt Nam để thực hiện nhiệm vụ ngoại giao ở rất nhiều nơi trên thế giới, tôi luôn tin một ngày sẽ quay lại đất nước này” - nhà ngoại giao Saadi Salama cuối cùng đã trở về Hà Nội nhận cương vị đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nhà nước Palestine vào tháng 10-2009. Gọi đây là sự trở về vì với nhiều người Việt Nam, đại sứ Saadi Salama là gương mặt đặc biệt quen thuộc.

Hai người đặc biệt ở Việt Nam

Lần đầu tiên ông đến Việt Nam từ 30 năm trước. Năm 1980, sau khi tốt nghiệp trung học, chàng thanh niên Saadi quyết định tới Việt Nam học đại học. Thời gian đó, Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) cử ông đi học, Saadi có ba lựa chọn: Romania, Ý hoặc Việt Nam.

Việt Nam vừa trải qua khói lửa chiến tranh được năm năm, bao khó khăn ở phía trước; Ý luôn là thiên đường cho những ai yêu thích nghệ thuật, còn Romania là đất nước hiền hòa và xinh đẹp, đến nay vẫn là một trong những điểm đến tuyệt vời ở Đông u. Nhưng Saadi quyết định tới Việt Nam, coi đó là “một thử thách lớn” và “táo bạo”. Saadi trở thành một trong ba lưu học sinh Palestine hiếm hoi ngày ấy.

Một yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới quyết định của Saadi là “hình ảnh những người du kích đấu tranh cả đời vì độc lập dân tộc và thống nhất toàn vẹn lãnh thổ ở Việt Nam đã khắc sâu vào tâm trí tôi. Tôi muốn hiểu hơn đất nước của các bạn”. Thật ra ông đã quyết định gắn sự nghiệp của mình với sự nghiệp chung giải phóng dân tộc của toàn dân Palestine, sau ngày 7-6-1967, khi mới khoảng 6 tuổi, nhìn thấy những chiếc xe tăng của quân đội Israel tiến vào thành phố Hebron.

Trong những ngày đầu học tập tại Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, ông giúp việc ở cơ quan đại diện PLO tại Hà Nội và từ ngày đó, sự nghiệp gắn liền với công tác đối ngoại của PLO. Thời gian ở Việt Nam cũng là cơ hội cho ông lần đầu gặp chủ tịch Yasser Arafat - người mà ông nhận xét “rất coi trọng sự nghiệp đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam”.

 Tôi coi tôn giáo là một nền văn hóa, tôi hiểu tôn giáo theo khía cạnh văn hóa hơn là những mệnh lệnh răn đe tôi phải làm theo. Tôn giáo với tôi không phải là bảo tôi làm gì tôi phải làm, mà khi tôi làm một điều tôi phải biết vì sao tôi cần tuân theo điều đó. Nếu tôi cảm thấy đó là điều tôi cần, tôi sẽ thực hiện, nhưng nếu không phải thì tôi sẽ không làm theo. Tôi hiểu việc làm theo tôn giáo là những việc phải phù hợp với thời đại, những gì đã tồn tại cách đây hơn mấy nghìn năm mà áp dụng vào hiện tại là không phù hợp. Quan niệm về tôn giáo của tôi là cần phát triển theo thời đại, nếu không sẽ trở nên bế tắc

Đại sứ SAADI SALAMA

Trong năm đầu tiên tại Việt Nam, ông còn gặp được một người đặc biệt, người con gái sau này đã theo ông bôn ba hơn hai mươi năm trời. “Không rõ buổi dạ hội giao lưu do khoa tiếng Việt tổ chức, hay là sự gặp gỡ tình cờ trong góc thư viện đã đem cô gái tên Kim Oanh đến với tôi. Cô ấy là người con gái Việt Nam mang vẻ đẹp yên bình, điều mà tôi khao khát có được trong cuộc sống”.

Saadi xác định rõ một tình yêu vượt biên giới là khó khăn và “khi ấy cuộc sống ở Việt Nam không đơn giản. Vừa trải qua chiến tranh, người Việt Nam rất dè dặt trong mối quan hệ với người nước ngoài”. Ông bà đã phải đối mặt với cả sự chia ly.

Gia đình quốc tế

“Người Palestine luôn sẵn sàng, nếu cách mạng gọi là phải chiến đấu. Tháng 6-1982, tôi tạm biệt cô ấy, tình nguyện tham gia cuộc kháng chiến chống Israel. Tôi nói với Oanh: Bây giờ anh đi, không biết có quay trở lại không, nhưng em phải biết có một người Palestine đã dành một tình yêu rất trong sáng cho em” - ông kể.

Kim Oanh hiểu nếu Saadi không về, nghĩa là ông đã thành liệt sĩ của Palestine. May mắn, ngày 20-9-1982, Saadi quay lại Hà Nội. “Ngày 26-9-1983, tôi kết hôn với cô ấy, khi vừa là lưu học sinh, vừa là nhân viên không chính thức của Đại sứ quán Palestine tại Việt Nam”. Chủ trì hôn lễ chính là chủ nhiệm khoa tiếng Việt, giáo sư Hoàng Trọng Phiến. Khi đó, ông còn đùa và chúc mừng Saadi đã tìm được cuốn “từ điển sống” của mình.

Sau đám cưới, một hành trình mới lại bắt đầu, Saadi sang Lào công tác với cương vị phó trưởng đoàn PLO trong năm năm (1984-1989). Ở đó, ông gặp lại nền văn hóa Việt Nam từ những cán bộ Lào “nói rất siêu” tiếng Việt.

Ở Lào, cô con gái đầu lòng Hanan chào đời. Ông kể một phần quan trọng của cuộc đời ông là gia đình Palestine - Việt Nam. Cái gia đình “quốc tế” như ông tự nhận có bốn người con nay đều đã lớn.

Hanan, có tên tiếng Việt là Kim Yến, đã tốt nghiệp thạc sĩ ở Pháp. Rima - Kim Anh với nét đẹp đậm chất Trung Đông, làn da nâu giòn và đôi mắt tròn to, đang theo học thạc sĩ chuyên ngành ngoại ngữ thương mại quốc tế tại Trường Toulouse (Pháp). Hanin - Việt Khánh, cô gái sinh đúng Quốc khánh Việt Nam 2-9, và cậu bé út Ali - Việt Hà hiện đang học tập tại Pháp dưới sự kèm cặp của mẹ.

“Nhiều người gặp gia đình tôi đều thú vị khi thấy chúng tôi chào nhau bằng tiếng Anh, tạm biệt bằng tiếng Pháp, khi ăn cơm thì dùng tiếng Việt, còn gọi điện thoại thì bằng tiếng Ả Rập” - ông hóm hỉnh kể. Nhưng tiếng Việt và tiếng Ả Rập vẫn là hai ngôn ngữ chính trong gia đình ông.

"Thành tựu trọn đời"

Bà Kim Oanh - người vợ, người mẹ rất truyền thống trong mỗi lời kể của bố con ông Saadi - là sự thiếu vắng duy nhất trong mái ấm của ông đại sứ tại Hà Nội. Nghỉ công việc dạy mẫu giáo, bà đã theo ông ở bất kỳ nơi nào ông đến, lo cho các con, giữ cho gia đình ấm cúng, trật tự. Ông gọi bà là “thành tựu trọn đời” và mong muốn sớm tìm được trường học tốt tại đây để đón ba mẹ con từ Pháp trở về thủ đô.

“Các con tôi rất tự hào mình là người Việt Nam và Palestine. Khi được hỏi, ngay lập tức con tôi trả lời: “Tôi là người Palestine, bố Palestine và mẹ Việt Nam”. Vai trò của người mẹ giáo dục con rất quan trọng”. Ông bà giáo dục con cái trên tinh thần có trách nhiệm giữ gìn uy tín gia đình, tôn trọng đất nước của bố mẹ. “Các con tôi rất tự hào mang trong mình dòng máu Palestine và Việt Nam, hai quốc gia có lịch sử đấu tranh giành độc lập”.

Trở lại gắn bó với Việt Nam

Lần trở lại Việt Nam này, ông nhận thấy quê vợ đang thay đổi mạnh mẽ, và ông muốn “học cả bài học về phát triển kinh tế” của một quốc gia từ thế bị bao vây, cấm vận, sang quốc gia chủ động trong việc hội nhập, tham gia các diễn đàn, tổ chức quốc tế hiện nay.

Song hành cùng ông là cô con gái đầu, vừa quyết định trở thành cán bộ chương trình giáo dục quốc gia Văn phòng UNESCO Hà Nội. Phảng phất nét đẹp rạng rỡ của mẹ Oanh, khả năng sử dụng tiếng Việt thông minh của bố Saadi, Kim Yến lại tự nhận mình có phong cách rất... Ả Rập bởi chất giọng cao, cách nói chuyện hào sảng.

25 tuổi, sử dụng tiếng Anh của người Mỹ, tiếng Pháp, tiếng Ả Rập thuần thục, Kim Yến khẳng định không có cảm giác “lạc điệu” của một Việt kiều hồi hương. “Mẹ có nếp sống rất truyền thống và bố quá yêu nơi đây, vì thế Việt Nam là một từ rất gần gũi”.

Đại sứ Saadi tự hào với phong cách sinh hoạt vừa Palestine vừa Việt Nam của mình, “vì hai quốc gia có rất nhiều điểm tương đồng, đặc biệt là tinh thần dân tộc và các giá trị truyền thống của gia đình”. Nếu gặp ông lần đầu, rất có thể bạn được mời nán lại dùng bữa cơm chiều.

Trong hoạt động ngoại giao cũng như đón tiếp người thân của ông, đặc biệt khi chiêu đãi khách quốc tế, các món ăn Việt Nam luôn hiện diện bên cạnh các món ăn Palestine. Sau những ngày đầu là sinh viên làm quen với món rau muống xào, rồi bún chả, chả cá, bánh xèo... đến nay, Saadi hóm hỉnh khoe “sự nghiệp ăn uống” của ông “đã có những bước tiến đáng kể”. Ông có thể làm gà luộc, pha nước mắm, thậm chí cuốn nem (chả giò). Món ăn mà ông ưa thích nhất vẫn là bún chả. “Vì đây là món ăn tập trung nhiều thành phần mang hương vị Việt Nam như bún, thịt, nước mắm và giấm”.

Trong năm năm nhiệm kỳ, đại sứ Saadi vẫn sẽ tiếp tục thực hiện “khát khao làm cầu nối đẹp đẽ không những cho mối quan hệ giữa Palestine và Việt Nam, mà còn cho Việt Nam và thế giới Ả Rập hiểu nhau nhiều hơn”, vì “nhiều người Việt Nam chỉ biết về thế giới Ả Rập qua câu chuyện Nghìn lẻ một đêm và chiến tranh”.

Ông cùng các đồng nghiệp  đang nỗ lực phối hợp với 11 quốc gia Ả Rập đang có cơ quan ngoại giao ở Hà Nội thành lập trung tâm văn hóa Ả Rập ở Việt Nam. Ông cũng dự định dịch một số tác phẩm từ tiếng Ả Rập sang tiếng Việt, đưa đội bóng đá Olympic Palestine sang đấu giao hữu vào tháng 9-2010 và đưa một đoàn văn nghệ Palestine đến Việt Nam trình diễn.

Con đường giành độc lập của người dân Palestine có thể còn dài. Nhưng đại sứ Saadi tin tưởng người dân Palestine xứng đáng có tổ quốc, nhà nước, có tự do. “Chúng tôi tin tưởng rằng cần tiếp tục sự nghiệp đó, và sẽ thực hiện được, bao giờ có thể hoàn thành được thì không thành vấn đề. Hòa bình chỉ có khi dân tộc này tôn trọng sự tồn tại của dân tộc khác, tôn trọng các quyền bất khả xâm phạm của người khác”.

Theo Khổng Loan - Nga Linh / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.